Hà Nội: Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà tiếp đoàn công tác do ông Trương Cảnh Tung - Chủ tịch Tập đoàn INVENTEC (IEC) diện kiến, báo cáo về dự án đầu tư của IEC tại Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (khu công nghiệp Hanssip) |
Thời gian qua, các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội đã được Sở Công Thương Hà Nội chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đến các doanh nghiệp và phát huy tác dụng tích cực. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố liên tục tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng, lĩnh vực, tập trung vào 3 nhóm ngành nghề: Sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản phẩm phục vụ ngành dệt may - da giày; sản phẩm cho công nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế tạo.
Trong đó, sản xuất linh kiện, phụ tùng là nhóm chủ chốt, cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hầu hết các ngành công nghiệp chế tạo chủ lực như sản xuất ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo, điện - điện tử. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
Cùng với đó, Hà Nội cũng tổ chức các hội chợ công nghiệp hỗ trợ với sự tham gia của doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cũng như doanh nghiệp nước ngoài; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo; hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng xây dựng website về công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, trong đó cung cấp các nội dung liên quan, thông tin, dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ…
Thực tế có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất. Đồng thời, các đơn vị cũng tìm kiếm những khoản vốn vay ưu đãi để mua sắm máy móc thiết bị, đầu tư dự án nhà máy mới, tăng cường sản xuất đón đầu nhu cầu thị trường dự báo sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Đơn cử như các doanh nghiệp thành viên hiệp hội như TOMECO, PMTT Group, HIKARI P&T, INDEMA, ốc vít Brother, Trí Cường, cơ khí Hà Nội CNC… đã duy trì được sự tăng trưởng, thực hiện có hiệu quả các đơn hàng cung ứng sản phẩm ra thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đón cơ hội hợp tác mới
Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (Hansiba) cho biết, khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) chuẩn bị tiếp tục đón nhà đầu tư INVENTEC - tập đoàn chuyên sản xuất và tiêu thụ các thiết bị điện tử và công nghệ đang vận hành hàng loạt trung tâm sản xuất và nghiên cứu khoa học tại Trung Quốc, Mexico, Bắc Mỹ và một số địa điểm khác trên toàn cầu, với doanh thu gần 20 tỷ USD năm 2022.
Với xu hướng phát triển mở rộng sản xuất, thị trường Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng là một trong những địa bàn trọng điểm của INVENTEC với mục tiêu trước mắt là dự án công nghệ cao tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.
Tại hội nghị kết nối chuỗi sản xuất toàn cầu giữa Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Tập đoàn N&G - Việt Nam và Tập đoàn INVENTEC diễn ra ngày 19-4 mới đây, đại diện Tập đoàn INVENTEC cho biết, dự án của INVENTEC đầu tư tại Hanssip dự kiến triển khai hoạt động vào quý IV-2024 sẽ hình thành tổ hợp nghiên cứu sáng chế phát triển và chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm và linh kiện công nghệ cao. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội và Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của INVENTEC với các đối tác trên toàn thế giới. Qua đó, đem lại từ 20.000 - 25.000 việc làm thường xuyên cho người dân trên địa bàn Thủ đô và các khu vực lân cận.
“Chiến lược lâu dài và xuyên suốt của chúng tôi là sản xuất các sản phẩm và tiêu thụ các thiết bị điện tử, công nghệ theo nhu cầu thị trường. Do đó, các nhà cung cấp của INVENTEC sẽ tập trung vào sản xuất các sản phẩm linh kiện, nguyên liệu như linh kiện nhựa, bản mạch, vỏ hộp,…“, ông Ned Wang, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chuỗi cung ứng toàn cầu của Tập đoàn cho biết.
Trong chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, INVENTEC ưu tiên đặt hàng các sản phẩm có thể tích lớn như: Bao bì đóng gói, vỏ ngoài của sản phẩm, tiếp đến là các linh kiện bên trong như ốc vít, dây dẫn. Ở cấp sâu hơn, là các sản phẩm linh kiện bản mạch, linh kiện điện tử... Dự tính, sản phẩm đầu tiên INVENTEC có thể sản xuất tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào khoảng cuối năm nay.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực này tham gia hiệu quả chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết, việc đầu tư của INVENTEC vào Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao trong thời gian tới đây.
Để đồng hành với doanh nghiệp hội viên cũng như song hành với INVENTEC, Hiệp hội sẽ kiến nghị các cơ quan chức năng ban hành những chính sách ưu đãi tốt nhất dành cho các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Nội đủ điều kiện tham gia chuỗi toàn cầu của INVENTEC cũng như các Tập đoàn đa quốc gia khác có mặt tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng sẽ đề nghị cơ quan chức năng tại Việt Nam có những chính sách tốt nhất, thuận lợi nhất để INVENTEC có thể đầu tư tại Việt Nam và tại khu công nghiệp Hanssip đúng như kỳ vọng.
“Chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp hội viên xây dựng các nhà máy theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc cũng như các chuẩn mực, yêu cầu của INVENTEC để có thể trở thành các đối tác tin cậy của Tập đoàn IEC”, ông Nguyễn Hoàng chia sẻ.
Theo Sở Công Thương Hà Nội với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể nâng cao sức cạnh tranh, các chuyên gia cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ trình Quốc hội sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp, trong đó có những chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển. Mặt khác, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO
Tin mới
Kế hoạch chuyển đổi công nghệ lạnh xanh và môi chất lạnh tự nhiên đối với phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Nghiên cứu thị trường và tình hình sử dụng thiết bị và môi chất lạnh của phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.