Công ty Nhiệt điện Duyên hải: Sản xuất điện gắn với bảo vệ môi trường

29/10/2018 22:21 Tác động môi trường
Từ khi thành lập (tháng 1/2015) đến nay, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường. Công nghệ và thiết bị của các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, 3 có nhiều ưu thế vượt trội, giúp hạn chế tác hại đến môi trường.

Công ty Nhiệt điện Duyên hải: Sản xuất điện gắn với bảo vệ môi trường

Công ty nhiệt điện Duyên Hải

Công nghệ lò hơi cận tới hạn
Lò hơi chính sử dụng cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 là lò hơi thông số cận tới hạn, đốt than phun, tuần hoàn tự nhiên, ngọn lửa cháy hình W, tái nhiệt một cấp, và vận hành khói gió cân bằng. Lò hơi có cấu trúc hoàn toàn từ thép được bố trí ngoài trời có mái che, và được treo trên kết cấu khung thép, lò có hình dạng chữ p. Nhiên liệu sử dụng cho lò hơi là than Antraxit cám 6a.1 được lấy từ khu vực Hòn Gai, Cẩm phả - Quảng Ninh.
Lò được bố trí 36 vòi đốt than bột dạng cyclone kép, vòi đốt được sắp theo dãy ở phần vai lò của phía tường trước và tường sau của buồng lửa (18 vòi phía tường trước và 18 vòi phía tường sau). Vòi đốt than bột dạng cyclone kép là kiểu vòi đốt than Antraxit, được sử dụng để đốt cháy những loại than có chất bốc thấp. Đặc biệt công nghệ vòi đốt này sử dụng phần xoáy cyclone để tập trung gió cấp 1, sau đó dựa vào sự điều chỉnh để tạo khả năng bắt cháy nhanh và ổn định cho buồng đốt. Vòi đốt than dạng cyclone kép bao gồm ống đầu vào gió cấp 1, thiết bị phân phối, cyclone kép dạng ống, các “damper” điều chỉnh…
Lò hơi Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 được thiết kế là kiểu lò hơi cận tới hạn, đốt than phun, tuần hoàn tự nhiên, tái nhiệt một cấp, các vòi đốt được đặt ở vách trước và vách sau của buồng đốt, kết cấu bằng thép, có dạng hình chữ p. Theo thiết kế, than được dùng bao gồm than bittum và á bittum. Hiện đang dùng toàn bộ than á bitum của Indonesia. Các vòi đốt được đặt đối diện ở vách trước và vách sau buồng đốt thông qua áp suất dương. Lò hơi được cung cấp bao gồm tổng cộng 30 vòi đốt, cung cấp than bột theo dòng chảy xoáy cho vòi đốt. Tại mỗi vách trước và vách sau có 3 tầng vòi đốt, mỗi tầng có 5 vòi, các vòi đốt tương ứng ở vách trước và vách sau được đặt đối xứng qua mặt phẳng song song đi qua tâm lò. Phần phía trên của vòi đốt được bố trí các bộ điều chỉnh gió Overfire (OFA). Có tổng cộng 10 bộ điều chỉnh gió Overfire được đặt ở vách trước và vách sau, mỗi vách tường có 5 bộ điều chỉnh, do đó hạn chế được sự hình thành NOx.
Hệ thống xử lý khói thải hiệu suất cao
Khí thải của nhà máy chủ yếu phát sinh từ buồng đốt lò hơi và thành phần ô nhiễm chủ yếu là bụi, NOx, SOx. Khí thải sẽ đi qua hệ thống xử lý khí thải như sau: Trước tiên, khí thải được dẫn qua hệ thống khử NOx bằng SCR (Selective Catalytic Reduction) để khử NOx có trong khói thải gsau khi khói thải loại bỏ NOx có trong khói thải sẽ được dẫn qua bộ lọc bụi tĩnh điện (ESP) để tách và thu hồi tro bay có trong khói thải gsau khi khói thải được loại bỏ tro bay sẽ được dẫn qua bộ xử lý khử SOx sau khi loại bỏ SOx khí thải được thải ra môi trường thông qua ống khói.
NOx (gọi chung cho nhóm NO và NO2) được giảm thiểu bằng phương pháp chọn lọc xúc tác SCR. NOx phát sinh trong quá trình đốt lò, trong đó chủ yếu là NO chiếm khoảng 90%; Khi NOx này ảnh hưởng đến thành phần không khí dùng Hệ thống SCR đặt tại khu vực cuối của lò giảm thiểu NOx đạt tiêu chuẩn thải cho phép;
Hệ thống ammoniac NH3 (thể khí) sẽ được cung cấp đến khu vực khoang phản ứng SCR, sau khi hòa trộn với không khí, NH3 sẽ được phun vào trong đường ống vào SCR; sau khi hỗn hợp NH3, không khí sẽ trộn với khói thải và cấp đến khoang phản ứng; Sự khử NOx sẽ xảy ra bởi sự xúc tác của tấm xúc tác trong khoang phản ứng.Tại đây khí NOx sẽ được chuyển hóa thành các khí vô hại là N2 và H2O nhờ phản ứng xúc tác với NH3.
Hệ thống lọc bụi tĩnh điện ESP
Có nhiệm vụ tách và thu hồi tro bay trong sản phẩm cháy (khói) để bảo vệ môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn nồng độ bụi tổng tối đa cho phép trong khí thải công nghiệp nhiệt điện đốt than là 140 mg/m3. Ngoài ra, nó cũng giúp chống mài mòn cánh của các quạt khói và hạn chế tro bụi ảnh hưởng đến sự vận hành của hệ thống khử lưu huỳnh của tổ máy.
Mỗi lò hơi được trang bị 1 hệ thống lọc bụi tĩnh điện gồm 5 trường với 40 phễu thu tro gồm 2 bộ lọc bụi tĩnh điện đặt cạnh nhau, mỗi bộ có 2 khoang không có vách ngăn dọc theo các trường, mỗi khoang có 4 dãy. Mỗi bộ được lắp sau bộ sấy không khí kiểu quay, trên một nhánh của hệ thống đường khói của lò hơi;
Ưu điểm của hệ thống lọc bụi tĩnh điện này là hiệu suất khử bụi cao (nồng độ tro bụi trong khói giảm >99%); thu hồi được các hạt bụi có kích thước rất nhỏ (0.1mm); Tổn thất áp suất trên đường khói nhỏ, không ảnh hưởng nhiều đến công suất của quạt khói; chịu được nhiệt độ cao (lên đến 400oC). Nhược điểm của hệ thống này là chi phí vận hành và bảo dưỡng cao.
Hệ thống ESP của mỗi tổ máy bao gồm 20 máy biến áp trường tương ứng 1 máy biến áp sử dụng cho khu vực 2 phễu thu tro. Trong đó, 4 máy biến áp trường cao áp sử dụng cho trường đầu tiên và 16 máy biến áp hạ áp dùng cho 4 trường còn lại. Việc cải tiến đưa hệ thống ESP vào vận hành ngay từ đầu là rất cần thiết để khắc phục khói đen thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường trong quá trình khởi động tổ máy. Tổ máy S1 thử nghiệm vận hành đưa ESP từ đầu trong lần khởi động ngày 4/9/2016, tổ máy S2 thử nghiệm lần đầu ngày 25/6/2016.
Công nghệ khử lưu huỳnh bằng nước biển
Hệ thống khử lưu huỳnh bằng nước biển gồm các hệ thống chính: hệ thống đường khói, hệ thống hấp thụ SO2, hệ thống cung cấp nước biển, hệ thống xử lý nước biển (hệ thống sục khí) và hệ thống điện, đo lường, điều khiển…. Trong đó, thiết kế tháp hấp thụ của hệ thống có kích thước 18.350x16.550x18.550m, thiết kế với lưu lượng nước biển đầu vào và đầu ra là 18.200m3/h, vận tốc khói thải trong tháp là khoảng 2,5 - 5m/s, thời gian khói lưu lại trong tháp khoảng 2 - 4s, đảm bảo hiệu suất xử lý của hệ thống đạt 90%.
Khói thải lò hơi đi qua quạt tăng áp và vào tháp FGD theo hướng từ dưới lên. Tại đây khói thải sẽ tiếp xúc với nước biển được phun từ trên xuống, SOX được hấp thụ trong nước biển và bị oxy hóa thành dạng sulfat vô hại trong hệ thống xử lý nước biển SOX sẽ được hấp thu trong nước biển để chuyển thành HSO3- và H+ tại tháp hấp thụ. HSO3- và H+ là 2 ion tăng COD và giảm pH, có khả năng gây ô nhiễm khi thải trực tiếp ra biển.
Thành phần HSO3- sẽ được tiếp tục xử lý tại hệ thống sục khí để oxi hóa HSO3- thành SO42- (phương trình 2). SO42- là 1 trong những thành phần muối tự nhiên, chứa rất nhiều trong nước biển (khoảng 8%). Do đó, nồng độ SO42- tăng thêm do hấp thu SOx từ khói thải không đáng kể so với nồng độ SO42- trong nước biển tự nhiên đầu vào, không gây ô nhiễm nước biển.
Đồng thời, lượng H+ sẽ được trung hòa bằng 2 ion mang tính kềm CO32- và HCO3- có sẵn trong nước biển tự nhiên sẽ đưa giá trị pH về giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn môi trường.
Để đảm bảo toàn bộ ion HSO3- (thành phần gây ô nhiễm) đều được chuyển hóa thành SO42- (thành phần vô hại trong nước biển), nhà máy sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục các thông số DO và COD. Và đã xây dựng quy trình vận hành kiểm soát DO trong nước biển hệ thống FGD đảm bảo đủ oxy thực hiện phản ứng chuyển hóa.

 Quốc Trung tổng hợp
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động