Bình Thuận: Hướng đễn hoàn thành mục tiêu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn năm 2025

23/04/2024 07:35 Quản lý nguồn thải
Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, hướng đến tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng nguồn nguyên liệu từ chất thải rắn sinh hoạt, Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 890/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2024 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã đạt tỷ lệ 30%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%…
Phân loại rác tại nguồn giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, tiết kiệm thời gian xử lý rác thải, tận dụng nguồn chất thải vào công cuộc tái chế
Phân loại rác tại nguồn giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên, tiết kiệm thời gian xử lý rác thải, tận dụng nguồn chất thải để phát triển ngành công nghiệp tái chế

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn. Các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cơ bản đã được kiểm soát. Đặc biệt, đến nay, các “điểm nóng” về môi trường đã được giám sát chặt chẽ và tiến tới xử lý triệt để.

Để góp phần tạo diện mạo mới, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, các cơ quan chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, các Sở ngành và các địa phương còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân những kiến thức, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; triển khai các phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường. Điển hình như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và các mô hình: “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Tổ thuyền nghề không xả rác thải nhựa trên sông, trên biển”... Qua đó, phát huy trách nhiệm trong phối hợp và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân, hướng đến một môi trường sạch, đẹp, an toàn.

Mặc dù đã có nhiều biện pháp cấp thiết, tuy nhiên trong thời gian qua việc tổ chức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn chưa đạt được nhiều hiệu quả như kỳ vọng. Để thực hiện tốt các nội dung tại Điều 79 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, trong đó bắt buộc việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn phải được hoàn thành chậm nhất là vào ngày 31/12/2024, Bình Thuận đã chủ động xây dựng và ban hành Kế hoạch số 890/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2024 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025

Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng sẽ đẩy nhanh hiệu quả công tác bảo vệ môi trường và tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiện toàn hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn theo quy định. Triển khai việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo thời gian quy định.

Kế hoạc với các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: 100% các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã đạt tỷ lệ 30%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo quy định đạt 90%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt 80%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định đạt 98%/

Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu, trong năm 2024 UBND cấp huyện và UBND cấp xã phải ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đưa vào hoạt động các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới và đội ngũ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ cấp huyện đến cấp xã; đồng thời, phối hợp với các cơ sở thu gom, vận chuyển cải tạo nâng cấp phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo thu gom, vận chuyển các loại chất thải sau khi được phân loại. Ban hành lộ trình, tần suất, thời gian và tuyến thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực trên địa bàn. Ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh để áp dụng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao các Sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tập trung tuyên truyền cho người dân biết các văn bản pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt; nguyên tắc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; hướng dẫn việc lưu giữ, chuyển giao, tập kết chất thải rắn sinh hoạt của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; các quy định liên quan đến việc chế tài, xử lý vi phạm trong công tác phân loại, chuyển giao, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Quá trình thực hiện phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đảm bảo phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải hiện có; điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; nguồn lực tài chính của địa phương.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động