Hà Nội:

Giải pháp sản xuất và tiêu dùng bền vững

13/05/2020 08:08 Tăng trưởng xanh
Kế hoạch Hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững thành phố Hà Nội năm 2020, đặt mục tiêu nâng cao nhận thức về nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa và nilon, từ đó dần thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhựa khó phân hủy trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phân phối và tiêu dùng.
Hà Nội: Tăng cường biện pháp thu gom, vận chuyển chất thải rắn
giai phap san xuat va tieu dung ben vung
Phấn đấu đến ngày 31/12/2020: 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy.

Thành phố Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 đạt tỷ lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng là 50%; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa; tỷ lệ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt 70%; đồng thời gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Kế hoạch Hành động của Hà Nội cũng đặt mục tiêu góp phần đạt chỉ tiêu quốc gia đến hết năm 2020, tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP đạt 45%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đúng quy định đạt 100% đối với khối lượng được thu gom, ưu tiên xử lý bằng các phương pháp tái chế, đốt thu hồi năng lượng; chất thải rắn xây dựng được ưu tiên tái chế, tái sử dụng bằng công nghệ nghiền; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đạt 75%.

Để thực hiện những mục tiêu, yêu cầu trên, trọng tâm hành động của Hà Nội tập trung vào những nội dung chính sau:

Nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giới thiệu các mô hình về đối mới sinh thái, mô hình về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, các chuỗi cung ứng, các mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững, các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; giới thiệu kiến thức về chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua phát hành cẩm nang, tin, bài, phóng sự, phát clip và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

Tập huấn, phổ biến nâng cao nhận thức, năng lực về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cho đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp; tổ chức phổ biến chuỗi kết nối nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm; thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa các nhà cung cấp nguyên liệu - sản xuất - phân phối - người tiêu dùng; tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới.

Phát triển hệ thống phân phối bền vững: Đánh giá cơ hội cạnh tranh, tham gia vào chuỗi sản xuất tiêu dùng bền vững đối với ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn hướng dẫn mô hình "Điểm kinh doanh xanh” cung cấp các sản phẩm thông minh, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sử dụng; hướng dẫn triển khai thí điểm áp dụng mô hình hệ thống sản xuất, dịch vụ vào thực tế nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tài nguyên và năng lượng, giảm các tác động đến môi trường.

Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải: Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững, chống rác thải nhựa: Hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường; Thúc đẩy các dự án sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, bao bì thân thiện với môi trường; Hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ từ sản xuất nhựa khó phân hủy sang các chất liệu khác thân thiện với môi trường; Khuyến khích, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất mới, sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm lượng phát thải.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống rác thải nhựa, tác động của túi ni lon, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và thực hiện “chống rác thải nhựa” trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng trên địa bàn Thành phố. Tổ chức tập huấn tác hại của rác thải nhựa, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất và phân phối.

Kiểm tra công tác chống rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện thị xã và các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động.

Thu Nga
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động