Bến Tre: Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đáp ứng nhu cầu tại các khu đô thị, khu công nghiệp
Phát triển nhanh, hiệu quả ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh là cơ sở để sớm đưa Bến Tre thành địa phương dẫn đầu cả nước về bảo vệ môi trường và thu hút khách du lịch trong và ngoài nước |
Tỉnh Bến Tre đã dồn các nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn đô thị tập trung tại thành phố trong thời gian qua. Hiện tỉnh đang đầu tư Nhà máy xử lý rác thải tập trung tại tỉnh, nhà đầu tư là Công ty cổ phần xử lý rác thải Bến Tre. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 350 doanh nghiệp đăng ký hoạt động các ngành nghề liên quan đến dịch vụ môi trường như: khai thác, xử lý và cung cấp nước; thoát nước và xử lý nước thải; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu. Các doanh nghiệp đã đáp ứng được nhu cầu thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Đối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung khu đô thị, khu dân cư tập trung: Đến hết năm 2023, tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung cho khu đô thị, khu dân cư đi vào hoạt động. Dự kiến giai đoạn từ nay đến 2030 sẽ đầu tư các hệ thống xử lý nước tại thải thành phố Bến Tre và các huyện: Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam và 1 số thị trấn lên đô thị loại 4.
Đối với rác thải công nghiệp: Phần lớn các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre với quy mô vừa và nhỏ, trong quá trình sản xuất phát sinh chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại. Các phế phẩm, phế liệu trong quá trình sản xuất, tro xỉ từ quá trình đốt cháy nguyên liệu… những thành phần này được thu mua, tận dụng để tái sử dụng làm phân bón phục vụ trong nông nghiệp. Chất thải nguy hại được các doanh nghiệp hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý.
Đối với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có Khu công nghiệp An Hiệp, Khu công nghiệp Giao Long, Khu công nghiệp Giao Long giai đoạn I với hệ thống xử lý có công suất thiết kế 2.500 m3/ngày/đêm; khu công nghiệp Giao Long giai đoạn II là 5.000 m3/ngày/đêm và khu công nghiệp An Hiệp là 2.900m3/ngày/đêm hệ thống xử lý nước thải do Ban quản lý phát triển hạ tầng thuộc Ban quản lý các khu công nghiệp quản lý.
Tại các Cụm công nghiệp (CCN): Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 CCN được thành lập, với tổng diện tích 329,3 ha. Có 04 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động.
Các CCN có 27 dự án đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 7.833,52 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.933 lao động, trong đó có 13/27 dự án đi vào hoạt động. Trong 04 CCN đang hoạt động thì có 03 CCN được đầu tư hạ tầng cơ bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, vận chuyển hàng hóa trong CCN. Đồng thời, giai đoạn 2021 - 2023, cũng đã bố trí kinh phí 75.620 triệu đồng để đầu tư hạ tầng các CCN. Các CCN hiện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hệ thống xử lý nước thải do các doanh nghiệp tự đầu tư hệ thống xử lý.
Để thực hiện tốt việc phát triển ngành Công nghiệp môi trường, ngoài việc tập trung các nguồn lực sẵn có kết hợp với các nguồn lực từ bên ngoài, tỉnh cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện “Đề án công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” cũng như sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật.