Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt 60 gương giáo viên trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Sau 09 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 516 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc. Đó là các thầy cô “bám bản” dạy vùng sâu, vùng xa; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những người chiến sĩ Bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; các thầy giáo, cô giáo có nhiều cải tiến, sáng tạo thành tích trong thời kỳ cả nước phòng, chống đại dịch Covid – 19; các thầy giáo, cô giáo có học sinh đạt thành tích cao trong nước và quốc tế. Các thầy cô giáo được vinh danh là những tấm gương sáng về sự sẵn sàng cống hiến không chỉ kiến thức mà còn cả tình yêu thương và sự hi sinh để mang lại tương lai tốt đẹp cho những học sinh tại các vùng khó khăn của Tổ quốc.
Năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 tuyên dương 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đang dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, huyện đảo, xã đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các thầy giáo, cô giáo giáo dục đặc biệt, giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi trên địa bàn đóng quân. Trong đó có 04 cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng; 04 giáo viên thuộc trường giáo dưỡng Bộ Công an; 6 giáo viên giáo dục đặc biệt dạy học sinh khuyết tật, 6 giáo viên thuộc xã đảo, huyện đảo, còn lại là thầy giáo, cô giáo thuộc các xã vùng III (đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ – TTg của ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương là giải thưởng do Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng hàng năm vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, dành cho các giáo viên, giảng viên có quốc tịch Việt Nam không quá 35 tuổi, đang làm công tác giảng dạy trong các trường, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà giáo trẻ tiêu biểu là những cô giáo, thầy giáo đạt nhiều thành tích cao trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, dấn thân cống hiến cho xã hội, sống gương mẫu và là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
Được phát động từ năm 2019, sau 03 lần tổ chức, đã có 286 nhà giáo được trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương. Năm nay, đã có 286 hồ sơ ứng viên nhà giáo trẻ tiêu biểu trên toàn quốc giới thiệu để Trung ương Đoàn xét chọn. Các ứng viên được giới thiệu là những tấm gương điển hình tại mỗi tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc, đã được tuyên dương cấp tỉnh. Căn cứ quy chế xét trao giải thưởng cấp Trung ương và kết quả Họp Hội đồng xét chọn, 99 nhà giáo trẻ tại các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc được Hội đồng xét chọn để vinh danh.
“Những con số này minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình, cho thấy lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề của đội ngũ nhà giáo. Các thầy cô trong hai chương trình đều là những tấm gương sáng cho lòng yêu nghề và ý chí kiên cường. Nhiều thầy cô không ngại gian khó, vượt qua những trở ngại về điều kiện sống, mang tri thức và niềm hy vọng đến cho học sinh ở những nơi còn thiếu thốn. Họ là những “người truyền lửa” thật sự, đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quý báu cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà”, anh Triết nhấn mạnh.
Cũng theo anh Triết, cả hai chương trình đã thực sự trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho không chỉ các nhà giáo hiện tại mà còn cho những thế hệ nhà giáo tương lai. Với những giá trị tinh thần và sự động viên từ xã hội, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” đã tạo ra một động lực lớn, khuyến khích những sinh viên sư phạm, những người trẻ yêu thích ngành giáo dục thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình. Các tấm gương của thầy cô được vinh danh là hình ảnh mẫu mực, truyền cảm hứng để các thế hệ nối tiếp không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách, nối tiếp truyền thống “người đưa đò” của dân tộc.
Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo và các nhà giáo trẻ đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các thầy, cô giáo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập. Các thầy cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, có cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, cô Hoàng Thị Ngọc Xuyến, Trường giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an cho biết: Công việc của chúng tôi là quản lý, giáo dục, chăm sóc đối tượng là trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ở độ tuổi còn rất nhỏ như vậy nhưng các em trước khi vào trường đã những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng,... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục các em nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng để giúp các em có những sự thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập và rèn luyện sớm trở thành những người công dân lương thiện, hữu ích cho xã hội. Các em vào trường được tham gia học tập văn hoá, lao động và hướng nghiệp dạy nghề. Với công việc giảng dạy văn hoá, hiện nay chúng tôi đang thực hiện 2 cấp học: Tiểu học và Bổ túc THCS; ngoài chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo thì chúng tôi còn tăng cường thêm giáo dục đạo đức công dân; Giáo dục kỹ năng sống; Giáo dục giới tính, tình dục và sức khoẻ sinh sản cho các em…
Còn với cô Bùi Thị Thuý, trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định chia sẻ: Là một giáo viên dạy học sinh bình thường đã khó, đối với các em học sinh khuyết tật còn khó hơn nhiều nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, coi học sinh như những người thân yêu của mình. Cô và các đồng nghiệp đã dạy các em tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp để các em có thể hoà nhập tốt hơn với xã hội, không cảm thấy tự ti, mặc cảm…
Là một nhà giáo đã 31 năm đứng trên bục giảng ở một xã đảo đặc biệt khó khăn, thầy Đặng Văn Bửu luôn chăm chỉ, hay tìm tòi, học hỏi kiến thức ở sách vở, internet, đồng nghiệp. Đặc biệt, luôn chú ý phát triển tư duy, làm tăng khả năng vận dụng kiến thức của học sinh trong các bài tập môn Lịch sử. Ngoài ra, tôi luôn cập nhật các kiến thức liên môn để truyền đạt và vun đắp thêm niềm đam mê môn Lịch sử cho các em.Tôi luôn tự nhủ mình: “Đổi mới giáo dục phải từng bước vững chắc, không được chủ quan nóng vội, nếu đốt cháy giai đoạn sẽ trả cái giá rất đắt, đôi khi là sự thất bại của cả một thế hệ học sinh. Ứng dụng công nghệ thông tin phải phù hợp với nội dung và phương pháp của từng hoạt động, không chạy theo hình thức, trình chiếu tràn lan nhưng kém hiệu quả”. Theo tôi việc kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại một cách hợp lí sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn nhưng lại tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của cho toàn xã hội.
Sau khi nghe những chia sẻ của các thầy, cô giáo được tuyên dương năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến của các thầy cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu”. Đồng thời rất ấn tượng với chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" và Giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" do Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, 2 chương trình không chỉ đúng với nhiệm vụ, trách nhiệm của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam mà còn có ý nghĩa lớn lao đối với lực lượng cán bộ, giáo viên trên tất cả các địa bàn. “Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ đó”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao Tập đoàn Thiên Long đã tài trợ và đồng hành cùng chương trình; mong muốn chương trình có sức lan tỏa mạnh mẽ, để sẽ có hàng ngàn, hàng vạn nhà giáo trẻ tiêu biểu được chia sẻ và tuyên dương.
Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 60 thầy cô giáo tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.
Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, được tổ chức trong 2 ngày 14 và 15/11/2024 tại Hà Nội, với các nội dung chính: Các thầy, cô thăm Lăng Bác, khu di tích Phủ Chủ tịch và tham quan Khu Di tích Văn Miếu, Quốc Tử Giám; Tham dự chương trình Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt động viên đoàn đại biểu các giáo viên tiêu biểu tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024; gặp mặt, giao lưu với Ban Tổ chức chương trình…
Lễ tuyên dương các giáo viên tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, sẽ diễn ra tại Nhà hát Chèo Việt Nam (số 1 P. Giang Văn Minh, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) vào tối 15/11.