Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng, với chủ đề "Công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024)".
Tại tọa đàm, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, mà còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững.
"Với mục tiêu kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận công tác chuyển đổi số gắn với phát triển bền vững, thực hiện chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức Tọa đàm chuyên đề: Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội", Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao; đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi thực hiện chuyển đổi số…
Bà Nguyễn Việt Huệ, Phó Trưởng phòng hỗ trợ thông tin và Chuyển đổi số, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018, tuy nhiên việc phân bổ ngân sách đến năm 2023 mới triển khai và năm 2024 là năm thứ hai.
Qua 2 năm triển khai Luật có một số điều bất cập cần phải chỉnh sửa, hiện tại Bộ Khoa học và Công nghệ đang nghiên cứu để chỉnh sửa Thông tư. Mặt khác, Bộ cũng đánh giá tỉnh hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để có những định hướng trong trường hợp những chính sách không còn phù hợp nữa sẽ đề xuất Chính phủ trình ra Quốc hội để chỉnh sủa Luật sao cho hợp lý.
Nêu rõ về định hướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bà Nguyễn Việt Huệ nhận định, trong quá trình triển khai và tiếp cận các gói hỗ trợ từ phía quốc tế cho thấy, các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là chuyển đổi số hiện nay Việt Nam đang đi rất đúng hướng, vừa là hỗ trợ nâng cao nhận thức, vừa là phát triển các mạng lưới trung gian để quay lại hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có một số chính sách liên quan đến đào tạo và tư vấn chuyên sâu như quản lý kho, quản lý dây chuyền sản xuất, quản lý nhân sự.
Trong thời gian tới, kỳ vọng có thể triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp sử dụng các giải pháp công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh và thay đổi quy trình sản xuất của doanh nghiệp…
Một khảo sát vào tháng 9 năm 2021 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, 87% trong gần 10.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải giảm đến 90% doanh thu, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Điều này càng thúc đẩy sự cần thiết của chuyển đổi số như một phương thức vượt khó và phát triển bền vững.
Hà Nội đã xác định mục tiêu trở thành một trong năm địa phương đi đầu về chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử vào năm 2025. Thành phố cũng đặt mục tiêu giúp 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số vào thời điểm đó.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp thông qua cung cấp tài liệu hướng dẫn, đào tạo kiến thức, và tài trợ cho các nền tảng số hóa. Đồng thời, Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử để phát triển bền vững và tăng hiệu suất kinh doanh.
Đối tượng mà Thành phố ưu tiên hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ đăng ký trụ sở chính trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ chuyển đổi số. Qua đó làm rõ những cơ hội và thách thức chuyển đổi số tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, từ đó khuyến nghị và giải pháp để tăng cường hiệu quả của quá trình chuyển đổi số.
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.