Đề nghị xem xét xử lý hình sự với hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm tại Bắc Hưng Hải
Chiều 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương về kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Cuộc họp có sự tham dự đông đủ các các Bộ, ngành và 4 địa phương liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải |
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Lương Văn Anh; Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An) Lê Thơm cùng lãnh đạo các Bộ, ngành.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân; Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài; Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Đề nghị xem xét xử lý hình sự
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong rất nhiều năm gần đây đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bức xúc trong dư luận. Do đó, tại cuộc họp lần này, Bộ trưởng đề nghị, các Bộ, ngành và địa phương chịu sự ảnh hưởng của hệ thống Bắc Hưng Hải cùng xem xét trách nhiệm và đưa ra các biện pháp cụ thể để giải quyết các tồn tại hiện nay.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất các giải pháp để các cơ quan liên quan dự họp cho ý kiến để cùng nhau thống nhất. Liên quan đến các nguồn thải từ các doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương lên danh sách kiểm tra, đánh giá toàn bộ, từ đó, đưa ra lộ trình quản lý để nguồn nước khi xả thải vào hệ thống không còn ô nhiễm. Nếu theo thời gian quy định đưa ra mà doanh nghiệp không chấp hành có thể xử lý hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, đóng cửa, thậm chí, xem xét biện pháp hình sự nếu cố tình xả thải ra môi trường. “Tôi đề nghị Bộ Công an có thể tham mưu thêm các biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để bảo vệ môi trường và từ đó, áp dụng mô hình, quy trình tiến hành kiểm soát các lưu vực sông trên đất nước” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đối với trách nhiệm từ các cơ quan quản lý, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá lại xem hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nếu vẫn duy trì thì phải xây dựng các phương án đa mục tiêu, bên cạnh phục vụ nông nghiệp còn phục vụ dân sinh…
Theo báo cáo, hiện nay, 60% nguồn ô nhiễm là từ nước thải sinh hoạt được xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó, chỉ có 13.300 m3/ngày đêm được xử lý (chiếm 7%), còn lại 93% chưa được xử lý. Đối với nước thải phát sinh từ cụm công nghiệp (CCN) chỉ tính riêng hai địa bàn tỉnh Hải Dương và Hưng Yên đã có 400 CCN xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và chỉ 5% trong số này có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đối với nước thải phát sinh từ làng nghề, 91% làng nghề không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn nước thải từ trang trại chăn nuôi, hầu hết chưa được đầu tư xây lắp, vận hành hệ thống nước thải. Chỉ có nước thải phải phát sinh từ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung…
Trước hiện trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương điều tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống nước thải sinh hoạt đề xuất dự án thu gom, xử lý tập trung. Những việc này đã có đủ tính pháp lý được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan tham dự cuộc họp tham mưu thêm các giải pháp về tăng cường về quản lý, trách nhiệm về hành chính, hình sự, xử lý môi trường, áp dụng khoa học, công nghệ vào để bảo vệ môi trường.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để xử lý ô nhiễm
Phó Cục trưởng Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường Lê Thơm cho biết, thời gian qua, Cục đã chỉ đạo công an thành phố Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, cơ quan công an từ cấp xã trở lên nghiên cứu, xây dựng giải pháp quản lý về môi trường trên kênh Bắc Hưng Hải. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã phát hiện 461 vụ, xử lý vi phạm hành chính 325 vụ, đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường 4,5 tháng đối với 2 cơ sở.
Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường Lê Thơm phát biểu |
Do đó, Bộ công an đề xuất trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiêu quả nhiệm vụ của Bộ Công an theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3372. Đề nghị UBND các tỉnh tiến hành đẩy nhanh xây dựng các hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt, tập trung vào các khu dân cư, đô thị, làng nghề, chăn nuôi. Đầu tư lắp hệ thống quan trắc tự động; liên tục kiểm tra chất lượng nước tại các điểm xả chính trên hệ thống Bắc Hưng Hải. Với UBND TP. Hà Nội, đề nghị giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Cầu Bây, khu vực cống trước khi xả vào Bắc Hưng Hải.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Lương Văn Anh, công trình Bắc Hưng Hải hiện vẫn là công trình thủy lợi, vận hành thường xuyên, đảm bảo thời vụ, phục vụ cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, chống ngập úng… Hiện nay, Bộ đồng ý chủ trương xây dựng, nâng cấp cụm công trình đầu mối trạm bơm Xuân Quan để góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ông Lương Văn Anh đề nghị các Bộ và địa phương có kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt các quy hoạch phòng chống thiên tai quốc gia để triển khai. Bên cạnh đó, cần đặt các hệ thống quan trắc ở đầu cửa sông xả ra Bắc Hưng Hải, nếu không đạt tiêu chuẩn sẽ đóng các cửa cống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản phát biểu |
Thống nhất với các nhóm giải pháp của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương là đưa ra giải pháp cứng rắn là vừa xử lý hành chính đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời, có thể xử lý hình sự với trường hợp cố tình. Ngoài ra, cần đồng bộ từ Chính phủ, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Công an và các Bộ ngành có liên quan và đầu tư, cải tạo cho hệ thống này, trong đó, các tỉnh cũng phải có trách nhiệm đồng hành.
Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu |
Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã họp, triển khai và yêu cầu Sở TN&MT, Sở KH&CN kiểm tra các đơn vị có thể áp dụng các công nghệ quy mô nhỏ để lắp cho các nhà máy xử lý. Đối với xử lý nước thải sinh hoạt, cũng như các nguồn nước ô nhiễm khác, tỉnh đang xây dựng thí điểm các khu dân cư quy mô nhỏ để tính toán kinh phí, hiệu quả, từ đó, phổ biến rộng ra, đầu tư nhiều hơn. Tỉnh cũng đề xuất sớm phê duyệt xây dựng trạm bơm cấp nguồn cho cống Xuân Quan. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường của Hưng Yên chủ yếu từ sông Cầu Bây ở Hà Nội, nên đề nghị sự phối hợp giữa các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, TP Hà Nội và đầu tư hệ thống quan trắc tự động, cập nhật thông tin thường xuyên.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền vận động và xử phạt. Ngoài ra, quan trọng cần có cơ chế tài chính để vận hành, xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, cần xây dựng 2 khu xử lý cho nước thải cho các cụm công nghiệm và khu dân cư.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu |
Theo ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, với các cơ sở sản xuất, khu/cụm công nghiệp, thành phố yêu cầu phải có hệ thống xử lý nước thải đạt thải yêu cầu trước khi xả ra ngoài môi trường. Thời gian tới, các ngành, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, giám sát, trường hợp vi phạm xử lý nghiêm. Ông Đông cũng thống nhất, với các ý kiến là trường hợp nào xử lý vi phạm 1 lần mà tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nghiêm hơn, thậm chí sẽ đống cửa nếu tiếp tục cố tình vi phạm.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan từ Trung ương cũng như các tỉnh để giải quyết ô nhiễm.
Áp dụng Luật BVMT 2020 từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu không đưa ra các giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường khu vực này thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Nhà nước.
Bộ trưởng đề nghị, về phía Tổng cục Môi trường cần lên danh sách các dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào danh mục kiểm soát; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý bàn giao cho các Bộ ngành liên quan và địa phương, các địa phương, UBND tỉnh, thành phố giao Sở TN&MT kiểm tra, đánh giá, để từ nay đến hết năm 2022, cần đưa ra được số liệu ô nhiễm, đưa ra giải pháp cụ thể từ cấp Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp |
Trong các giải pháp, Bộ trưởng đề nghị đánh giá kỹ và cân nhắc từng khu vực, trường hợp vi phạm trong việc xả thải ra môi trường. Những đơn vị xả thải có thể khắc phục được thì xây dựng các giải pháp áp dụng công nghệ, khoa khọc kỹ thuật, những đơn vị vi phạm nghiêm trọng hoặc cố tình vi phạm thì xem xét dừng hoạt động.
Đối với các doanh nghiệp, phải tuân thủ những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, với những nơi tập trung nguồn thải lớn, phải xây dựng hệ thống quan trắc tự động để đưa về các cơ quan quản lý theo dõi và đánh giá. Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ về số liệu tổng lượng thải từ các doanh nghiệp, địa phương, từ đó, xây dựng các kế hoạch dài hạn hơn.
Với Bộ Công an, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp công an phối hợp với cơ quan quản lý Trung ương và địa phương xem xét xử phạt nếu vi phạm, sẵn sàng cho đóng cửa hoặc nếu các doanh nghiệp có hành vi cố tình trốn tránh, xả thải ra môi trường thì xem xét đưa ra xử lý hình sự tránh gây nguy hại cho môi trường, sức khỏe người dân.
Về các giải pháp kỹ thuật cho hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp kỹ thuật, nâng cao năng lực, hạ tầng cho trạm bơm Xuân Quang để phục vụ đa mục tiêu. Các địa phương cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc xử lý xả thải ô nhiễm từ các trường hợp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đối với vấn đề ô nhiễm từ nguồn nước thải sinh hoạt (chiếm 60% tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải) chủ yếu từ các cụm dân cư, cụm công nghiệp, làng nghề… Bộ trưởng đề nghị, Tổng cục Môi trường tham mưu, hướng dẫn cho các địa phương, Bộ ngành, doanh nghiệp nếu trong trường hợp các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới thì nghiêm túc áp dụng theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, khi xây dựng phải kèm theo quy hoạch về hệ thống thu gom nước thải và cụ thể hóa các nhân người chịu trách nhiệm, nếu không đạt yêu cầu thì cấm và xử lý theo pháp luật. Đối với những nơi có lịch sử cũ, hiện nay, đã có các địa phương làm tốt công tác xã hội hóa việc xây dựng các hệ thống xử lý nước thải tập trung để các địa phương nằm trong hệ thống Bắc Hưng Hải học hỏi. Với những nơi không xây dựng tập trung được thì ưu tiên, khuyến khích áp dụng các biện pháp công nghệ, đặc biệt nếu công nghệ, sáng kiến của Việt Nam thì Nhà nước có hỗ trợ.
Với những biện pháp như vậy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng sẽ kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đối tượng có hoạt động xả nước thải, góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và các dơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Khương Trung - Hoàng Ngân