Doanh nghiệp hút cát, lấp lạch, hủy hoại rừng ngập mặn đầm Thị Nại
Ðầm Thị Nại nằm về phía Ðông Bắc TP. Quy Nhơn, là một đầm nước mặn - lợ có diện tích tự nhiên khoảng 5.000ha, dài hơn 15km, chiều ngang chỗ rộng nhất gần 5km, nơi cuối cùng của con sông Côn và Hà Thanh chảy ra biển. Ðầm Thị Nại có nhiều nguồn lợi thủy hải sản và được ví như “lá phổi xanh” của TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận. Thế nhưng, nó đang bị một số doanh nghiệp hút cát, lấp lạch, hủy hoại rừng ngập mặn để thực hiện các dự án chung cư, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Hút cát san lấp mặt bằng dự án Chung cư cao cấp An Phú Thịnh Garden Tower. |
Đầm Thị Nại mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân địa phương các xã phía Đông huyện Phù Cát, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn. Đầm tiếp nhận lưu lượng lũ từ sông Côn và sông Hà Thanh qua hệ thống đê Đông làm chậm tiêu lũ cho vùng hạ lưu, giảm tốc độ xói lở các cửa sông và lắng đọng bùn cát trước khi chảy ra biển. Trong đầm hình thành nhiều chỗ cao có người dân sinh sống, men theo các lạch nước được trồng các loại cây đước, mắm tạo nên phong cảnh rừng ngập mặn rất đẹp và hữu tình như Cồn Chim, Cồn Giá, Cồn Trạng. Do vị trí chuyển tiếp giữa môi trường biển và đất liền, nên hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Thị Nại có tính đa dạng sinh học rất cao.
Từ năm 2010 đến nay, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT và Sở TN&MT đã phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình: Dự án “Nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với BĐKH vùng đầm Thị Nại”; dự án “Dịch vụ hệ sinh thái tạo khả năng ứng phó với BĐKH ở TP. Quy Nhơn”; dự án “Lá chắn xanh tăng cường khả năng ứng phó của cộng đồng ven biển trước những tác động của thiên tai”; dự án "Thích ứng với BĐKH và nước biển dâng tại khu vực ven biển đảo”; dự án “Nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH ở TP. Quy Nhơn”. Qua các dự án này đã trồng mới khoảng 110ha rừng ngập mặn.
Máy nổ xả khói bung trời, tiếng động cơ hút cát nổ liên hồi không ngừng |
Tuy nhiên, hiện nay rừng ngập mặn, hệ sinh thái trong đầm Thị Nại đang bị bức tử, bởi nạn khai thác hút cát dưới đầm để san lấp mặt bằng, lấp lạch thực hiện xây dựng các dự án chung cư, thương mại, du lịch, dịch vụ.
Đầu tiên phải kể đến dự án “Khu du lịch sinh thái và biệt thự Đầm Thị Nại” của Công ty CP Thị Nại EcoBay. Khi thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã tiến hành hút, thổi cát trên đầm Thị Nại để san lấp mặt bằng, trong khi UBND tỉnh Bình Định chỉ mới chấp thuận chủ trương thực hiện khảo sát, thăm dò, lập hồ sơ cấp phép khai thác bơm, hút cát. Việc khai thác này, đã làm ảnh hưởng đến nguồn sinh kế của 60 hộ dân sinh sống tại tổ 48, 49, khu phố 9A, phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, khiến người dân bức xúc, phản đối chủ đầu tư thi công dự án. Những vấn đề này, Báo TN&MT có bài phản ánh “Bình Định: Dân phản đối việc thổi, hút cát để thi công dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại” ngày 8/8/2019.
Hút cát lấp lạch Lá Bé trên đầm Thị Nại |
Đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin báo chí đã phản ánh; khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), trả lời cho các cơ quan báo chí; báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Dự án tiếp theo là Chung cư cao cấp An Phú Thịnh Garden Tower, có tổng diện tích 1,15ha, được thiết kế hai tòa tháp cao 19 tầng theo hình chữ V. Chủ đầu tư dự án là Công ty Đầu tư phát triển, Xây dựng và du lịch An Phú Thịnh. Đây là dự án có mật độ phạm vi san lấp mặt bằng rất lớn với diện tích hàng nghìn m2. Nhưng điều đáng nói ở đây, chủ đầu tư dự án này đã ngang nhiên hút cát dưới đầm Thị Nại đưa về khu vực dự án, san lấp lạch Lá Bé để tạo mặt bằng xây dựng dự án. Doanh nghiệp dùng cát hút từ dưới đầm, đất, xà bần đổ xuống lấp lạch, làm thu hẹp diện tích mặt nước lạch, giảm lưu lượng dòng chảy và mất nguồn sinh sống của các loài thủy hải sản sinh sống trên đầm Thị Nại. Nghiêm trọng hơn cả khu vực rừng đước bị hủy diệt bởi đất, xà bần, cát, khiến rừng đước không còn khả năng sinh trưởng và phát triển.
Khu vực rừng đước bị hủy diệt bởi đất, xà bần, cát. |
Một người dân ở sinh sống ở lạch Lá Bé, tổ 32, khu vực 4, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn bức xúc: Khu vực rừng đước này tồn tại hàng trăm năm, con lạch là nơi nước sông Hà Thanh đổ về chảy ra đầm, bây giờ doanh nghiệp vào hút cát, san lấp lạch làm thu hẹp dòng chảy, các loài sinh vật, thủy hải sản không sinh sống được vì sặc bùn. Đến mùa mưa lũ nước ứ lại không thoát được, gây ngập úng, dân chúng tôi sinh sống làm sao. Họ đặt ống bơm hút cát với độ sâu 12m thì làm sao sinh vật, rừng đước sống nổi mà không bị hủy diệt.
Nhờ người dân giúp đỡ chở xuồng đi tác nghiệp trên đầm Thị Nại, nhóm PV chúng tôi mục thị tận nơi hút, thổi cát của hai doanh nghiệp đang thực hiện các dự án trên, mới thấy quy mô, khối lượng, mức độ khai thác lớn như thế nào. Hàng ngày, có hơn chục chiếc tàu, xà lan của hai doanh nghiệp là Công ty CP Thị Nại EcoBay và Công ty Đầu tư phát triển, Xây dựng và du lịch An Phú Thịnh thi nhau hút cát trên đầm Thị Nại. Máy nổ xả khói bung trời, tiếng động cơ hút cát nổ liên hồi không ngừng. Công ty Đầu tư phát triển, Xây dựng và du lịch An Phú Thịnh ngang nhiên đặt tàu hút cát ngay dưới chân đầu cầu Thị Nại.
Rừng đước không còn khả năng sinh trưởng và phát triển. |
Trao đổi trực tiếp với PV Báo TN&MT, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà chia sẻ: Theo quy hoạch từ đầu cầu Hà Thanh 1 đến Khu du lịch Cửa Biển, trước đây thời còn đương nhiệm, chúng tôi chỉ cho phép đầu tư dự án, nhưng xây trên mặt nước mà không được làm nhà cao tầng, phải đảm bảo rừng đước để giữ không khí. Tới nhiệm kỳ này, lãnh đạo tỉnh cho một số nhà đầu tư, nhưng cũng với quan điểm không được triệt phá rừng đước, chỉ cho phép chỗ nào trống chưa có rừng thì xây biệt thự chẳng hạn, chỗ nào có rừng đước thì chỉ xây dưới mặt nước.
Mặc dù Cảnh sát đường thủy Bình Định đi kiểm tra nhưng hoạt động hút cát trên đầm Thị Nại vẫn rầm rộ. |
Lời kết cho bài viết, chúng tôi xin trích ý kiến của Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam đã từng tâm sự với lãnh đạo tỉnh Bình Định tại Hội thảo “Giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa vào đại dương: Mô hình giáo dục cho các nhà giáo dục” về việc giữ gìn khu sinh thái đầm Thị Nại: Ở Bình Định có rất nhiều kho tàng và thiên nhiên quý giá. Một trong những kho tàng ấy là đầm Thị Nại với câu ca dao “Bình Định có núiVọng Phu, có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh”. Chúng tôi đến đây xem rất nhiều lần và thấy rằng, mặc dù có nhiều dự án đô thị hóa trên đầm Thị Nại, nhưng mong lãnh đạo Trung ương, lãnh dạo tỉnh Bình Định cùng nhau bảo vệ môi trường qúy báu này.