Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

09/09/2024 07:58 Kinh tế, xã hội
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung nhiều giải pháp trong việc cấp tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

7 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 839 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, đạt 96,7% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký đạt 7.818 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ; có 248 DN quay trở lại thị trường, tăng 0,4% so với cùng kỳ, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động lên 1.087 DN.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất cho vay, chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Vĩnh Phúc thực hiện nhiều giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp
Tính đến ngày 31/8/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3.330 khách hàng DN vay vốn tại các tổ chức tín dụng, dư nợ đạt 55.300 tỷ đồng, tăng 4,36% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 40% tổng dư nợ.

Hiện nay, lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 6 - 6,5%/năm đối với vốn vay ngắn hạn; 9 - 10,5%/năm đối với vốn vay trung và dài hạn; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 3,5 - 4% đối với vốn vay ngắn hạn, 5 - 6,5%/năm đối với vốn vay trung, dài hạn.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát các văn bản chỉ đạo của trung ương và tỉnh về lĩnh vực ngân hàng, quyết liệt triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác tín dụng và hoạt động ngân hàng, nhất là chương trình tín dụng, lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong tiếp cận vốn.

Tập trung cấp tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ. Tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Để tăng trưởng tín dụng an toàn, đảm bảo kế hoạch, NHNN tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, công khai lãi suất trên trang điện tử của từng ngân hàng.

Đẩy mạnh kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi phù hợp với từng nhóm khách hàng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, giúp người dân, DN tiếp cận vốn ngân hàng nhanh chóng, thuận lợi.

Phấn đấu giảm lãi suất cho vay từ 1-2% nhằm hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Chủ động tuyên truyền chính sách, quy định tín dụng, chương trình tín dụng ưu đãi để khách hàng biết, thực hiện quy định và thụ hưởng chính sách.

Tính đến ngày 31/8/2024, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3.330 khách hàng DN vay vốn tại các tổ chức tín dụng, dư nợ đạt 55.300 tỷ đồng, tăng 4,36% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 40% tổng dư nợ.

Trong đó, DN Nhà nước vay 920 tỷ đồng, tăng hơn 21%; DN tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH vay 49.680 tỷ đồng, tăng hơn 3%; DN FDI vay 4.700 tỷ đồng, tăng 17,2%.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, hệ thống tổ chức tín dụng cho vay mới 700 DN, doanh số đạt 3.000 tỷ đồng. Đã có 2.900 khách hàng DNNVV đang vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ cho vay đạt 28.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% dư nợ cho vay DN.

Thời gian tới, NHNN tỉnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, nắm bắt thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận vốn tín dụng trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Trong đó, tập trung chỉ đạo, giám sát tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, DN; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình mục tiêu quốc gia; chủ động phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hoạt động kết nối ngân hàng - DN.

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chủ động rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.

Bên cạnh sự hỗ trợ của toàn hệ thống ngân hàng, các DN cần chủ động nâng cao năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp năng lực để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xem xét cho vay phù hợp với tình hình hoạt động và nhu cầu của DN.

Theo các DN, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng cần tăng tỷ lệ tín chấp, xem xét điều kiện tín dụng sát với điều kiện của các DN.

Cùng với đó, nới thời hạn vay vốn, tạo điều kiện giải ngân online, điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ DN và nâng mức cho vay đối với các tài sản do DN thuê lại... giúp các DN từng bước ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động