Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường chủ động ứng phó lũ và triều cường
Nhiều tỉnh thành tại Đồng bằng sông Cửu Long triều cường liên tục tăng cao.
Liên tục trong những ngày gần đây, mực nước tại các sông ngòi tại các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long liên tục dâng cao, kết hợp với mưa lớn sẽ có nguy cơ gây ngập úng trên diện rộng tại các khu vực trũng thấp.
Nhiều đường phố tại TP. Cần Thơ chìm trong biển nước do triều cường dân cao |
Cụ thể, ngày 8/10, theo Đài Khí tượng Thủy văn TP. Cần Thơ cho biết, hai ngày qua mực nước trên các sông rạch tại TP. Cần Thơ tiếp tục lên nhanh và cao theo kỳ triều cường rằm tháng chín âm lịch kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về.
Đỉnh triều cao nhất tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này có khả năng lên mức 2,2-2,25m, cao hơn mức báo động III (xấp xỉ đỉnh triều cường lịch sử năm 2019). Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hàng ngày vào lúc 5-7 giờ sáng và 16-18 giờ chiều.
Theo ông Phan Thanh Hải – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn TP. Cần Thơ, mực nước đo được tại trạm Cần Thơ sáng đến sáng ngày 9/10 là 2,17m, cao hơn ngày hôm qua (8/10) và cao hơn mức báo động III là 0,17m.
Dự báo mực nước đỉnh triều trên các sông rạch còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh trong các ngày 10- 12/10 (nhằm ngày 15-17/9 Âm lịch), sau đó xuống thấp dần nhưng vẫn còn ở mức cao trên báo động III cho đến ngày 14/10.
Đại diện Đài Khí tượng thủy văn TP. Cần Thơ cho biết, các nguyên nhân chính là do thủy triều, gió mùa Đông Bắc, nước sông Mekong đổ về, kết hợp với mưa…
Nhiều đường phố tại TP. Cần Thơ chìm trong biển nước do triều cường dân cao |
Theo ông Nguyễn Quý Ninh - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ, trong tháng 10 này, dự báo có hai đợt triều cường ở mức rất cao. Nếu đạt đỉnh 2,17m như dự báo thì đây là mức tương đương năm 2020 từng ghi nhận. Dự báo từ nay đến ngày 12/10, thời tiết còn diễn biến xấu, mưa nhiều.
“Tình hình ngập này kết hợp với mưa sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế - xã hội của Thành phố, đặc biệt là vườn cây ăn trái, cũng như diện tích lúa” - ông Ninh cho biết.
Tại An Giang, theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, trên sông Hậu tại Khánh An, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động 1 đến dưới báo động 2 từ 0,2 - 0,25 m; trên sông Hậu tại Long Xuyên, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động 2 đến trên báo động 3 từ 0,05 - 0,15 m; trên rạch Ông Chưởng tại huyện Chợ Mới, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động 2 đến dưới báo động 3 từ 0,1 - 0,25 m.
Nước dâng cao khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn |
Trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao, mực nước cao nhất ngày có khả năng ở báo động 1 đến trên báo động 2 từ 0,05 - 0,1 m; trên kênh Vĩnh Tế tại Xuân Tô, trên kênh Tri Tôn tại Tri Tôn, trên kênh Ba Thê tại Vọng Thê, trên kênh Rạch Giá Long Xuyên tại Núi Sập mực nước cao nhất ngày có khả năng ở mức báo động 1 đến trên báo động 2 từ 0,05 - 0,1 m.
Hiện nước lũ dâng cao làm ngập hết các cánh đồng của huyện đầu nguồn An Phú. Nước tràn vào ngập nhiều sàn của các ngôi nhà khiến nhiều hộ dân tại đây phải kê cao đồ đạc.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang dự báo mực nước tại các trạm khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên. Còn vùng hạ lưu sông, mực nước lên nhanh theo triều và có khả năng đạt đỉnh triều từ ngày 11/10 đến 13/10. Mực nước cao nhất trong đợt này tại Long Xuyên có khả năng ở mức trên báo động 3 từ 0,1 - 0,2 m; tại Chợ Mới dưới báo động 3 từ 0,05 - 0,15 m; tại Vàm Nao trên báo động 2 từ 0,05 - 0,1 m.
Còn tại Trà Vinh, trên sông Cổ Chiên, mực nước có khả năng đạt 2,2m, cao hơn mức báo động III 0,3m; trên sông Hậu, mực nước có thể đạt 2,2m, cao hơn báo động III 0,2m. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang - Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, bên cạnh triều cường lên nhanh và cao, còn có khả năng xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới.
Các địa phương dễ bị ảnh hưởng cao bởi triều cường, bão, áp thấp nhiệt đới, như các xã ven biển, cửa sông thuộc các huyện Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Ngoài ra, các xã nằm dọc các sông Cổ Chiên và sông Hậu cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Sạt lở bờ sông tại tiền giang |
Các địa phương tích cực tăng cường công tác phòng chống ảnh hưởng của triều cường…
Để chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường và sạt lở, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, triều cường, mực nước trên các khu vực cửa sông, kênh rạch; rà soát, xác định các khu vực bị ảnh hưởng ngập úng; kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình lũ, triều cường để các cơ quan, đơn vị, nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, chuẩn bị lực lượng, phương tiện bơm, tát để sẵn sàng triển khai ứng phó tại chỗ đảm bảo an toàn cho lúa, hoa màu, các khu vực trồng cây ăn trái, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Các địa phương cắm biển báo, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị ngập, nhất là đoạn đường, tuyến phố khu dân cư thường xuyên bị ngập sâu và vị trí có nguy cơ sạt lở sau khi nước rút; bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm về ngập úng để kịp thời tiêu thoát nước, sẵn sàng giải tỏa ách tắc giao thông, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.
Nhiều địa phương đang phải căng mình chống trọi với việc triều cường dâng cao |
Trên tinh thần chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, phát biểu tại cuộc họp chỉ đạo ứng phó đợt triều cường cao nhất trong năm vào ngày 9/10, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, đợt triều cường này có thể gây ngập lụt một số khu dân cư ở vùng trũng thấp, ngoài đê bao và các cồn trên sông Hậu; ngập lụt cục bộ một số tuyến đường trong đô thị, nhất là quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy, một số khu vực nuôi trồng thủy sản ven sông và các cồn trên sông Hậu.
Vì vậy, ông Hè yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (Sở GTVT) chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự Thành phố, Đoàn thanh niên, UBND quận Ninh Kiều, UBND quận Bình Thủy chủ động xử lý sự cố ngập lụt các tuyến giao thông, xử lý ùn tắc giao thông, hỗ trợ người dân và phương tiện lưu thông…
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Điện lực Thành phố kiểm tra, xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện, trạm biến áp, nhất là các điểm bị ngập.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động, kiểm tra, theo dõi, quyết định và chỉ đạo các trường học có thể điều chỉnh thời gian học cho phù hợp, có thể học trễ giờ hơn, hoặc có thể nghỉ 2- 3 ngày nếu cần thiết, học bù sau.
Chủ tịch UBND các quận/huyện tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp gia cố đê bao, tôn cao các đoạn đê bao thấp, yếu, có nguy cơ sạt lở, vỡ đê; bảo vệ an toàn các vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, giảm tối đa mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân; huy động lực lượng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi cần thiết…
UBND TP. Cần Thơ họp chỉ đạo ứng phó đợt triều cường |
Bên cạnh đó, các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang… cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống các nguy cơ do lũ kết hợp triều cường gây ra để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho người dân./.
Phạm Sinh - Trường Giang