Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam

30/07/2021 10:27 Chính sách - Pháp luật
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số Quyết định 1316/QĐ-TTg ban hành ngày 22/7/2021; Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại.
chinh phu phe duyet de an tang cuong cong tac quan ly chat thai nhua o viet nam

Nhằm tăng cường quản lý chất thải nhựa từ trung ương đến địa phương, góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa…, Đề án hướng tới 3 mục tiêu cụ thể:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về: Quản lý chất thải nhựa; sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy sử dụng trong sinh hoạt; sản phẩm nhựa dùng một lần sử dụng trong sinh hoạt (bao gồm cốc, chén, bát, đĩa, thìa, dĩa, ống hút, bao gói nhựa/hộp đựng thực phẩm sử dụng một lần, màng bọc thực phẩm, bộ đồ ăn nhựa dùng một lần...).

Hai là, phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân huỷ; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Ba là, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp chính được đưa ra thực hiện Đề án, gồm: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cụ thể, đối với nhiệm vụ “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường”, có nhiều cách thức triển khai như:

- Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy; thành lập và mở rộng các mô hình tổ chức tái chế chất thải, các phong trào chống rác thải nhựa.

- Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ trên địa bàn cả nước, đặc biệt là vùng ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

- Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, các khu du lịch, các âu thuyền, chợ cá ven biển).

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch biển, vận tải biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản; giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động thu thuế bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông khó phân hủy trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương; đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế bảo vệ môi trường.

- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác.

- Tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm.

- Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch, vùng biển.

- Nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa và sản phẩm túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường đáp ứng quy định của Việt Nam.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, quản lý hoạt động sản xuất, thu gom, vận chuyển, tái chế và xử lý chất thải nhựa; thúc đẩy phát triển thị trường tái chế, xử lý chất thải; xây dựng, cập nhật và tích hợp cơ sở dữ liệu về quản lý chất nhựa vào hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

- Tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trong đó có chất thải nhựa.

Theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg, kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động từ các nguồn khác (vốn tự có của doanh nghiệp, vốn vay của các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế).

Về vấn đề tổ chức thực hiện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi trách nhiệm quản lý chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao; định kỳ hàng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu thực hiện 4 nhiệm vụ sau:

a) Hướng dẫn các cơ sở sản xuất thay đổi thiết kế bao bì nhựa, sản phẩm nhựa theo hướng giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa, sản phẩm nhựa; hỗ trợ, thúc đẩy các cơ sở sản xuất tăng dần tỷ lệ nguyên liệu nhựa tái chế trong các sản phẩm hàng hóa.

b) Chỉ đạo tổ chức, thực hiện vận động các doanh nghiệp sản xuất, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đăng ký tham gia phong trào chống rác thải nhựa; chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình trung tâm thương mại, chợ, siêu thị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.

c) Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa có sử dụng phế liệu nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá nhu cầu sử dụng phế liệu nhựa làm nguyên liệu sản xuất trong nước và nhu cầu nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài làm cơ sở để điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo từng thời kỳ phát triển của đất nước.

Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động