Hà Nội: Kiến nghị thu hồi Dự án đầu tư nhà vệ sinh, xe bồn, cây lọc nước... để lấy quảng cáo

18/09/2019 17:48 Tác động môi trường
CNMT - Dự án đầu tư 500 nhà vệ sinh công cộng, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc/inox phục vụ cộng đồng trên địa bàn TP. Hà Nội phải xong trong Quý III/2017. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ 21 tháng, số lượng các sản phẩm cần bàn giao đạt tỷ lệ rất thấp, chất lượng các nhà vệ sinh bàn giao không đạt tiêu chuẩn... Thế nhưng, doanh nghiệp đề xuất dự án này đã được phép khai thác quảng cáo từ rất lâu.

Với mục đích đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng của người dân tại các khu vực công cộng, hạn chế việc phóng uế, tiểu tiện bừa bãi, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường Thủ đô "sạch - đẹp", UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 (Quyết định 2856) về việc phê duyệt chủ trương chấp thuận cho Công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing (Công ty Vinasing) đầu tư xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVS), 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước uống trực tiếp và 200 ghế gang đúc/inox phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố.

ha noi kien nghi thu hoi du an dau tu nha ve sinh xe bon cay loc nuoc de lay quang cao
05 xe bồn được bàn giao ngày 28/6/2019. Trong quảng cáo và cam kết là bàn giao 10 xe.

Tiến độ chậm, sản phẩm lỗi

Theo Quyết định 2856, thời gian dự án hoàn thành là Quý III/2017, nhưng đến ngày 18/7/2019 dự án mới đạt kết quả rất khiêm tốn, như sau: 87/500 NVS; 5/10 xe bồn; 5/20 cây lọc nước... Đáng lưu ý, từ tháng 9/2018 đến nay Công ty Vinasing mới bàn giao thêm được 02 nhà vệ sinh; 5 xe bồn và 5 cây lọc nước mới được bàn giao trong tháng 6/2019.

Không chỉ chậm tiến độ, có đến hơn 90% các NVS sau khi được bàn giao đã bị trục trặc kỹ thuật nghiêm trọng, như: vỏ bọc nhà vệ sinh bị hoan gỉ; không bơm được nước; thiết bị rò rỉ nước; nước thải rò rỉ; nhà dột; cửa kẹt hoặc sệ; nước yếu; đèn không sáng... Thực tế này trái hẳn với chủ trương của TP. Hà Nội. Theo chủ trương thì các nhà vệ sinh phải được sơn tĩnh điện, các phụ kiện phải đảm bảo tính bền vững, thẩm mỹ; đèn led tự động; cấp nước bằng xe bồn...

Xin nói lại, các NVS mới là linh hồn của dự án, có NVS mới hạn chế việc phóng uế, tiểu tiện bừa bãi, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường thủ đô "sạch - đẹp". Được biết, Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản đôn đốc các bên tham gia dự án nhưng dường như các văn bản này không có giá trị.

Ưu ái và dung túng sai phạm

UBND TP. Hà Nội ra Quyết định 2856 theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở góp ý của 5 sở, gồm: Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Quy hoạch - Kiến trúc, nhưng lại không thấy ý kiến của đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm trong lĩnh vực quảng cáo. Dự án trên được thẩm định trong 6 tháng (từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017) với ý kiến của 6 Sở, nhưng cũng không phát hiện vị trí treo biển quảng cáo do Công ty Vinasing đề xuất là không phù hợp quy định của pháp luật.

ha noi kien nghi thu hoi du an dau tu nha ve sinh xe bon cay loc nuoc de lay quang cao

Nhà vệ sinh lắp đặt trước cổng Trường Merie Curie.

Theo đó, "trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho công ty triển khai thực hiện dự án, tận dụng tối đa nguồn lực để phục vụ cộng đồng trên địa bàn thành phố...", UBND TP Hà Nội đã "phải" xin Bộ Xây dựng (theo Văn bản số 5626/UBND-KGVX ngày 01/11/2017) cho cơ chế đặc thù để treo biển quảng cáo phía ngoài cầu vượt cho người đi bộ.

Theo Quyết định 2856, dự án trên được hoàn thành trong Quý III/2017, Công ty Vinasing được phép khai thác quảng cáo từ tháng 10/2017. Sở Xây dựng đã cấp Giấy phép xây dựng số 53/GPXD ngày 01/6/2018; Sở Giao thông Vận tải cấp Giấy phép thi công số 378/GP-SGTVT ngày 18/6/2018, thí điểm trên 45 cầu, đến hết ngày 31/12/2018 Công ty Vinasing đã lắp được 24/45 cầu.

Công ty Vinasing đã thi công không phép 2 vị trí cầu (Đại Cồ Việt và Trần Đại Nghĩa), trong quá trình thi công, đơn vị này đã tự ý dịch chuyển, che lấp vị trí các biển báo trên cầu vượt cho người đi bộ. Đáng nói hơn nữa, Công ty Vinasing đã thi công nhiều biển quảng cáo bịt kín cầu vượt cho người đi bộ trên nhiều tuyến đường, thế nhưng đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm về quảng cáo trên địa bàn TP. Hà Nội là Sở Văn hóa và Thể thao cũng đồng hành cùng sai phạm khi cấp phép nội dung quảng cáo tại các vị trí nói trên

Cố tình bóp méo dự án

Gần đây, ngày 07/5/2019, Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì buổi làm việc, gồm: Sở Tài chính Hà Nội; Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội; Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội; Công ty Vinasing để xem xét đề xuất trang bị NVS lưu động tiêu chuẩn quốc tế phục vụ sự kiện chính trị, quốc tế diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

ha noi kien nghi thu hoi du an dau tu nha ve sinh xe bon cay loc nuoc de lay quang cao
Biển quảng cáo bịt kín cầu vượt cho người đi bộ - Cầu trên đường Hoàng Quốc Việt.

Tại buổi làm việc, các đơn vị đều thống nhất giao cho Công ty Vinasing thực hiện việc trang bị NVS lưu động tiêu chuẩn quốc tế, trong khi đó năng lực đầu tư thực tế của đơn vị này tại dự án theo Quyết định 2856 là rất yếu kém. Kỳ lạ hơn, nguồn vốn thực hiện của dự án trang bị NVS lưu động tiêu chuẩn quốc tế lại được lấy từ dự án theo Quyết định 2856. Nói như vậy, đây là cách để giải thoát cho dự án đầu tư nhà vệ sinh, xe bồn, cây lọc... lấy quảng cáo, miễn sao chủ đầu tư cứ chi đủ 193,93 tỉ đồng.

Kiến nghị thu hồi dự án

Đến nay, dự án đã bị chậm tiến độ 21 tháng, các hạng mục được bàn giao không đúng số lượng, chất lượng như cam kết. Công ty Vinasing không thực hiện cam kết với các Sở, ngành để tiếp tục duy trì, thực hiện dự án. Theo Mục C, Khoản 1, Điều 48, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 thì dự án theo Quyết định 2856 thuộc diện bị thu hồi vì thời gian thực hiện của dự án là 9 tháng từ Quý I/2017 đến Quý III/2017.

Giờ đây, không ai có thể khẳng định tiến độ của dự án theo Quyết định 2856 đến bao giờ sẽ xong, trong khi Hà Nội đã bàn giao các diện tích để doanh nghiệp thi công, khai thác quảng cáo tạo nguồn thu đối ứng; các Sở, ngành đã "nhắm mắt làm ngơ" với các sai phạm.

Không biết, Công ty Vinasing còn đủ tâm huyết, năng lực tài chính để thực hiện dự án này không? Như nói ở trên trên, các NVS mới là linh hồn của dự án, có NVS mới hạn chế việc phóng uế, tiểu tiện bừa bãi, Công ty Vinasing còn phải trả cho dự án này 413 NVS, trong khi đó hai đơn vị cung cấp NVS là Công ty Cổ phần Vimeco Cơ khí và Thương mại và Công ty Cổ phần Xuân Hòa đã ngừng cung cấp dịch vụ cho dự án này.

ha noi kien nghi thu hoi du an dau tu nha ve sinh xe bon cay loc nuoc de lay quang cao
Biển quảng cáo bịt kín cầu vượt đi bộ - Điểm cầu trước Đại học Công Đoàn.

Một dự án với đầy ý nghĩa an sinh xã hội, được ưu ái trăm bề, thậm chí có hiện tượng sai luật nhưng hoàn toàn có nguy cơ đổ vỡ. Trong các bài tiếp, Tạp chí điện tử Công nghiệp môi trường sẽ làm rõ những nguyên nhân sâu xa, là cái quyết định sự dở dang, bết bát của dự án theo Quyết định 2856.

Gần đây, UBND TP. Hà Nội mới có một động thái mạnh tay hơn với Công ty Vinasing khi yêu cầu thu hồi các biển quảng cáo đã hết hạn, không đúng cam kết; chỉ thực hiện cấp phép quảng cáo cho Công ty Vinasing khi đã tiếp nhận 2/3 số lượng NVS, 10 xe bồn, 50 cây lọc nước, 200 ghế gang đúc/inox.

Trên thực tế, các biển quảng cáo đã hết hạn, không đúng cam kết vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động