Kiểm toán chất thải ở một số nước trên thế giới

07/03/2019 17:32 Tăng trưởng xanh
Từ năm 1980, trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu và ứng dụng về kiểm toán chất thải (KTCT). Quy trình KTCT đối với từng ngành đã được lập, nhiều tài liệu, sách về KTCT đã được xuất bản.

Kiểm toán chất thải ở một số nước trên thế giới


Kiểm toán chất thải góp phần hữu hiệu trong kiểm soát ô nhiễm

KTCT là công cụ quản lý môi trường nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ quá trình sản xuất tại cơ sở công nghiệp. KTCT bao gồm việc rà soát, kiểm tra các quá trình sản xuất, xác định nguồn thải và khối lượng chất thải, tính toán cân bằng vật chất, xác định các vấn đề trong vận hành sản xuất, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường.
Ở Ôxtrâylia, KTCT trong các ngành công nghiệp đã được giới thiệu như là một công cụ hỗ trợ cho việc quản lý chất thải, bên cạnh các công cụ khác như sản xuất sạch hơn và đánh giá vòng đời sản phẩm. Cục Các ngành công nghiệp cơ bản, Công viên, Nước và Môi trường của bang Tasmania, Ôxtrâylia đã khuyến cáo các doanh nghiệp nên sử dụng KTCT, với các nội dung như xác định các nguồn thải, số lượng và các loại chất thải được tạo ra; Xác định nguyên nhân làm gia tăng chất thải; Thiết lập các mục tiêu/giải pháp và thứ tự ưu tiên cho việc giảm phát sinh chất thải.
Một số ngành công nghiệp đặc thù gây tổn hại tới môi trường như khai thác mỏ, sản xuất hóa chất thì được khuyến khích tuân thủ theo các Quy chế về Thực hành quản lý môi trường tốt nhất (BPEM), được chính quyền Ôxtrâylia thiết kế riêng cho mỗi ngành. Ví dụ, đối với ngành khai thác mỏ đã được Cục Bảo vệ môi trường Úc ban hành quy chế năm 1995, trong đó bao gồm quy định về KTCT và nộp báo cáo kiểm toán hàng năm.
Bỉ, là thành viên của Cộng đồng châu Âu (EU) nên phải tuân theo những quy định về môi trường do EU ban hành, trong đó có Quy trình kiếm toán quản lý sinh thải (EMAS), năm 2001. Đến năm 2004 đã có 150 doanh nghiệp ở các tỉnh thuộc vùng Flanders của Bỉ tham gia thực hiện EMAS và sau đó là 22 doanh nghiệp khác. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tự nguyện áp dụng các quy trình này không chỉ với mục đích nhằm đạt được các chứng chỉ môi trường. Một trong những công ty đầu tiên của Bỉ thực hiện KTCT là Công ty Shred it Belgium. Công ty này, năm 2007, đã tái chế 1.650 tấn chất thải và thực hiện tính toán "Dấu chân các-bon", làm giảm lượng cacbon từ hoạt động vận tải, trở thành Công ty đầu tiên của Bỉ đạt C02 trung tính.
Tại Canada, theo quy định Ontario 102/94 của Bộ Môi trường và Năng lượng, các cơ sở sản xuất bắt buộc thực hiện KTCT. Quy định này nêu rõ, các cơ sở giáo dục, bệnh viện, nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở sản xuất, các tòa nhà công sở, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh phải thực hiện chương trình giảm thiểu chất thải, bao gồm 4 bước trong đó có thực hiện KTCT. Thời gian một báo cáo KTCT phải được lưu trữ dưới dạng file ít nhất 5 năm và phải chỉ ra được loại vật liệu hoặc sản phẩm nào được doanh nghiệp sử dụng là vật liệu hoặc sản phẩm tái chế. Bên cạnh đó, Canada rất chú trọng tới việc xem xét quy trình sản xuất của doanh nghiệp như là một thông tin đầu vào để thực hiện kiểm toán, từ đó đề xuất các khâu giảm thiểu chất thải cũng như nguyên liệu sản xuất.
Ở Ấn Độ, khái niệm KTMT trong ngành công nghiệp chính thức được giới thiệu từ tháng 3/1992 với mục đích chung là giảm sự lãng phí tài nguyên và thúc đẩy sử dụng công nghệ sạch nhằm giảm thiểu phát thải. Bộ Môi trường và Rừng đã ban hành thông tư số GSR 329(E) vào tháng 3/1992, đưa ra yêu cầu bắt buộc nộp Báo cáo KTMT hàng năm đối với các cơ sở công nghiệp, trong đó phải thể hiện các thông tin về quản lý từng nguồn thải. Để thúc đẩy hoạt động KTMT, Ban Kiểm soát ô nhiễm quốc gia (CPCB) đã tổ chức tập huấn, đào tạo, thực hiện các mô hình trình diễn và xây dựng hướng dẫn KTMT cho các ngành công nghiệp ô nhiễm cao như thuốc bảo vệ thực vật, giấy và bột giấy, đồ uống, dệt nhuộm.
Đối với Thái Lan, hoạt động KTCT đã nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Viện Công nghệ châu Á (AIT) đã đưa nội dung này vào đào tạo từ những năm đầu thập kỷ 90. Các dự án KTCT cũng được thực hiện ở nhiều nhà máy công nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như sản xuất bánh kẹo, tinh bột, giấy, cao su...
Ở Singapo, KTCT được cụ thể hóa như là một chiến lược tối thiểu hóa phát sinh chất thải, bao gồm 8 bước: Cam kết của lãnh đạo; Lựa chọn nhóm/bộ phận làm việc về tối thiểu hóa phát sinh chất thải; Thực hiện kiểm toán chất thải; Xác định chi phí của việc giảm phát sinh chất thải; Phát triển, xây dựng các phương án giảm thiểu chất thải; Đánh giá khả năng tiết kiệm và sắp xếp ưu tiên các lựa chọn/giải pháp; Xây dựng kế hoạch giảm thiểu chất thải; Thực thi và cải tiến kế hoạch.
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược tối thiểu hóa chất thải như: Công ty TNHH Baxter Healthcare Pte, Công ty TNHH Chevron Oronite, Công ty TNHH IMM Singapo Pte, Công ty TNHH Kyoei Engineering Singapo Pte, Công ty TNHH Sony Display Device Pte, Công ty TNHH Tetra Pak Jurong Pte....

 Việt Phương
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động