Mở hộ thẻ ngân hàng bị phạt 100 triệu đồng
Vi phạm quy định về lãi suất huy động, phạt đến 100 triệu đồng Lãi suất liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh vì đâu? Ngân hàng Nhà nước: Không cho phép lợi dụng thẻ tín dụng |
Để đảm bảo hoạt động thẻ ngân hàng an toàn, Chính phủ đã bổ sung một loạt quy định xử phạt mới liên quan tới lĩnh vực này. Trong đó, nếu cá nhân, tổ chức có hành vi thuê, cho thuê, mua, bán thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng trên 10 thẻ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến tối đa 100 triệu đồng.
Các hành vi lấy cắp thông tin từ 10 thẻ ngân hàng trở lên; phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định; thanh toán thẻ khi nhận được thông báo từ chối… cũng sẽ bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng.
Trường hợp mở hộ thẻ ATM cho người khác với số lượng từ 1 đến dưới 10 thẻ sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng. Các hành vi thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền bằng thẻ… cũng bị áp dụng khung hình phạt trên.
Nghị định mới vẫn giữ nguyên mức phạt tiền 100-150 triệu đồng với các hành vi cố tình giao dịch thẻ gian lận, giả mạo, đánh cắp dữ liệu, hay lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi…
Ngoài ra, các hành vi thanh toán bù trừ giao dịch thẻ không đúng quy định; chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code… cũng bị phạt tiền từ 100 triệu đến 150 triệu đồng.
Đối với các tổ chức phát hành thẻ là ngân hàng, tổ chức tín dụng nếu không thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng ATM, POS thường xuyên sẽ bị phạt cảnh cáo. Nếu ngân hàng lắp đặt, thay đổi địa điểm, thời gian hoạt động của ATM mà không thông báo cho khách hàng và cơ quan quản lý, sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng.
Trong trường hợp ATM không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng theo quy định của pháp luật, bộ phận hỗ trợ khách hàng không duy trì hoạt động 24/24h và không giám sát mức tồn quỹ tại ATM để máy hết tiền… ngân hàng cũng sẽ bị phạt tối đa 15 triệu đồng.
Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý II/2019, các tổ chức tín dụng đã phát hành tổng cộng 164 triệu thẻ các loại gồm thẻ ghi nợ nội địa (ATM), quốc tế, thẻ tín dụng… Tuy nhiên, số thẻ thực tế phát sinh giao dịch thường xuyên chỉ vào khoảng 70 triệu thẻ, còn lại là các thẻ chết, thẻ ít khi được sử dụng.
Tại Nghị định 88, mức phạt đối với hành vi mua, bán, trao đổi ngoại tệ tại các tổ chức không được phép thu đổi đã được quy định rõ ràng hơn. Cụ thể: Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) mà tái phạm, vi phạm nhiều lần; Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương)...