Kinh doanh du lịch kiểu "ăn xổi" sẽ làm hại tài nguyên

25/09/2019 13:46 Tăng trưởng xanh
Phát triển tự phát, buông lỏng quản lý khiến tình trạng lộn xộn trong hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng hiện nay đang khá phổ biến ở các khu điểm du lịch trong cả nước.
Việt Nam được đề cử ở 6 hạng mục Giải thưởng Du lịch Thế giới Bình Thuận: Hướng tới một nền du lịch xanh, bền vững Du lịch Việt sôi động nhờ hệ sinh thái đa dạng

Ở hầu hết các địa phương, hoạt động du lịch cộng đồng đang được mở rộng nhằm thu hút các nhóm khách hàng mục tiêu mới. Cùng với đó là số lượng ngày càng tăng của những du khách đang tìm kiếm những trải nghiệm mới và thiết thực, thay vì những ngày nghỉ đơn thuần. Du khách thậm chí còn quyết tâm tìm kiếm một trải nghiệm càng lạ so với cuộc sống đời thường của họ càng tốt và muốn ghé thăm các điểm du lịch chưa hề chịu sự tác động của thời đại.

Du lịch cộng đồng nở rộ trên toàn quốc

Trên internet, các trang mạng tìm kiếm, diễn đàn du lịch trực tuyến, mạng xã hội như: youtube, google earth, facebook, twitter… đã cung cấp những hình ảnh, cái nhìn trước khi trải nghiệm, làm tăng sự thích thú và cuốn hút của du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với xu thế thế giới và thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế cộng đồng thông qua du lịch. Xây dựng và phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với những sản phẩm truyền thống là một trong những chiến lược của các tỉnh/thành trên toàn quốc nhằm thu hút khách du lịch, tạo cơ hội cho người dân địa phương có thêm thu nhập, phát triển và ổn định cuộc sống từ hoạt động dịch vụ du lịch.

kinh doanh du lich kieu an xoi se lam hai tai nguyen
Ảnh minh họa.

Thực tế hoạt động ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, có rất nhiều hoạt động nhằm phát triển du lịch mà cộng đồng có thể tham gia như: cung ứng thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, sản xuất nguyên vật liệu cần thiết cho dịch vụ du lịch, tác nghiệp tại các cơ sở du lịch, trực tiếp cung cấp dịch vụ đến du khách.

Hoạt động du lịch cộng đồng nở rộ ở hầu hết các khu, điểm du lịch trên toàn quốc, từ Sa Pa, Hạ Long, Đồ Sơn, Hương Sơn, Tràng An, Tam Cốc- Bích Động, Cửa Lò, Phong Nha, Huế, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang…; phổ biến nhất là cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, bán hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, vận chuyển khách tham quan, cung cấp dịch vụ cho du khách… Ở Tràng An (Ninh Bình) hiện nay có tới 3.000-4.000 người tham gia chèo thuyền đưa khách tham quan. Nguồn thu nhập có được từ công việc này của người dân cao hơn nhiều so với các hộ dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở Du lịch Ninh Bình, việc người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng còn giải quyết được nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề xã hội như hiện tượng di dân của người lao động, lao động trẻ bỏ quê hương lên thành phố kiếm sống…

Thay đổi mạnh mẽ nhất và điển hình nhất cho việc cộng đồng tham gia vào du lịch phải nói đến Hội An (Quảng Nam). Trước khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới (1994), Hội An chỉ có khoảng 10 hộ dân làm dịch vụ và bán hàng lưu niệm phục vụ khách tham quan, đến năm 2000, số hộ dân tham gia các dịch vụ du lịch lên đến trên 60 hộ và năm 2018 có trên 4.000 hộ dân tham gia làm du lịch. Hoạt động du lịch ở đây không chỉ tập trung vào khu vực trung tâm phố cổ Hội An mà còn phát triển ra cả khu vực xung quanh. Hội An không cần phải bàn cãi đã khẳng định là một thành phố du lịch với những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những làng nghề sống dậy, văn hóa được bảo tồn, giá đất đắt không kém gì các thành phố phát triển khác trên cả nước và quan trọng là người dân ở đây vẫn giữ được nét hồn hậu của người xứ Quảng.

Cần phải có cơ chế phân chia lợi ích rõ ràng

Các chuyên gia du lịch cho rằng, sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch ở nhiều địa phương, điểm đến du lịch nhìn chung là có sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoặc có sự tư vấn, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, sự hướng dẫn, giúp đỡ này thường chỉ ở giai đoạn đầu còn sau đó hoạt động này bị buông lỏng, thiếu sự giám sát và tư vấn. Bên cạnh đó, việc phát triển tự phát ở nhiều nơi hoặc có nơi người dân không được biết về quy hoạch, về các quy định quản lý tại các khu, điểm du lịch. Nhận thức của cộng đồng cũng chưa đầy đủ về lợi ích và nghĩa vụ khi tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Hệ thống chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng chuyển đổi nghề, tham gia vào các hoạt động du lịch còn nhiều bất cập. Cộng đồng chưa có sự hỗ trợ đầy đủ về vốn, kỹ năng, thông tin… để phát triển những dịch vụ phù hợp một cách lâu dài. Trong khi đó, hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch tại các khu, điểm du lịch còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng chung ở nhiều địa phương hiện nay là các khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng (homestay), nhà hàng trong cùng một khu vực, phục vụ cùng một loại dịch vụ, đồ ăn, thức uống nhưng giá mỗi nơi mỗi khác, phục vụ mỗi nhà một kiểu và thiếu sự đồng nhất. Có thể thấy, tình trạng lộn xộn, mỗi nơi một kiểu làm du lịch cộng đồng giống như “một rổ khoai tây, đổ ra mỗi nơi một kiểu”.

Cũng không khó để bắt gặp những nhà hàng, quán cà phê phong cách châu Âu, hoặc nhà sàn dân tộc Thái, nhà ở của dân tộc Mông ở Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình… bị bê tông hóa, không theo quy hoạch; các quán karaoke xuất hiện ở hầu hết các địa phương phát triển du lịch cộng đồng, nơi mà khách du lịch mong muốn được trải nghiệm văn hóa địa phương. Văn hóa địa phương ở một số nơi không những không được bảo tồn mà còn có nguy cơ lai tạp, mai một. Việc kinh doanh "ăn xổi", bằng mọi giá để kiếm tiền sẽ tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương, chỉ mang đến những lợi ích trước mắt cho người dân chứ không đem lại những giá trị du lịch bền vững về lâu dài và sẽ làm tổn hại đến tài nguyên du lịch.

Vì thế, cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, thu hút sự tham gia của người dân trong phát triển du lịch. Trong đó, tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch, công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch để cộng đồng dân cư chủ động tham gia. Chính quyền các cấp cần tổ chức các diễn đàn để người dân tham gia, đóng góp ý kiến cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch tên địa bàn. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của các tỉnh/ thành phố, tạo thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan; kết nối chính quyền - doanh nghiệp và người dân trong quản lý để ngày càng hoàn thiện môi trường du lịch bền vững. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân làm du lịch. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch.

Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng cơ chế phân chia lợi ích giữa các chủ thể khi tham gia du lịch. Thực tế cho thấy, nếu phát triển du lịch mà thiếu sự quan tâm đến phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, không chia sẻ lợi ích cộng đồng địa phương mà chỉ chú ý đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa để thỏa mãn nhu cầu của du khách và thu lợi nhuận cho các nhà đầu tư sẽ làm tăng mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các bên.

Theo Báo Văn hóa
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động