Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc: Hành trình 25 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp
Chiều 29/9, Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư và gặp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc (29/9/1998-29/9/2023).
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc cho biết: 25 năm qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu quy hoạch, xây dựng, phát triển các khu công nghiệp, góp phần quan trọng hình thành nên hệ thống đồng bộ các khu công nghiệp.
Ông Hà Đình Nhã, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc phát biểu tại sự kiện. |
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển 19 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 5.487,31ha. Trong đó có 16 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất theo quy hoạch được duyệt là 3.168,02ha và có 3 khu công nghiệp đang triển khai thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư.
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Vĩnh Phúc có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động gồm: Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện, Bình Xuyên II (giai đoạn 1), Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A, Thăng Long Vĩnh Phúc. Cơ bản các khu công nghiệp được lấp đầy bởi các dự án đầu tư thứ cấp.
Ban Quản lý các khu công nghiệp cũng tập trung đề xuất, tham mưu cho tỉnh từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp nhằm tạo ra tính đồng bộ về hạ tầng; hỗ trợ diện mạo và tăng sức hấp dẫn của các khu công nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư.
Cùng với đó, Ban luôn quan tâm giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư thứ cấp, tạo ra tính lan tỏa trong thu hút đầu tư tại chỗ. Đối với các khu công nghiệp đang giải phóng mặt bằng hoặc chưa có chủ đầu tư hạ tầng, Ban chủ động đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành hỗ trợ doanh nghiệp hạ tầng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý các khu công nghiệp chủ động thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; khuyến khích, hỗ trợ và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh hiệu quả trong các khu công nghiệp.
Ban quản lý các khu công nghiệp luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, quan tâm, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển; từng bước thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước sau đầu tư.
Quang cảnh Hội thảo thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư và gặp mặt kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc (29/9/1998-29/9/2023. |
Đến nay, các khu công nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản đều đã được lấp đầy. Ban cũng tập trung đề xuất tham mưu cho tỉnh từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu công nghiệp nhằm tạo ra tính đồng bộ về hạ tầng; hỗ trợ diện mạo và sự thuận lợi, tăng sức hấp dẫn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư.
Trong số đó, việc chủ động được quỹ đất sạch với mức giá cho thuê hạ tầng khu công nghiệp hợp lý đã và đang tạo được lợi thế cạnh tranh với các khu công nghiệp ở các tỉnh thành lân cận, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư nước ngoài; từng bước tạo ra môi trường đầu tư có tính riêng biệt, cạnh tranh cao.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến năm 2050, Vĩnh Phúc sẽ bổ sung thêm 8 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 27 với tổng quy mô sử dụng đất là 10.000 ha.
Để có kết quả như hiện nay, Ban đã luôn chủ động, tìm kiếm và trực tiếp tham gia nhiều cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài với một số sở, ngành của tỉnh nhằm giới thiệu môi trường đầu tư của tỉnh nói chung với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài; trực tiếp làm việc với nhiều đối tác, các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc (Đài Loan), Hoa kỳ, Ấn Độ và Singapore... Từ đó, nắm bắt thông tin về nhu cầu, đề xuất với tỉnh các lĩnh vực khuyến khích để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Trong 25 năm qua, Vĩnh Phúc đã có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư; trong đó có các đối tác là các Tập đoàn lớn như Sumitomo, Honda, Toyota, Piaggio, Foxconn, Compal… Các dự án, các doanh nghiệp đầu tư đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng hoa chúc mừng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc. |
Hàng năm, đóng góp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm khoảng 65% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 60-65% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách của các các doanh nghiệp là 75-80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 120.000 lao động.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý các Khu công nghiệp thường xuyên chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ tạo thuận lợi cho lao động vào làm việc trong các doanh nghiệp; phối hợp với Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh phát triển các tổ chức Công đoàn cơ sở của các doanh nghiệp, giám sát việc thực hiện Thoả ước lao động giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; phối hợp với Công an tỉnh thực hiện hàng nghìn thủ tục liên quan đến xuất nhập cảnh cho người lao động nước ngoài...
Tại buổi lễ kỷ niệm, đại diện một số doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc và đề xuất tỉnh tiếp tục có những cơ chế, chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển, có nhiều nguồn lực đóng góp ngân sách cho tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho đông đảo người lao động…
Ban quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc được thành lập trên cơ sở Quyết định số 190/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/9/1998 nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 36/1997/NĐ-CP ngày 24/4/1997 của Chính phủ về Quy chế Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Ban quản lý các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ bản hoàn thiện với tổng số 50 công chức, viên chức và người lao động, bố trí tại 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ và 1 Trung tâm Dịch vụ và Hỗ trợ đầu tư.
Tính đến hết tháng 9/2023, các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 468 dự án đầu tư, gồm 107 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 32 nghìn tỷ đồng và 361 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 6,2 tỷ USD. Giai đoạn 2018-2023, bình quân mỗi năm có từ 25-30 dự án tăng vốn với số vốn từ 180-300 triệu USD. Hằng năm, đóng góp của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm khoảng 60%-65% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 60-65% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh, nộp ngân sách chiếm 75-80% tổng thu ngân sách toàn tỉnh (chưa kể Công ty Honda trong khu công nghiệp Kim Hoa); tạo việc làm cho hơn 120.000 lao động. |