Đà Nẵng mở rộng các khu công nghiệp, đón đầu làn sóng đầu tư mới

13/01/2025 07:56 Kinh tế, xã hội
Thành phố Đà Nẵng đang triển khai chiến lược bài bản, mở rộng và điều chỉnh các khu công nghiệp (KCN) nhằm tối ưu hóa sử dụng đất công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Mở rộng và điều chỉnh các khu công nghiệp

Không chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, thành phố còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hàng đầu khu vực miền Trung.

Đà Nẵng hiện có 6 KCN với tổng diện tích khoảng 1.100 ha, 1 khu công nghệ cao 1.128 ha và 1 khu công nghệ thông tin tập trung 130 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp của thành phố đạt hơn 2.300 ha, với tỷ lệ lấp đầy khoảng 88%.

Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng.
Khu công nghiệp Hòa Cầm, Đà Nẵng

Sự phát triển mạnh mẽ của các KCN đã đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, quỹ đất công nghiệp đang ngày càng khan hiếm, đặt ra thách thức lớn cho việc thu hút đầu tư và mở rộng sản xuất.

Do đó, để giải quyết bài toán quỹ đất, Đà Nẵng đã chủ động triển khai kế hoạch xây dựng và mở rộng 3 KCN mới với tổng diện tích gần 700 ha, bao gồm KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 và KCN Hòa Nhơn.

Trong đó, dự án KCN Hòa Ninh có diện tích khoảng 400 ha, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2024, được kỳ vọng sẽ thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao và sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng lớn.

Bên cạnh đó, dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn 2 có diện tích 120 ha, đã hoàn thành đấu thầu và dự kiến sẽ hoàn tất các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trong quý I/2025.

Ngoài ra, KCN Hòa Nhơn hiện đang trong quá trình quy hoạch, KCN này được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những khu công nghiệp trọng điểm của thành phố trong tương lai.

Song song với việc mở rộng các KCN, Đà Nẵng cũng chú trọng điều chỉnh và tối ưu hóa các KCN hiện hữu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Các KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm, KCN Đà Nẵng và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng đều đạt tỷ lệ lấp đầy cao, trong đó, khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng và KCN Đà Nẵng đã lấp đầy hoàn toàn. Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, mặc dù tỷ lệ lấp đầy mới đạt khoảng 50%, nhưng các khu vực sản xuất, hậu cần và dịch vụ công nghệ cao đã đạt trên 60%, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ cao tại thành phố.

Theo Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, trong năm 2024, Ban Quản lý đã cấp mới 13 dự án, bao gồm 10 dự án trong nước và 3 dự án nước ngoài. Bên cạnh đó, 64 lượt dự án đã được điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư và 8 dự án đã bị chấm dứt hoặc thu hồi.

Ban Quản lý đang tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy hoạch KCN Hòa Khánh và Khu Công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời rà soát hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Định hướng phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao và bền vững

Với vị thế là một trong những thành phố năng động và phát triển hàng đầu miền Trung, Đà Nẵng đang triển khai chiến lược nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công nghệ thông tin, tự động hóa và công nghiệp xanh, hướng tới phát triển bền vững.

Theo đó, thành phố khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng giải pháp sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Đồng thời, tập trung vào cải thiện hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, triển khai nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, bao gồm miễn giảm thuế và xây dựng các cụm liên kết công nghiệp để tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Đà Nẵng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao
Đà Nẵng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao

Việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng giao thông, cảng biển và logistics là một trong những yếu tố then chốt giúp Đà Nẵng thu hút đầu tư. Trong đó, Cảng Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics. Hệ thống giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp với các tỉnh thành trong khu vực cũng đang được đầu tư nâng cấp, góp phần giảm thiểu ùn tắc và thúc đẩy vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang thúc đẩy hình thành các cụm liên kết giữa các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp vệ tinh. Mô hình này sẽ tạo ra các chuỗi giá trị sản xuất, giúp các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững.

Với chiến lược phát triển bài bản và tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế là một điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, năng động và bền vững của khu vực miền Trung.

Nguyễn Nhàn
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động