Huyện Nông Sơn (Quảng Nam): Tìm hướng đi cho phát triển công nghiệp
Phóng viên: Xin ông cho biết định hướng phát triển công nghiệp của huyện từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025? Điểm mới trong định hướng thu hút đầu tư của huyện cho những năm tới là gì?
Ông Nguyễn Chí Tùng: Nông Sơn là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, trước đây chủ yếu phát triển nông nghiệp truyền thống và chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế chậm phát triển. Do đó, ngay từ khi mới thành lập, huyện Nông Sơn đã xác định phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là chìa khóa đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tiếp tục nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ; phấn đấu đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm từ 11 - 13%, đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 38% trong tổng cơ cấu kinh tế của huyện.
Với định hướng phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, đồng thời đảm bảo tính hài hòa giữa phát triển kinh tế với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường, huyện sẽ ưu tiên các ngành công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như đất sét, cao lanh để sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông lâm sản và các ngành gia công phù hợp với trình độ tay nghề người lao động địa phương nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, như làng nghề trái cây Đại Bình, trầm hương, bánh tráng Trung Phước, các nghề mây tre đan, gia công may mặc… Khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển, xây dựng Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện Nông Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.
Thời gian tới, Nông Sơn cũng tập trung đầu tư phát triển cở sở hạ tầng, trong đó đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống giao thông, hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp. Rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp để bảo đảm tính bền vững, lâu dài, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của huyện.
Phóng viên: Những khó khăn, tồn tại trong quy hoạch, đầu tư cũng như giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Chí Tùng: Vị trí địa lý của huyện Nông Sơn không có nhiều thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư bởi địa hình đồi núi, thường xuyên bị ngập lụt vào mùa mưa, xa các trung tâm kinh tế lớn, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ... Nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển các huyện miền núi vùng Tây của tỉnh chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Một số thủ tục hành chính trong thực hiện đầu tư còn nhiều bất cập, phức tạp, đặc biệt trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Công tác bồi thường thiệt hại, thu hồi đất, tái định cư có nhiều vướng mắc... Nguồn vốn san ủi mặt bằng được phân bổ theo từng năm rất ít, tiến độ thi công kéo dài khiến cho việc thu hút đầu tư gặp nhiều trở ngại.
Hiện nay, cụm công nghiệp đang trong quá trình san ủi, các nhà máy, xí nghiệp chưa hình thành, tuy nhiên vấn đề ô nhiễm môi trường rất cần quan tâm trong những năm tới. Hơn nữa việc xây dựng cụm công nghiệp tại khu đất biệt lập, xa khu dân cư là yếu tố cần thiết để bảo vệ và có biện pháp cách ly, xử lý an toàn môi trường; đồng thời thay đổi liên tục những quy trình xử lý chất thải môi trường, ưu tiên những dây chuyền sản xuất thân thiện, xanh, sạch để môi trường sống của người dân trong tương lai được an toàn, bền vững hơn.
Phóng viên: Xin ông cho biết, công tác quản lý môi trường tại địa phương nói chung, các cụm công nghiệp nói riêng gặp khó khăn gì?
Ông Nguyễn Chí Tùng: Qua 10 năm hình thành và phát triển, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Uỷ, HĐND, UBND huyện, công tác quản lý về bảo vệ môi trường ngày càng đi vào nề nếp, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của huyện; ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn gặp phải một số khó khăn cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, đó là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đảm trách công tác quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng hệ thống xử lý rác thải đồng bộ, hiện đại...
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.