Đặc trưng của nguồn gây ô nhiễm nước các lưu vực sông theo vùng kinh tế

16/09/2019 16:37 Tác động môi trường
Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng lượng dòng chảy nước mặt hàng năm lên đến 830-840 tỉ m3. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là quốc gia có nguồn tài nguyên nước trung bình trên thế giới, với nhiều yếu tố không bền vững. Tổng lượng nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam chiếm khoảng 63%. Chất lượng nước tại một số lưu vực sông (LVS) của Việt Nam đang bị suy thoái, ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân...
Nguồn gây ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông Sức ép lên môi trường nước tại các lưu vực sông

Đồng bằng sông Hồng

Hiện nay, các LVS vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung đã và đang chịu áp lực mạnh mẽ của quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Các khu đô thị, khu dân cư và khu công nghiệp (KCN) tập trung được hình thành và phát triển mạnh dọc theo các LVS. Trong số các nguồn thải phát sinh thì nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất với tổng lượng các chất ô nhiễm rất cao.

Nước thải sinh hoạt

Vùng ĐBSH là khu vực tập trung dân cư, lượng nước thải sinh hoạt chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng lượng nước thải phát sinh. Điển hình như tại Hà Nội, lượng nước thải sinh hoạt phát sinh chiếm đến 81% tổng lượng nước thải phát sinh của thành phố. Lượng nước thải sinh hoạt đổ vào các sông hàng năm của khu vực này đều tăng do tốc độ đô thị hóa cao. Do đặc điểm điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế xã hội thuận lợi, tổng số dân khu vực ĐBSH lên đến gần 21,34 triệu người (chiếm 22,8% dân số toàn quốc). Trong đó, dân số đô thị lên đến hơn 8,1 triệu người (theo TCTK, 2018). Tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta vào khoảng 1%, tỷ lệ dân số đô thị nước ta tăng hàng năm cũng vào khoảng 1%. Bên cạnh đó, không chỉ ở thành thị, mà ngay cả ở khu vực nông thôn, lượng nước thải sinh hoạt cũng chiếm tỷ lệ rất lớn và tăng nhanh qua các năm..

Phần lớn các đô thị trong khu vực đều chưa có nhà máy xử lý nước thải (XLNT) tập trung, hoặc đã xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động/hoạt động không có hiệu quả. Tại Hà Nội, lượng nước thải phát sinh khoảng 1.200.000 m3/ngày, đêm, tổng công suất thiết kế của các trạm XLNT đã đưa vào vận hành là 509.000 m3/ngày, đêm (khoảng gần 50% khối lước thải cần xử lý), thực tế lượng nước thải được xử lý chỉ khoảng 20% (Sở TN&MT TP Hà Nội, 2018).

Một điển hình khác là Bắc Ninh có 8 đô thị với lượng nước thải ước tính khoảng 200.000 m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, mới chỉ có 02 nhà máy XLNT tập trung là Nhà máy XLNT thành phố Bắc Ninh với công suất xử lý 28.000 m3/ngày, đêm (đã hoạt động từ tháng 7/2013 với công suất hiện tại là 14.000 m3/ngày, đêm) và nhà máy XLNT thị xã Từ Sơn với công suất 33.000 m3/ngày, đêm. Còn 6/8 đô thị tập trung (tại các huyện thị) chưa có hệ thống XLNT sinh hoạt tập trung nên nước thải khu vực này được xả thẳng ra môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước các ao, hồ, kênh, mương và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt (Sở TN&MT Bắc Ninh, 2018).

nguon gay o nhiem nuoc cac luu vuc song theo vung kinh te

Lưu vực sông vùng Đồng bằng sông Hồng đã và đang chịu áp lực mạnh mẽ của quá trình gia tăng dân số, đô thị hóa, công nghiệp hóa.

Nước thải công nghiệp

Phát triển công nghiệp ở ĐBSH đã có quá trình lịch sử lâu dài và hình thành các trung tâm công nghiệp. Đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Tổng cục Môi trường (2018), trên LVS Nhuệ - Đáy (gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình), số lượng cơ sở sản xuất của Hà Nội khoảng 50%, chiếm gần 30% lượng nước thải công nghiệp phát sinh trong LVS. Đến nay vẫn còn tình trạng nhiều KCN, nhiều nhà máy lớn riêng lẻ trong vùng… xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông, hồ xung quanh, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều đoạn sông trong khu vực. Điển hình là các sông thuộc LVS Cầu, LVS Nhuệ - Đáy, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực và cải thiện trong công tác bảo vệ môi trường, nhưng vẫn đang chịu những sức ép lớn từ nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp trong khu vực. Do chi phí xây dựng, vận hành hệ thống XLNT tốn kém nên tỷ lệ xây dựng hệ thống XLNT tập trung ở các KCN, CCN chưa cao, việc vận hành thường xuyên hệ thống XLNT chưa đảm bảo, nước thải khi xả thải ra các nguồn tiếp nhận vẫn thường xuyên có các thông số vượt QCVN.

Nước thải từ các KCN, CNN của một số địa phương trong vùng ĐBSH

Bắc Ninh: Có 10 KCN và 26 CNN đã đi vào hoạt động với tổng lưu lượng nước thải khoảng 50.000 m3/ngày, đêm. Trong đó có 9/10 KCN và 2/26 CCN đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung.

Vĩnh Phúc: 9 KCN và 11 CNN đang hoạt động. Tổng lượng nước thải tại các KCN khoảng 11.550m3/ngày, đêm, có 7/9 KCN và 02/11CCN đã đầu tư hệ thống XLNT tập trung, trong đó CNN Tề Lỗ chưa hoàn thiện hạ tầng đấu nối.

Nam Định: Có 3 KCN và 9 CCN đã đi vào hoạt động. Tổng lưu lượng xả thải 3 KCN là 11.350 m3/ngày, đêm và 2 CCN là 1.400 m3/ngày, đêm. Trong đó, có 2/3 KCN và 1/9 CCN đã có trạm XLNT tập trung.

Hà Nam: Hiện có 6/8 KCN đã hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống XLNT tập trung với tổng công suất 11.400 m3/ngày, đêm; chỉ có 1/17 CCN đang hoạt động có hệ thống XLNT tập trung với công suất 1.200 m3/ngày, đêm.

Ninh Bình: Có 5/7 KCN đã đi vào hoạt động, tổng lượng nước thải khoảng hơn 7.000 m3/ngày, đêm; 13/25 CCN đã đi vào hoạt động tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 5.000 m3/ngày, đêm. Trong đó 2/5 KCN có trạm XLNT tập trung, 3/13 CCN trên địa bàn tỉnh đang xây dựng hệ thống XLNT tập trung

Hải Dương: Có 8 KCN và 33 CCN đã đi vào hoạt động. Do CCN đã đi vào hoạt động nhưng đều chưa có hệ thống XLNT tập trung nên các doanh nghiệp trong CCN đều phải tự xử lý cục bộ tại cơ sở của mình và thải ra nguồn tiếp nhận chung của địa phương.

Nguồn: Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương; Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, 2018

Nước thải y tế

ĐBSH là khu vực phát triển trọng điểm của cả nước, đây là nơi tập trung nhiều bệnh viện tuyến Trung ương và nhiều trung tâm y tế lớn đang hoạt động. Các bệnh viện lớn và bệnh viện tuyến Trung ương đã xây dựng các hệ thống XLNT đặt trong khuôn viên của cơ sở mình. Các cơ sở y tế với quy mô nhỏ (thuộc tuyến địa phương) phần lớn là chưa được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT.

Ví dụ, Hải Phòng mới chỉ có 20/33 bệnh viện có hệ thống XLNT đạt quy chuẩn; Ninh Bình có 11/14 bệnh viện gồm cả tuyến huyện và tỉnh có hệ thống XLNT y tế, còn lại chưa có hệ thống XLNT. Đối với các cơ sở y tế tuyến xã hầu hết đều không có hệ thống XLNT (Sở TN&MT Ninh Bình, 2018).

Xử lý nước thải y tế ở Hải Phòng

Lượng nước thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố trung bình 2.364 m3/ngày. Tuy nhiên vẫn còn 2/8 bệnh viện thuộc Bộ/ngành; 2/9 bệnh viện tuyến thành phố; và 9/16 bệnh viện tuyến huyện chưa xây dựng hệ thống XLNT.

Nguồn: Sở TN&MT TP Hải Phòng, 2018

Nước thải nông nghiệp, làng nghề

Theo tính toán không đầy đủ, nhu cầu và sử dụng phân bón cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp của khu vực phía Bắc chiếm khoảng 30 - 40% tổng nhu cầu toàn quốc. Lượng phân bón và hóa chất nêu trên sẽ là nguồn gây ô nhiễm các con sông đáng kể trong mùa mưa, khi các chất gây ô nhiễm bị rửa trôi sau các cơn mưa, lũ. Khu vực ĐBSH cũng là nơi phát triển các hoạt động chăn nuôi.

Trong những năm gần đây, một số địa phương đã chuyển đổi mô hình chăn nuôi tập trung nhằm hạn chế những tác động của nước thải chăn nuôi đối với các nguồn tiếp nhận. Tuy nhiên, cùng với những mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ không có hệ thống xử lý chất thải, tại một số khu chăn nuôi tập trung, do một số hạn chế, nước thải sau hệ thống xử lý chưa đạt yêu cầu, là nguồn tác động làm suy giảm chất lượng nước mặt trong khu vực.

ĐBSH cũng là khu vực tập trung nhiều làng nghề nhất trong cả nước với gần 900 làng nghề (chiếm đến xấp xỉ 60% tổng số làng nghề trên cả nước). Các làng nghề với quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phần lớn không có các công trình XLNT... đã và đang làm cho chất lượng môi trường nước tại nhiều làng nghề suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng và ngày càng trở nên bức xúc và đã được cộng đồng hết sức quan tâm. Có những địa phương có số lượng làng nghề lớn như Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh, hoặc có số lượng không nhiều, nhưng đều có những làng nghề được coi là điểm nóng về môi trường trong địa bàn tỉnh.

Nước thải từ các làng nghề Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định

Bắc Ninh: Một trong những tỉnh có nhiều CCN và làng nghề trên cả nước: 62 làng nghề và 27 CCN đi vào hoạt động. Theo kết quả điều tra, tổng lưu lượng nước thải từ các làng nghề, CCN trên địa bàn ước tính khoảng 50.000 m3/,. Phần lớn lượng nước thải này không được xử lý mà chảy ra hệ thống kênh mương thủy lợi sau đó chảy ra các LVS. Kết quả thống kê cho thấy có 42/62 làng nghề có xả thải ra LVS và chỉ có 02/62 làng nghề có hệ thống XLNT tập trung.

Hà Nam: Có 156 làng nghề, trong đó chỉ có 01 làng nghề (làng nghề dệt nhuộm Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân; công suất 200 m3/ngày, đêm, XLNT đạt cột A - QCVN 40/2011/BTNMT).

Nam Định: Có 64 làng nghề có xả thải ra LVS và tất cả đều không có hệ thống XLNT tập trung; tổng số lượng nước thải phát sinh khoảng 11.400 m3/ngày, đêm.

Nguồn: Sở TN&MT: Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, 2018

Đã có một số dự án đầu tư XLNT quy mô lớn được triển khai trong khu vực. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải được xử lý vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các mô hình xử lý ô nhiễm làng nghề mới mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng.

Trung du và miền núi phía Bắc

Các LVS vùng Trung du và miền núi phía Bắc chịu tác động mạnh của hoạt động phát triển công nghiệp khai khoáng và nước thải sinh hoạt đô thị do sức ép quá trình đô thị hóa. Hoạt động nông nghiệp trong vùng chủ yếu là các trang trại và hoạt động sản xuất nông nghiệp tự do trên các cao nguyên do tận dụng lợi thế về mặt địa hình, ít tác động đến môi trường nước các LVS. Nước thải y tế cũng không phải là nguồn áp lực lớn cho nguồn nước mặt do ít bệnh viện lớn và các bệnh viện này đã được đầu tư, nâng cấp xây dựng hệ thống XLNT đạt tiêu chuẩn QCVN 28:2010/BTNMT (cột B) trước khi xả thải ra môi trường.

Nước thải công nghiệp

Với thế mạnh của mình, khu vực này tập trung nhiều KCN, KCX, các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất luyện cán thép, sản xuất giấy, sản xuất hóa chất, khai khoáng... Do đó, nước thải thường có hàm lượng TSS, kim loại nặng và dầu mỡ khá cao, thường chứa nhiều các chất hữu cơ (BOD5, COD).

Hiện nay, hầu hết nước thải từ hoạt động của các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đều được xả trực tiếp ra ao, hồ, kênh mương tiêu ngay trong khu vực làng nghề. Đến hết năm 2018, chỉ có khoảng 20,8% lượng nước thải được xử lý. Một số trạm XLNT đã và đang được đầu tư xây dựng, bước đầu đã cải thiện được tình trạng ô nhiễm tại địa phương.

Kết quả phân tích nước khai thác khoáng sản tại Hà Giang và Tuyên Quang

Theo kết quả kiểm tra của Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc năm 2017, đối với 6 công ty khai thác khoáng sản trên địa bản tỉnh Hà Giang được lấy mẫu nước kiểm tra, có 4/6 công ty có chỉ tiêu vượt giá trị QCVN; đối với 11 công ty khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, có 8/11 công ty có chỉ tiêu vượt giá trị QCVN. Các chỉ tiêu vượt chủ yếu là TSS, BOD5, COD và kim loại nặng như Zn, Mn, Fe và Hg.

Nguồn: Tổng cục Địa chất và Khoáng sản VN, 2017

Các KCN, CCN của các địa phương trên địa bàn tập trung nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang. Các địa phương còn lại số lượng KCN, CCN không nhiều. Tỷ lệ các KCN, CNN có hệ thống XLNT tập trung ở khu vực này thấp hơn so với các khu vực khác. Tỷ lệ KCN có hệ thống XLNT tập trung là 62%, thấp nhất trong 7 vùng trong cả nước. Do đó, lượng nước thải không được xử lý đã gây những áp lực không nhỏ cho chất lượng môi trường các sông tiếp nhận.

Nước thải sinh hoạt

Cũng tương tự như các vùng khác, khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã chịu ảnh hưởng không nhỏ của vấn đề đô thị hóa. Số dân đô thị tăng nhanh, mức độ di dân từ nông thôn ra thành thị lớn, kéo theo thải lượng nước thải sinh hoạt ở các đô thị tăng, chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng lượng nước thải của địa phương, các đô thị trong vùng (chủ yếu đô thị loại III, loại IV) gần như chưa được đầu tư công trình XLNT sinh hoạt tập trung, lượng nước thải này chủ yếu được xả thẳng ra môi trường.

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

Khu vực này bao gồm các tỉnh thuộc vùng KTTĐ của miền Trung, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của khu vực miền Trung cũng như cả nước. Hoạt động công nghiệp và du lịch biển đang được quan tâm, đầu tư để phát huy tiềm lực của khu vực này. Những hoạt động này gây ra áp lực cho môi trường đáng kể.

Nước thải công nghiệp

Phát triển kinh tế khu vực miền Trung tập trung tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Tỷ lệ KCN và CNN đã có hệ thống XLNT tập trung của khu vực tương ứng là 72% và 10%. Nhiều KCN, nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống sông, hồ đã gây ô nhiễm nguồn nước.

Nước thải từ các KCN, CNN của Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái

Thái Nguyên: Có 6 KCN được quy hoạch, trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động (3/4 KCN đã xây dựng hệ thống XLNT tập trung). Hiện có 19 CNN đang hoạt động, nhưng chỉ có 2/19 CNN có hệ thống XLNT tập trung.

Bắc Giang: Có 04 KCN đang hoạt động với tổng lượng nước thải khoảng 12.000 m3/ngày, đêm; 26 CCN với 2.500 m3/ngày, đêm; khoảng 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài các KCN, CCN với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 100.000 m3/ngày.đêm. Hiện nay 04 KCN, 05 CCN đã đưa vào vận hành hệ thống XLNT tập trung.

Tuyên Quang: Có 1 KCN (Long Bình An), 4 CCN và một số cơ sở ngoài KCN, CCN đang hoạt động, nhưng chỉ có KCN Long Bình An đang đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, XLNT tập trung.

Phú Thọ: Có 7 KCN theo quy hoạch (3 KCN đã đi vào hoạt động) và 25 CNN theo quy hoạch (16 CNN đã đi vào hoạt động), tuy nhiên chỉ có 1 KCN (Thuỵ Vân) và 1 CCN (Từ Đà - An Đạo) đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung.

Yên Bái: Có 5 KCN và 12 CCN được quy hoạch, nhưng tất cả đều chưa đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, như hệ thống thu gom nước thải và hệ thống XLNT tập trung.

Nguồn: Sở TN&MT Thái Nguyên, Bắc Giang, 2018; Sở TN&MT Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, 2017

Đây cũng là khu vực phát triển các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm như chế biến tinh bột sắn, đường tập trung ở những vùng nguyên liệu hay chế biến thuỷ hải sản tập trung ở các vùng ven biển. Theo báo cáo của một số địa phương, vẫn còn tình trạng một số cơ sở không có hệ thống XLNT hoặc có hệ thống XLNT nhưng vẫn xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm cho các nguồn nước trong khu vực.

Xử lý nước thải ở các KCN, CCN tỉnh Thanh Hoá, Quảng Nam, Quảng Trị

Thanh Hoá: Hiện có KKT Nghi Sơn, 5 KCN và 34/57 CNN đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên mới chỉ có KCN Lễ Môn có hệ thống XLNT tập trung, KCN Tây Bắc Ga và CCN Thiệu Dương đã được đầu tư hệ thống XLNT tập trung nhưng chưa đi vào hoạt động, các KCN và CCN còn lại đều chưa được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung.

Quảng Nam: Có 9 KCN trong đó 7 KCN đã đi vào hoạt động. 5/7 KCN có hệ thống XLNT tập trung (4 KCN đã vận hành, riêng KCN Đông Quế Sơn đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm). Trong số 86 CCN của tỉnh có 51 CCN đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động và chỉ có 2/51 CCN có hệ thống XLNT tập trung.

Quảng Trị: Có 3 KCN nhưng chưa KCN nào được đầu tư hệ thống XLNT tập trung; 17 CCN (13 KCN đã đi vào hoạt động) và có 1 CCN có hệ thống XLNT tập trung. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 nguồn thải có lưu lượng xả thải trên 1.000 m3/ngày, đêm, đó là 1 mỏ khai thác titan, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn.

Nguồn: UBND các tỉnh Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Nam 2017, 2018

Nước thải y tế

Tại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, tình trạng các cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Khu vực này tập trung khá nhiều các bệnh viện lớn: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quy Hoà, Viện Sốt rét- KST&Côn trùng Quy Nhơn, Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa... Một số bệnh viện trong khu vực hiện chưa có hệ thống XLNT tập trung hoặc chưa xử lý đạt yêu cầu. Nước thải sinh hoạt Mật độ dân số tại vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung thấp hơn khu vực đồng bằng như vùng ĐBSH và ĐBSCL. Do đó, nước thải sinh hoạt không phải là sức ép lớn đến môi trường nước của toàn vùng, tuy nhiên đây vẫn là nguồn thải cần được chú ý để hạn chế những tác động tiêu cực.

Nước thải nông nghiệp

Trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, chăn nuôi có những tác động đáng kể đến môi trường nước mặt. Hiện nay, trong toàn khu vực, có khoảng gần 4.000 trang trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Chỉ tính riêng cho loại CTR của gia súc một năm đã thải vào môi trường là 50 triệu m3/năm. Trong các trang trại chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp, vấn đề ô nhiễm môi trường do CTR, nước thải đã và đang gây ô nhiễm môi trường nước mặt nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong khu vực còn khá nhiều các điểm tồn lưu hoá chất BVTV. Các kho này hầu như không được tu sửa, gia cố, một số kho bỏ hoang nên xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước tại các kho chứa hầu như không có, nên khi mưa lớn rửa trôi thuốc BVTV tồn đọng gây ô nhiễm nước dưới đất, nước mặt và ô nhiễm đất trên diện rộng. Theo báo cáo của một số địa phương, Thanh Hóa có 45 điểm tồn lưu hóa chất BVTV, đã xử lý triệt để 12 điểm và bàn giao cho địa phương quản lý, dử dụng đất các khu vực này vào mục đích công ích; Quảng Trị có 59 điểm tồn lưu hoá chất BVTV, đến hết 2018, tỉnh đã lập 16 dự án xử lý theo cụm. Trong đó, đã bố trí vốn cho 14 dự án, xử lý 27/59 điểm.

Nước thải sinh hoạt đô thị của Đà Nẵng và Quảng Ngãi

Theo Sở TN&MT TP Đà Nẵng, tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị trên địa bàn thành phố gần 900.000 m3/ngày, đêm. Trong khi đó, tổng công suất thiết kế của các trạm XLNT đô thị đang vận hành mới khoảng 284.300 m3/ ngày, đêm (tức chỉ có khoảng 1/3 khối lượng nước thải được xử lý). Trước áp lực xả thải, Đà Nẵng đã nhiều lần nâng công suất các trạm XLNT nhưng vẫn không theo kịp thực tế. Vậy gần 2/3 lượng nước thải còn lại gần như không được xử lý được xả vào hệ thống thoát nước chung, sông, mương thoát nước, các ao hồ của thành phố.

Tại Quảng Ngãi: Hệ thống hạ tầng về môi trường tại các đô thị chưa được đầu tư đồng bộ, ngoại trừ một số khu vực có hệ thống XLNT cục bộ và tập trung tại KKT Dung Quất, đa số các khu dân cư trong KKT Dung Quất và các đô thị chưa đầu tư hệ thống XLNT tập trung, dẫn đến nước thải sinh hoạt có nồng độ chất ô nhiễm ngày càng tăng, đổ thải trực tiếp ra nguồn tiếp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nguy hại đến chất lượng nguồn nước mặt và nước biển ven bờ.

Nguồn: Sở TNMT Đà Nẵng, 2017; UBND tỉnh Quảng Ngãi, 2017

Tây Nguyên

Tây Nguyên với nguồn tài nguyên khoáng sản lớn, những năm gần đây, các ngành như khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng đang được đầu tư sản xuất với quy mô công nghiệp. Ngoài ra, trồng cây công nghiệp được xem là ngành phát triển chính cho khu vực này trong thời gian dài. Sự phát triển công nghiệp và nông nghiệp đã tạo đà tăng trưởng kinh tế cao trong vùng, cùng với đó là mức phát thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Tác động từ hoạt động sinh hoạt và hoạt động y tế đối với môi trường nước các LVS trong vùng không đáng kể do đây là khu vực có mật độ dân cư thấp, tốc độ đô thị hóa không cao.

Nước thải công nghiệp

Khu vực Tây Nguyên chủ yếu phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến nông sản cũng phát triển khá mạnh với nhóm sản phẩm công nghiệp thế mạnh của vùng như: Cao lanh, chè, cà phê bột, hạt điều chế biến, gỗ chế biến. Với đặc điểm phát triển này, nước thải công nghiệp trong vùng thường chứa nhiều chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng. Theo báo cáo của tỉnh Đăk Lăk năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 14 cơ sở sản xuất phát sinh nước thải sản xuất trên 1.000 m3/ ngày, đêm thì có 8 cơ sở chế biến tinh bột sắn, 2 cơ sở sản xuất mía đường, 1 cơ sở sản xuất bia, 1 cơ sở sản xuất cà phê hoà tan và 2 khu, cụm công nghiệp.

Tại Kon Tum, có tình trạng nước thải của một số nhà máy chế biến nông sản (mủ cao su, sản xuất tinh bột sắn, đường) chưa được xử lý đảm bảo theo quy định, xả thải ra môi trường gây ô nhiễm sông suối, ao hồ trong khu vực.

Nước thải nông nghiệp

Hiện nay, khu vực Tây nguyên được đánh giá là vùng thiếu nước nghiêm trọng. Ngay cả vào mùa mưa, lượng nước cung cấp cho hoạt động nông nghiệp cũng không đủ. Do hoạt động nông nghiệp của khu vực này chủ yếu là trồng cây cà phê, hồ tiêu… do đó nhu cầu cấp nước là rất lớn.

Trữ lượng nước phục vụ nhu cầu sử dụng còn khan hiếm nên lượng thải hầu như không có và không gây tác động đến môi trường. Bên cạnh đó, việc lạm dụng phân bón ở các vùng trồng cà phê cũng gây nên sự suy giảm chất lượng các nguồn nước trong khu vực, do lượng phân bón dư thừa ngấm vào đất và nước. Ước tính, người trồng cà phê ở Tây Nguyên sử dụng phân bón N, P2O5, K2O nhiều hơn lần lượt là 50%, 21% và 30% so với mức khuyến cáo.

Đông Nam bộ

Vùng Đông Nam bộ (ĐNB) là vùng kinh tế phát triển nhất Việt Nam, dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, GDP, cũng như nhiều yếu tố KT-XH khác. Hệ thống các sông khu vực ĐNB, trong đó lớn nhất là LVHTS Đồng Nai giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của 12 tỉnh, thành phố có liên quan. Hệ thống này vừa là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt và hầu hết các hoạt động kinh tế trên lưu vực nhưng đồng thời cũng vừa là môi trường tiếp nhận và vận chuyển các nguồn đổ thải trên lưu vực. Chức năng cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp vốn là chức năng quan trọng hàng đầu của hệ thống các sông trong khu vực, hiện đang bị đe dọa trực tiếp bởi các hoạt động của chính từ các nguồn nước thải công nghiệp, sinh hoạt, làng nghề, nông nghiệp và các tác động bởi hoạt động phát triển thủy điện - thủy lợi… Trong đó, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn tải lượng các chất gây ô nhiễm cao.

nguon gay o nhiem nuoc cac luu vuc song theo vung kinh te
Hệ thống sông Đồng Nai đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Nước thải công nghiệp

Tính đến hết tháng 6/2018, trên toàn bộ LVHTS Đồng Nai có 98 KCN đang hoạt động, trong đó tập trung ở 4 tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu). Tỷ lệ số lượng KCN đã có hệ thống XLNT đạt 97%, cao nhất toàn quốc (chỉ còn 3/98 KCN chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống).

Lượng nước thải phát sinh từ các KCN vùng ĐNB lớn nhất trong 6 vùng kinh tế. Sự gia tăng nước thải từ các KCN này trong những năm gần đây là rất lớn. Tốc độ gia tăng này cao hơn nhiều so với sự gia tăng tổng lượng nước thải từ các lĩnh vực trong toàn quốc. Ngoài các KCN, KCX, trên LVHTS Đồng Nai còn có trên 57.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô và ngành nghề khác nhau nằm phân tán rộng khắp ở các địa phương trên lưu vực.

Tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở 4 tỉnh/thành phố lớn thuộc vùng KTTĐ phía Nam, điển hình là Đồng Nai với hơn 7.800 cơ sở (trong đó có 86 cơ sở có nguồn thải từ 200 m3/ngày trở lên hoặc thuộc các nhóm ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, xi mạ, xử lý chất thải, ...); Bình Dương với khoảng 5.530 cơ sở (3.650 cơ sở nằm ngoài KCN và 1.880 cơ sở đang hoạt động trong KCN) trong đó có 184 cơ sở có nguồn thải trọng điểm (60 nguồn thải với lưu lượng từ 50 m3/ ngày trở lên thải vào LVS Đồng Nai, 112 nguồn thải với lưu lượng từ 100 m3/ngày trở lên thải vào LVS Sài Gòn, 12 nguồn thải có lưu lượng từ 100 m3/ngày trở lên thải vào LVS Bé).

Hiện chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như các dữ liệu về nguồn thải từ các cơ sở công nghiệp phân tán trên lưu vực. Tuy nhiên có thể nhận xét đây là nhóm nguồn thải công nghiệp chính yếu gây ô nhiễm nguồn nước LVHTS Đồng Nai vì một lượng lớn nước thải đang xả thẳng ra môi trường.

Xử lý nước thải KCN, CNN của một số địa phương khu vực Đông Nam Bộ năm 2018

TP Hồ Chí Minh: 100 % (20/20) KCN, khu công nghệ cao, CCN có hệ thống XLNT tập trung, với tổng lượng nước thải là 49.370 m3/ngày.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Có 08/08 KCN, 02/02 CCN đang hoạt động có nguồn thải nước thải vào sông Thị Vải đều đã đầu tư hệ thống XLNT tập trung, trong đó có 02 KCN kết hợp sử dụng chung 01 hệ thống xử lý. Có 06 cơ sở sản xuất có lưu lượng từ 100 m3/ngày trở lên nằm ngoài KCN, gồm: Công ty cổ phần giấy Mỹ Xuân, Công ty TNHH Eclat Fabric, Công ty TNHH thép Posco Việt Nam, Công ty TNHH hóa chất AGC Việt Nam, Công ty cổ phần hóa chất hiếm Việt Nam, Công ty TNHH Intermalt Việt Nam. Tất cả các cơ sở đều đã đầu tư hệ thống XLNT.

Đồng Nai: 100% (31/31 KCN) đang hoạt động đều có hệ thống XLNT tập trung với tổng lượng nước thải phát sinh khoảng 113.146 m3/ ngày, đêm; có 1.188/1237 cơ sở thực hiện đấu nối nước thải về hệ thống XLNT tập trung của KCN để xử lý với lưu lượng 81.454m3/ngày (chiếm tỷ lệ 71,9%); 38 cơ sở tự xả thải theo Giấy phép xả thải do cơ quan có thẩm quyền cấp, với lưu lượng khoảng 31.572 m3/ngày (chiếm tỷ lệ 27,9%); còn lại 13 cơ sở nước thải phát sinh ít (khoảng 0,2% lượng nước thải) chủ yếu là nước thải sinh hoạt, khó khăn trong việc thực hiện đấu nối về hệ thống XLNT tập trung cũng như chưa đủ điều kiện cấp Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước.

Long An: 19 dự án KCN đi vào hoạt động đã có hệ thống XLNT tập trung. Trong số 13 CCN đi vào hoạt động có 12 CCN đã có hệ thống XLNT, riêng CCN Hoàng Gia đang hoàn chỉnh hệ thống XLNT tập trung.

Bình Dương: Toàn tỉnh có 28 KCN, trong đó 27 KCN đã đi vào hoạt động chính thức và đều có hệ thống XLNT tập trung (đạt 100%); có 8 CCN, trong đó 2 CNN đã có hệ thống XLNT tập trung

Nguồn: Sở TN&MT TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, 2018; Sở TN&MT Bình Dương, 2017

Theo kết quả điều tra nguồn thải từ năm 2014 - 2018 của Tổng cục Môi trường thực hiện trên các tỉnh thuộc LVHTS Đồng Nai, trong số hơn 2.600 nguồn thải được điều tra, số lượng nguồn thải có lưu lượng nước thải >1.000m3/ngày, đêm chỉ chiếm khoảng 20% số cơ sở, song tổng lượng nước thải của các nguồn này đã chiếm đến hơn 82% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh. Con số này đối với số nguồn thải có lưu lượng thải > 200 m3/ngày, đêm, tương ứng là 40% số cơ sở và 93% tổng lượng nước thải.

Qua đó, có thể thấy khả năng chi phối và mức độ ảnh hưởng của các nguồn thải trọng điểm đến chất lượng nguồn nước tiếp nhận, cần có sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải này. Nước thải sinh hoạt Đông Nam bộ với 3 trung tâm đô thị lớn là TP HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, là vùng có mức độ đô thị hóa cao nhất. Đây là khu vực có tỷ lệ dân cư sống ở các đô thị cao nhất nước, hiện nay tỷ lệ dân số thành thị khu vực này chiếm 62,67%. Mật độ dân số cao thứ hai trong cả nước (711 người/km2). Khu vực này luôn là địa điểm thu hút các luồng di dân, là vùng nhập cư cao nhất do các KCN tập trung và các thành phố lớn luôn có sức hút mạnh mẽ nhiều người chuyển đến làm ăn sinh sống. Trong số các nguồn tiếp nhận nước thải đô thị, sông Sài Gòn tiếp nhận lượng chất thải nhiều nhất với 76,21% tổng lượng nước thải và 66,6% tổng tải lượng BOD5.

Tuy nhiên cho đến nay, rất ít các đô thị trong vùng ĐNB đã lắp đặt một số hệ thống XLNT tập trung, tỷ lệ nước thải được xử lý còn rất hạn chế (Khung 2.10). Đây là một trong những nguồn thải cơ bản nhất gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực, đặc biệt là ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm do dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi trùng gây bệnh.

Nước thải nông nghiệp, làng nghề

Hiện nay, nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt (nuôi cá bè, nuôi trong ao hồ…) phát triển trên toàn lưu vực. Trên toàn vùng ĐNB, năm 2017, sản lượng nuôi đạt 126.310 tấn/năm. Nước thải và các chất thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản thường không được kiểm soát, xử lý mà trực tiếp thải vào các môi trường nước mặt trong LVS. Thêm vào đó, các sự cố do tôm cá nuôi chết hàng loạt không được xử lý kịp thời cũng là nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có khoảng 710 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Các dạng làng nghề bao gồm: Chế biến thực phẩm, chiếu cói, sơn mài, mây tre, gốm sứ, chế biến gỗ, chế biến kim loại và một số loại hình khác. Phần lớn các cơ sở tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề có công nghệ đơn giản, mặt bằng sản xuất nhỏ, khả năng đầu tư cho hệ thống XLNT rất hạn chế, do đó đã gây ô nhiễm môi trường khá trầm trọng với những đặc trưng khác nhau cho mỗi loại hình.

Nước thải y tế

Nước thải y tế của khu vực tập trung chủ yếu ở TP HCM do đây là nơi tập trung một số lượng lớn bệnh viện các cấp của khu vực. Theo báo cáo của Sở TN&MT thành phố, tỷ lệ nước thải bệnh viện được xử lý đạt chuẩn là 92,57%. Tại các địa phương khác, còn nhiều cơ sở y tế, đặc biệt các cơ sở y tế tuyến dưới, vẫn chưa có hệ thống XLNT. Bên cạnh đó, việc vận hành các hệ thống này cũng có nhiều vấn đề nên nước thải đầu ra nhiều nơi vẫn không đạt QCVN.

Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực sản xuất nông nghiệp điển hình của nước ta, với tiềm năng nông nghiệp và thuỷ sản to lớn, trong những năm qua, ĐBSCL luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực (xuất khẩu chiếm tỷ trọng đến 90%), 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Do đó, đây là ngành có nhiều tác động đến chất lượng nước mặt trong vùng. Những năm gần đây, các hoạt động phát triển công nghiệp và các ngành khác cũng có bước phát triển đáng kể, với ngành chủ đạo là chế biến nông phẩm, thủy sản.

Các hoạt động khác như quá trình đô thị hóa hay khai thác thủy điện từ các quốc gia ở khu vực thượng nguồn sông Mê Công cũng đang là những tác nhân có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khu vực ĐBSCL.

Nước thải nông nghiệp

Với đặc điểm là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, ĐBSCL luôn đứng đầu cả nước về nhiều mặt hàng nông sản. Mặc dù, diện tích sản xuất nông nghiệp trong khu vực giảm trong vòng hai thập kỷ qua, nhưng năng suất liên tục tăng cao. Việc năng suất tăng cao thường đi liền với sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Nước thải từ hoạt động canh tác nông nghiệp được xem là nguồn thải phân tán và hầu như không thể kiểm soát được trong quá trình canh tác.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, hầu hết nông dân trồng lúa đều sử dụng phân bón và thuốc BVTV nhiều hơn mức được khuyến nghị. Theo tính toán, mỗi năm có khoảng 1.790 tấn hoạt chất thuốc diệt ốc sên, 210 tấn hoạt chất thuốc diệt cỏ, 1.224 tấn hoạt chất thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL.

Ở An Giang và Kiên Giang - hai tỉnh sản xuất gạo lớn nhất của ĐBSCL, nông dân trồng lúa sử dụng phân bón nhiều hơn 20-30% so với mức khuyến cáo. Lượng phân bón hoá học và thuốc BVTV dư thừa là một trong những nguyên nhân gây suy giảm chất lượng nước mặt trong khu vực. Nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đã trở thành một nghề truyền thống và có giá trị lớn cho đời sống kinh tế người dân cũng như kinh tế quốc gia. Tổng diện tích có khả năng nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL bằng gần 60% của cả nước. Bên cạnh giá trị do ngành thủy sản khu vực này mang lại, hoạt động nuôi trồng thủy sản đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên các sông vùng ĐBSCL. Chỉ tính riêng tại An Giang, đã có 102 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản phát sinh nước thải từ 1.000 -70.000 m3/ngày, đêm (Sở TN&MT An Giang, 2017). Tại những khu vực nuôi trồng thủy sản, nguồn gây ô nhiễm chính là bùn phù sa lắng đọng trong ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi.

Một vấn đề quan trọng đó là chất thải ao nuôi công nghiệp, đây là nguồn có thể gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh thủy sản phát sinh trong môi trường nước. Hiện nay, vấn đề xử lý nguồn bùn thải, chất thải nuôi trồng thuỷ sản còn rất hạn chế chưa đáp ứng các yêu cầu quy chuẩn môi trường quy định. Thêm vào đó, nước thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng thường không được kiểm soát, không được xử lý (hoặc chỉ thông qua quá trình lắng sơ bộ), thải trực tiếp ra môi trường, gây tác động đáng kể đến chất lượng nước mặt. Sự cố tôm, cá chết do bệnh cũng thường xảy ra, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nước mặt.

Nước thải công nghiệp

Cơ cấu ngành công nghiệp phổ biến vẫn là công nghiệp chế biến nông nghiệp và thủy sản. Tính đến giữa năm 2018, toàn vùng có 37 KCN tại 12 tỉnh, thành phố đang hoạt động. Hầu hết các KCN, CCN tập trung trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL đều nằm dọc tuyến sông Hậu và sông Tiền, hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản đông lạnh xuất khẩu. Tỷ lệ KCN có hệ thống XLNT tập trung trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL là 89%, tương đương tỷ lệ trung bình cả nước (88,5%). Trong tổng số 52 CCN có 17 CCN đã có hệ thống XLNT tập trung, chiếm tỷ lệ 33%, đây là tỷ lệ khá cao so với các vùng khác (tỷ lệ trung bình toàn quốc là 16%) (Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, 2018).

Như vậy, vẫn còn một lượng đáng kể nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn xả ra môi trường, đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước các dòng sông này.

Xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của một số địa phương vùng Đông Nam bộ

TP HCM: Tỉ lệ thu gom, XLNT đô thị hiện nay là 21,2%. Hiện nay, thành phố có 2 nhà máy XLNT đô thị (gồm: Nhà máy XLNT Bình Hưng công suất 141.000 m3/ngày, đêm; hồ sinh học Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày, đêm) đã đi vào hoạt động.

Bà Rịa - Vũng Tàu: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 3/9/2013 phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý và thoát nước Khu đô thị mới Phú Mỹ, huyện Tân Thành. Theo đó, Dự án sẽ đầu tư xây dựng 1 Nhà máy XLNT tập trung có công suất khoảng 29.700 m3/ngày, hệ thống thu gom nước thải có chiều dài khoảng 123 km.

Đồng Nai: Đã hoàn thành việc xây dựng tiểu dự án Trạm XLNT số 1, công suất 3.000 m3/ngày thuộc dự án xây dựng hệ thống thoát nước và XLNT thành phố Biên Hòa giai đoạn 1, công suất 9.000 m3/ngày. Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai các hạng mục tiếp theo của dự án này.

Long An: Sở TN&MT đang triển khai dự án XLNT đô thị cho thị trấn Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Hưng với công suất thiết kế 1.300 m3/ngày, hiện tại đã hoàn thành đang vận hành thử nghiệm; các đô thị còn lại trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy XLNT tập trung, toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh chưa được thu gom, xử lý.

Bình Dương: Đã xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy XLNT đô thị thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; hiện nay đang xây dựng nhà máy XLNT cho khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên. Tại các khu dân cư, khu đô thị mới đều xây dựng hệ thống XLNT theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đến nay, nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt khoảng 60% và dự kiến đến năm 2020 đạt trên 70% lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Sở TN&MT TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, 2018; Sở TN&MT Bình Dương 2017

Xử lý nước thải tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, An Giang, Cà Mau

Tiền Giang: Trên địa bàn tỉnh có 4 KCN và 4 CCN đang hoạt động, với tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh là 18.135 m3/ngày, đêm. Trong số đó chỉ có 3 KCN đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung (tương đương 75%) với tổng công suất thiết kế là 13.000 m3/ngày, đêm. Còn lại 1 KCN và toàn bộ 4 CCN đều chưa có hệ thống XLNT, các doanh nghiệp tự xử lý nước thải theo hồ sơ bảo vệ môi trường được phê duyệt.

An Giang: Có 2 KCN đang đi vào hoạt động là KCN Bình Hoà và KCN Bình Long với tổng lượng thải thực tế phát sinh là 1.972 m3/ngày, đêm, cùng 9 CNN đã đi vào hoạt động. Các CCN phần lớn có cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, quá trình sản xuất tạo ra nhiều chất thải gây ô nhiễm, chưa được xử lý triệt để. Tuy nhiên, hiện 2 KCN vẫn đang đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung còn 9 CNN chưa có hệ thống này.

Cà Mau: Toàn tỉnh có 2 KCN và 5 CCN, tất cả đều chưa có hệ thống XLNT tập trung. Hầu hết các cơ sở trong các KCN, CNN đều nằm ven sông, kênh rạch vì vâỵ doanh nghiệp dễ dàng xả thải không qua xử lý ra môi trường, cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát.

Nguồn: Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang, 2018; Sở TN&MT An Giang, Cà Mau, 2017

Nước thải sinh hoạt

Tổng dân số tại vùng ĐBSCL tương đối lớn so với các vùng khác (xấp xỉ vùng ĐNB). Lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên toàn vùng tương đối lớn, toàn bộ không được xử lý, xả thẳng vào các nguồn nước mặt. Tuy nhiên, do mật độ dân số thấp hơn so với vùng ĐNB nên sức ép lớn đến môi trường nước cũng giảm.

Thu Trang (T/H)
Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2018
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động