Đà Nẵng trong nỗ lực xây dựng “Thành phố môi trường”

28/07/2023 08:35 Địa phương
Sớm đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường” trong lòng cả nước và bạn bè quốc tế, là điểm đến thu hút, đáng mong đợi của du khách trên toàn thế giới là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2030 của thành phố. Rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý môi trường cũng như tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết để sớm đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”.
Đà Nẵng trong nỗ lực xây dựng “Thành phố Môi trường”
Đà Nẵng trong nỗ lực xây dựng “Thành phố Môi trường”

Là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây nguyên và cả nước, hoạt động kinh tế - xã hội của Đà Nẵng những năm qua phát triển mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Diện mạo đô thị thay đổi nhanh chóng, luôn duy trì các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin ở mức tốt. Trong phát triển đô thị nói chung, công tác bảo vệ môi trường và xây dựng mục tiêu “Thành phố Môi trường” nói riêng, thành phố Đà Nẵng đạt được những danh hiệu nổi bật, là một trong 5 thành phố đạt mức Tốt 2020, và là địa phương dẫn đầu về công tác bảo vệ môi trường năm 2021 do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì đánh giá và công nhận. Để đạt được những danh hiệu này ngoài sự nỗ lực, đồng lòng, chung tay của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp việc rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý, thực hiện cũng như tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn tại là hết sức cần thiết.

Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong quản lý môi trường

Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường đã trở thành nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm.

Tháng 4 năm 2021, thành phố tiếp tục đặt mục tiêu “Xây dưng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030” nhằm đáp ứng với định hướng đô thị sinh thái theo Nghị quyết 43-NQ/BCT ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị.

Đến nay, công tác quản lý môi trường, triển khai xây dựng thành phố môi trường đã đi vào nề nếp. Văn bản, chính sách về quản lý và bảo vệ môi trường của thành phố đã được ban hành, cập nhật cơ bản đầy đủ trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy hoạch về quản lý chất thải rắn, quản lý thoát nước và xử lý nước thải (Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND, Quyết định số 39/2014/QĐ-UBND và Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND về bảo vệ môi trường; Quyết định số 7702/QĐ-UBND về thực hiện chuyên đề xử lý điểm nóng môi trường; Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 07/5/2018 về quy định quản lý dịch vụ công ích vệ sinh môi trường). Đồng thời, thành phố đã ban hành các kế hoạch xử lý môi trường, cải thiện hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải, phân cấp quản lý môi trường.

Thành phố cũng rút ra kinh nghiệm trong công tác tổ chức xây dựng chính sách thực thi, tổ chức phân công, phân nhiệm nhằm triển khai thành công mục tiêu về môi trường theo từng năm, giai đoạn. Với Đề án xây dựng Thành phố Môi trường giai đoạn 2021-2030, UBND thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, đầu mối tổng hợp kế hoạch hằng năm của hơn 30 đơn vị, 90 nhiệm vụ và các đơn vị được bố trí kinh phí để triển khai.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường được triển khai bằng nhiều nguồn lực, hình thức phong phú. Xuyên suốt hơn 15 năm qua, những thông tin về bảo vệ môi trường, chủ trương xây dựng thành phố môi trường, tình hình giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố được triển khai dưới nhiều hình thức, giúp người dân tiếp cận qua nhiều kênh (tập huấn, nói chuyện, họp tổ dân phố, các phương tiện thông tin đại chúng, phong trào, sự kiện, chiến dịch…), qua đó có sự tham gia tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh và đạt hiệu quả nhất định.

Thành phố cũng đã chủ động bố trí tương ứng từ ngân sách thành phố, nghiên cứu khoa học; chủ động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu Tỷ lệ chi ngân sách về môi trường đạt trên 2% trong tổng chi ngân sách thành phố hàng năm.

Các hoạt động hợp tác quốc tế luôn được lãnh đạo thành phố và các cấp, các ngành đẩy mạnh. Thành phố đã tham gia, tiếp nhận các dự án quốc tế hỗ trợ về công tác quản lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các bon thấp. Thành phố đã cử nhiều lượt cán bộ tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế để giới thiệu về “thành phố môi trường”, các vấn đề thách thức về phát triển đô thị nói chung và xử lý môi trường nói riêng. Hiện nay, Đà Nẵng là thành viên tích cực trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế; đồng thời thiết lập quan hệ hợp tác, hỗ trợ về lĩnh vực môi trường với nhiều tỉnh, thành phố tiêu biểu tại Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Qua các hoạt động này, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó Biến đổi khí hậu đã được nâng lên, cộng đồng quốc tế và trong nước ghi nhận và tiếp tục chủ động đề xuất hỗ trợ.

Tiếp tục hướng đến tháo gỡ khó khăn còn tồn tại

Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị còn bất cập, nhất là quy định về khoảng cách cách ly các hạng mục, công trình (chưa gắn với các tiếp cận về cải tiến công nghệ, kỹ thuật sản xuất, xử lý chất thải…), dẫn đến các vướng mắc quy hoạch, bố trí các hạng mục mới hay khắc phục các dự án, hạng mục đã hoạt động ổn định (KCN, CCN, trạm trung chuyển, khu liên hợp xử lý chất thải rắn…). Đối với nội dung này, thành phố sẽ đề xuất các chủ trương, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp trong quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trạm trung chuyển và khu liên hợp xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

Thành phố cũng sẽ đề xuất tiếp tục chủ trì, tổ chức các hội nghị tập huấn, trao đổi chuyên sâu theo các chuyên đề, đặc biệt trong các lĩnh vực mới về cấp phép môi trường (còn vướng khá nhiều trường hợp cụ thể), các quy định kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch quản lý môi trường nhằm giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn thành phố.

Năm 2021, hàng loạt các quy định về đầu tư, xây dựng mới ban hành, hiện nay vẫn còn thiếu các hướng dẫn chi tiết, trong khi đó chuyên môn về đầu tư, xây dựng của các sở chuyên ngành chưa đáp ứng (cụ thể như xã hội hoá, đối tác công tư - PPP…). Các thủ tục đầu tư các dự án liên quan, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn kéo dài. Do đó, thành phố vẫn tiếp tục giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh trong giai đoạn này, khó có thể đáp ứng yêu cầu của Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đối với các đô thị. Thành phố cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đến các Bộ, ngành các giải pháp cụ thể để giải quyết các thủ tục đầu tư sao cho thuận lợi, giảm gánh nặng hành chính, giảm thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp thự hiện các dự án liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

Hiện nay, nguồn lực quản lý môi trường ngày càng giảm đi trong khi nhu cầu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường theo luật định ngày càng gia tăng cũng là khó khăn không chỉ với công tác quản lý môi trường mà còn đối với các ngành khác. Công tác quản lý chuyên ngành theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, nhân lực quản lý môi trường các cấp, ngành đã mỏng thì ngày càng phải tinh giản, chưa tương ứng với các chuyên ngành tổng hợp và mới được giao như: Quản lý chất thải rắn, quản lý xử lý nước thải, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, đa dạng sinh học, quản lý lưu vực sông liên tỉnh, quản lý môi trường đối với các di sản thiên nhiên…). Do khó có thể tăng cường số lượng nhân lực theo đề án vị trí việc làm nên chủ trương chung của thành phố trong thời gian tới sẽ tập trung cho đào tạo nhân lực chuyên môn sâu, tăng cường bổ trợ kiến thức về lãnh đạo, quản lý cũng như tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động tập huấn, truyền thông cho các tổ chức xã hội, nhân dân trên địa bàn để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường từ cấp cơ sở, giảm sức ép lên công tác bảo vệ môi trường chung của thành phố.

Thành phố sẽ nghiên cứu xây dựng, đề xuất bổ sung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tái chế, tuần hoàn; tăng cường truyền thông tạo ra sức hút mạnh mẽ để các chính sách này thật sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục cân đối nguồn vốn phục vụ nhu cầu công nghệ, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị liên quan (hệ thống thu gom, xử lý nước thải; thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, hệ thống năng lượng tái tạo, giao thông xanh, toà nhà xanh, công nghiệp sinh thái…). Thành phố cũng sẽ tăng cường ngân sách cho các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường trong thời gian tới cũng như đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, phí và tăng cường hướng dẫn cụ thể đến các Bộ, ngành để có thể thực hiện được trong tình hình thực tế.

Với nhiều nỗ lực và sự chung tay của đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân thành phố, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố với nhiều biện pháp, giải pháp đã thực hiện nhằm phòng ngừa, kiểm soát môi trường đến nay đã có những bước chuyển tích cực. Giữ vững và tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sớm đưa Đà Nẵng trở thành “Thành phố Môi trường” trong lòng cả nước trong lòng bạn bè quốc tế, là điểm đến thu hút, đáng mong đợi của du khách trên toàn thế giới.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động