Đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở hóa chất góp phần bảo vệ môi trường

19/04/2020 00:00 Công nghệ, thiết bị
Hóa chất ngày càng được sản xuất và sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội. Vì thế,  những sự cố liên quan đến hóa chất luôn thường trực và có thể xảy ra chứa đựng những nguy cơ, tiềm ẩn gây cháy, nổ; phát tán hóa chất… có nguy cơ gậy hậu quả xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngành công nghiệp hoá chất Việt Nam được xây dựng trên quy mô lớn bắt đầu từ năm 1954. Trải qua hơn một thập kỷ cùng với sự phát triển nhanh chóng, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đã trở thành một ngành kinh tế về kỹ thuật độc lập. Từ năm 1980 – 1985, báo cáo ngành hóa chất Việt Nam là một trong những ngành thể hiện rõ tính chủ đạo của nền công nghiệp quốc doanh. Các doanh nghiệp của nhà nước đảm bảo được 70% tổng giá trị sản lượng toàn ngành. Năm 1985, nó chiếm tỉ trọng cao trong toàn bộ ngành công nghiệp của Việt Nam. Bắt đầu từ thời kỳ đổi mới 1986, nền công nghiệp hoá chất nước ta đã phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng cao nhất vào thời kỳ 1991 – 1995, đạt mức ở 20%/năm. Những năm cuối thế kỷ XX, đầu XXI ngành công nghiệp hoá chất nước ta cũng tăng trưởng ở tất cả các thành phần kinh tế.

Hóa chất có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục. Khi các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội càng phát triển, thì nhu cầu sử dụng hóa chất cũng ngày càng tăng lên trên địa bàn cả nước nói chung hay ở mỗi tỉnh, thành phố nói riêng. Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tại một số tỉnh, thành phố thì số cơ sở sản xuất, bảo quản, sử dụng và kinh doanh hóa chất là rất lớn: tại Thành phố Hồ Chí Minh có 484 cơ sở; thành phố Cần Thơ có 27 cơ sở (chưa thống kê cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng); tỉnh Bình Dương có 1.396 cơ sở (bao gồm cả cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng); tỉnh Hưng Yên có hơn 400 cơ sở; tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 500 cơ sở…. Hay chỉ thống kê riêng trên địa bàn quận Thanh Xuân - thành phố Hà Nội có 47 cơ sở.

Hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra, sự cố hóa chất luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh. Nhìn chung, hầu hết các loại hóa chất đều có khả năng phát tán nhanh trên diện rộng, dễ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống, thở,…, từ đó gây ngộ độc, đồng thời có khả năng để lại những hậu quả lâu dài trong môi trường tự nhiên bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy. Thực trạng đó đã có nhiều tác động đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cháy nổ nguy hiểm đối với các cơ sở sản xuất, bảo quản, kinh doanh hóa chất.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số sự cố, cháy, nổ lớn liên quan đến hóa chất gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình: Vụ cháy hóa chất xảy ra ngày 09/12/2011 tại Công ty TNHH Thành Công - Bình Tân - TP. Hồ Chí Minh đã thiêu chụi 200m2 nhà xưởng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng và làm cho 52 chiến sỹ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) bị bỏng, trong đó có nhiều đồng chí bị bỏng nặng, môi trường bị ô nhiễm nặng; Vụ cháy và nổ lớn tại công ty hóa chất Tân Hùng Thái - Bình Chánh - TP. Hồ Chí Minh ngày 16/4/2014 làm hơn 400 tấn hóa chất và 1.000m2 nhà xưởng bị thiêu trụi, hóa chất phát tán tạo thành mây hóa chất phủ kín một vùng không gian rộng, 30 chiến sỹ cảnh sát PCCC bị thương; Vụ cháy ngày 15/7/2015 tại kho sơn Công ty Thành Hoàng Châu - Liên Chiểu-TP. Đà Nẵng làm thiệt hại 9 tỷ đồng, hơn 1.000 m2 nhà xưởng bị cháy, nhiều người bị thương trong đó có 15 chiến sỹ cảnh sát PCCC bị bỏng; vụ cháy photpho ngày 27/11/2015 xảy ra trên tàu chở hàng tại Cảng Nam Hải - Hải Phòng đã làm vùng không gian tại nơi xảy ra cháy ô nhiễm nặng, trong quá trình tham gia cứu chữa vụ cháy đã có 108 chiến sỹ cảnh sát PCCC Hải Phòng bị ngạt phải đưa đi cấp cứu; Vụ cháy 6.000 m2 khu xưởng Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông- Thành phố Hà Nội xảy ra ngày 28/8/2019 thiệt hại ước tính 150 tỉ đồng, không những vậy còn ảnh hưởng môi trường đối với khu vực dân cư trong vòng bán kính 1,5km... Những vụ cháy hóa chất nêu trên nổi bật và đáng chú ý đó là nguy cơ phát triển thành đám cháy lớn và nguy cơ phát tán chất độc từ đám cháy làm ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trong khu vực, gây hoang mang trong dư luận. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn PCCC hiện nay tại các cơ sở sản xuất, bảo quản và kinh doanh hóa chất.

dam bao an toan ve phong chay chua chay doi voi co so hoa chat gop phan bao ve moi truong

Hình ảnh cột khói tại vụ cháy Công ty Rạng Đông- Hà Nội ngày 28/8/2019

dam bao an toan ve phong chay chua chay doi voi co so hoa chat gop phan bao ve moi truong
Hình ảnh cột khói vụ cháy Công ty hóa chất Sakata Inx- KCN VSIP- Bình Dương ngày 19/8/2014

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ cháy nổ hóa chất là do vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình vận chuyển, bảo quản, chế biến, pha chế, sử dụng các loại hóa chất dẫn đến sự cố rò rỉ hóa chất ra ngoài, phản ứng với nước, khí oxy gây cháy nổ. Người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, pha chế hóa chất chưa thực sự ý thức vai trò quan trọng của công tác đảm bảo an toàn PCCC, không chấp hành đúng các quy định an toàn toàn cháy nổ khi cơ sở hoạt động. Ở một số cơ sở, nhân viên, công nhân làm việc, thậm chí chủ cơ sở thiếu kiến thức hóa học, không hiểu về thành phần, đặc tính của hóa chất nên trong quá trình làm việc, sắp xếp hóa chất với nhau đã gây ra sự cố đáng tiếc…Ngoài ra, việc buôn bán, sử dụng “lậu” hóa chất, chủ yếu xảy ra ở các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng gần đây. Hiện nay, những quy định về quản lý nhà nước trong kinh doanh hóa chất đã có nhưng còn trồng chéo, nhiều bất cập, nhiều sơ hở... Ðơn cử như hóa chất để sản xuất nông nghiệp thì thuộc quản lý của ngành nông nghiệp; hóa chất xếp vào nhóm có tiền chất ma túy, dùng sản xuất tân dược thì thuộc quản lý của ngành y tế; hóa chất cho nghiên cứu thì của Bộ Công an; hóa chất phục vụ sản xuất công nghiệp thuộc Bộ Công Thương; trong công nghiệp quốc phòng thì là Bộ Quốc phòng... Do đó, việc kiểm tra, quản lý những cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất phải thuộc trách nhiệm của nhiều ngành chức năng khác nhau.

Việc sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển các hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ đã được quy định theo TCVN 5507: 2002 – Hóa chất nguy hiểm - quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên, thực tế công tác kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở không cung cấp đầy đủ danh mục các loại hóa chất mà cơ sở đó kinh doanh, sản xuất cho các cơ quan quản lý hoặc có những cơ sở lén lút kinh doanh, sản xuất những loại hóa chất không có trong đăng ký kinh doanh. Điều đó dẫn đến công tác quản lý đảm bảo quản lý sát sao việc kinh doanh, sản xuất các loại hóa chất nguy hiểm của các cơ quan chức năng chưa thực sự chặt chẽ.

Mặt khác, do nhu cầu kinh doanh, sản xuất tăng cao nhiều cơ sở đã vi phạm về việc bố trí các kho chứa hóa chất, nhiều loại hóa chất không được bảo quản về khối lượng, khoảng cách, tính chất theo đúng quy định đối với từng loại hóa chất khác nhau, đặc biệt đối với một số hóa chất có khả năng oxy hóa mạnh, dễ bay hơi, dễ bắt cháy như Acetone, Methanol, Cồn, Sodium Hydrosulfite, Cyclohexanol... Cùng với đó là trình độ hiểu biết về đặc tính, thành phần hóa học đối với từng loại hóa chất của một số công nhân còn hạn chế dẫn đến việc bố trí, sắp xếp không đúng theo chủng loại, tính chất tạo ra hiện tượng các loại hóa chất phản ứng với nhau gây cháy, nổ.

Có thể thấy, trong quá trình bảo quản, sản xuất, kinh doanh các loại hóa chất tại các cơ sở trên địa bàn cả nước nói chung hiện nay còn nhiều vấn đề hạn chế về công tác đảm bảo an toàn sản xuất nói chung và an toàn về cháy, nổ nói riêng. Từ những vụ cháy xảy ra đối với các cơ sở bảo quản, sản xuất, kinh doanh hóa chất đã nêu trên có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác quản lý nhà nước đảm bảo an toàn PCCC đối với loại hình cơ sở này.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn PCCCn, nhằm chủ động ngăn ngừa, hạn chế nguy cơ cháy, nổ đối với cơ sơ hóa chất góp phần bảo vệ môi trường cần thực hiện tốt một số nhóm giải pháp sau đây:

Một là, đối với UBND các tỉnh,tThành phố cần thực hiện nghiêm túc yêu cần của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019 khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo đúng quy định; đẩy nhanh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm đang nằm trong khu vực đô thị hoặc khu dân cư tập trung để bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, đảm bảo sự lãnh đạo đồng bộ, thống nhất đối với công tác đảm bảo an toàn về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, bảo quản, kinh doanh hóa chất trên địa bàn toàn thành phố. Chỉ đạo UBND các cấp quận, huyện , phường, xã phải thường xuyên hỗ trợ cho đơn vị, cơ quan chức năng trong việc rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán hóa chất, đặc biệt các cơ sở nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư và tham gia các đoàn kiểm tra liên nghành.

Hai là, các cơ quan chức năng có thẩm quyền trực tiếp quản lý như: Đội quản lý thị trường thuộc Sở Công thương, Cảnh sát môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố cần phải thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm, rà soát các cơ sở không đủ điều kiện hoạt động để có biện pháp kiến nghị khắc phục hoặc đình chỉ hoạt động khi không đảm bảo các yêu cầu an toàn PCCC.

Ba là, cần nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong các cơ sở trong vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCCC. Thực hiện nghiêm chỉnh những điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy và chữa cháy: Mỗi cơ sở kinh doanh hóa chất phải có hồ sơ quản lý về PCCC; xây dựng phương án chữa cháy, CNCH, phương án ứng phó sự cố hóa chất và tổ chức thực tập định kỳ theo quy định. Người đứng đầu cơ sở và nhân viên tại các cơ sở sản xuất, bảo quản, kinh doanh hóa chất nguy hiểm về cháy nổ phải được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và được cấp giấy theo quy định tại Thông tư số 66/2014/TT-BCA. Phải nắm rõ đặc tính của các loại hóa chất trong cơ sở mình sản xuất, kinh doanh và cung cấp đầy đủ danh mục các loại hóa chất mà cơ sở đó kinh doanh, sản xuất cho các cơ quan quản lý. Tăng cường đầu tư các phương tiện chữa cháy mới thay thế các phương tiện chữa cháy cũ lạc hậu không đảm bảo, trang bị thêm phương tiện PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng cơ sở và các dụng cụ phương tiện CNCH như mặt nạ phòng độc, áo chống cháy, dụng cụ phá vỡ, dụng cụ thiết bị y tế …

Bốn là, lực lượng cảnh sát PCCC phát huy tốt vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với loại hình cơ sở này. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành rà soát, điều tra, nắm tình hình đối với công tác PCCC tại các cơ sở bảo quản, sản xuất, kinh doanh hóa chất. Trên cơ sở đó tham mưu các cấp có thẩm quyền để ban hành các văn bản chỉ đạo sát sao hơn đối với việc thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn; Gắn công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với công tác vận động toàn dân tham gia PCCC là nhiệm vụ thường xuyên; triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động, với những nội dung phong phú, đa dạng phù hợp với từng khu vực, từng địa bàn để nâng nhận thức, hiểu biết về sự nguy hiểm do cháy, nổ hóa chất và những nguyên nhân gây cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ PCCC không chỉ của riêng ai mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của mọi người dân. Mặt khác, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đưa ra biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về PCCC; đồng thời phải chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện và phương án để kịp thời xử lý sự cố xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cũng như sự tác động đến môi trường.

Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động