Dự kiến lợi nhuận sau thuế trên phần vốn góp chủ sở hữu đối với dự án điện chất thải, điện sinh khối ở mức 12%
Trong dự thảo Thông tư lấy ý kiến lần 2, Bộ Công Thương xác định, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên phần vốn góp chủ sở hữu (%), được xác định là 12%. Tỷ lệ các nguồn vốn trong tổng vốn đầu tư của Nhà máy điện chất thải rắn, sinh khối chuẩn được xác định: Tỷ lệ vốn góp của chủ sở hữu 30%; Tỷ lệ vốn vay (70%), trong đó, tỷ lệ vốn vay ngoại tệ 80%, tỷ lệ vốn vay nội tệ 20% với thời gian trả nợ bình quân là 10 năm.
Thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện áp dụng cho nhà máy điện chất thải, điện sinh khối được ban hành sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến nhà máy điện chất thải, điện sinh khối đang gặp khó khăn |
Khung giá điện được xây dựng theo nguyên tắc: Khung giá phát điện của nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện, nhà máy điện sinh khối không phải là nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện là dải giá trị từ giá trị tối thiểu (0 đồng/kWh) đến giá trị tối đa được xây dựng và ban hành hằng năm.
Thông số sử dụng trong tính toán giá phát điện của nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn đối với dố giờ vận hành công suất cực đại được xác định:
Số giờ vận hành công suất cực đại: Nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 3.000 giờ; Nhà máy điện sinh khối không phải là nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện là 6.000 giờ; Nhà máy điện chất thải được xác định ở mức 7.000 giờ.
Dự thảo Thông tư quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành khung giá phát điện nhà máy điện chất thải, điện sinh khối. Trong đó, trước ngày 01/11 hàng năm Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm: Đề xuất lựa chọn nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn để tính toán khung giá phát điện; Tính toán hoặc có thể thuê tư vấn lựa chọn bộ thông số và tính toán giá phát điện của nhà máy điện chất thải chuẩn, nhà máy điện sinh khối chuẩn theo quy định tại Thông tư; Lập hồ sơ tính toán khung giá phát điện nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối cho năm kế tiếp theo, trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định.
Cục Điều tiết điện lực: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ tính toán khung giá phát điện, có trách nhiệm kiểm tra chi tiết nội dung hồ sơ, tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trình duyệt. Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ. Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo giải trình về nội dung trong hồ sơ theo yêu cầu.
Trường hợp nhận được hồ sơ hợp lệ và báo cáo giải trình làm rõ các nội dung trong hồ sơ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm tổ chức thẩm định khung giá phát điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình.
Trường hợp cần thiết, Cục Điều tiết điện lực tổ chức lấy ý kiến đối với khung giá phát điện thông qua Hội đồng tư vấn do Bộ Công Thương quyết định thành lập hoặc đối tượng chịu tác động. Hội đồng tư vấn có tối đa 9 thành viên, trong đó có 01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký, đại diện đơn vị có liên quan của Bộ Công Thương có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu trong lĩnh vực phát điện
Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức thẩm định khung giá phát điện, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện cho loại hình nhà máy điện chất thải, nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện, nhà máy điện sinh khối không phải là nhà máy điện sinh khối đồng phát nhiệt - điện cho năm tiếp theo và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Điều tiết điện lực. Trường hợp khung giá phát điện của năm tiếp theo chưa được công bố, cho phép tạm thời áp dụng khung giá phát điện có hiệu lực gần nhất.
Xem nội dung chi tiết Dự thảo Thông tư tại đây./.