Mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa

31/05/2023 14:29 Quản lý nguồn thải
Hơn 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nhiều Hiệp hội, doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đưa ra nhiều phương án thu gom tái chế rác thải, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn.
Mỗi năm, cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa
Nhiều sản phẩm làm từ nhựa tái chế của Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân được trưng bày tại buổi lễ - Ảnh: LƯU DUYÊN
Ngày 26-5, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 2 năm thành lập hiệp hội. Đồng thời tổ chức buổi tọa đàm về các phương pháp tái chế rác thải nhựa và phân loại rác tại nhà.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa. Việt Nam đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm.

Trong khi đó, tại TP.HCM nhu cầu sử dụng sản phẩm từ nhựa rất lớn (đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần), trong khi hiện nay việc thu gom và tái chế vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Nhằm kiểm soát rác thải nhựa, các hiệp hội, doanh nghiệp, công ty đã đưa ra nhiều chương trình, giải pháp để giảm lượng rác thải nhựa tại TP.HCM.

Một dự án tiêu biểu là "Xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn", do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO) triển khai.

Mục tiêu của dự án là thiết lập mạng lưới thu gom chất thải tái chế, giảm khối lượng chất thải nhựa nói riêng và các loại chất thải khác đến các bãi chôn lấp.

Sau hơn một năm thực hiện, chương trình đã kết nối được với 10 doanh nghiệp trong các mảng tái chế nhựa, tái chế giấy, tái chế laminate (loại vật liệu nhựa tổng hợp cao cấp)...

Sản phẩm thứ hai được ghi nhận là nền tảng quản lý và thu mua rác thải GRAC với hơn 1 triệu người dùng.

Phần mềm có nhiều tiện ích cho người dùng như thanh toán tiền rác online, theo dõi lịch trình thu, vị trí phương tiện thu gom, mạng lưới ve chai công nghệ, trao đổi đồ cũ, hướng dẫn thực hiện phân loại rác, gửi phản ánh vệ sinh môi trường.

Hiện, GRAC đã liên kết quản lý rác với quận 5, Gò Vấp, Tân Bình với 500 xe rác dân lập.

Thứ ba, các công ty tái chế chất thải nhựa với mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại buổi lễ, nhiều công ty thu gom, sản xuất hạt nhựa, đồ nhựa, túi ni lông... đưa ra các sản phẩm, kế hoạch triển khai phát triển trong lĩnh vực nhựa tái chế tại TP.HCM.

Nổi bật là mô hình sản xuất túi nhựa từ tinh bột mì (bột bắp, bột mì). Với công nghệ xử lý rác thải tại TP.HCM chủ yếu là chôn lấp, túi nhựa sinh học sẽ phân hủy 100%.

Ngoài ra, Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân năm 2022 đã thu gom và tái sinh hơn 1,3 tỉ chai nhựa. Với công suất hiện tại xử lý 30.000 tấn nhựa tái chế/năm, hiện công ty đang lên kế hoạch tăng công suất lên 60.000 tấn nhựa tái chế/năm.

Theo ông Hứa Phú Doãn - phó chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam - chia sẻ, đứng trước thực trạng như tỉ lệ thu gom, phân loại tại nguồn chưa cao, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh môi trường thì việc thúc đẩy phát triển các chương trình tái chế rác thải nhựa và phân loại rác tại nhà là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Ngoài thành lập hiệp hội, kết nối các công ty, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình tái chế rác thải nhựa, trong năm 2023, hiệp hội sẽ triển khai các chương trình tái chế tại cộng đồng như trường học, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Đồng thời, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên trong mảng tái chế.

30 tỉ túi ni lông thải ra mỗi năm ở Việt Nam

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức hội thảo về công nghệ tái chế phế liệu nhựa để sản xuất hạt nhựa tái sinh.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - đã chia sẻ về những lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn trong việc giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam.

Theo đó, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Đặc biệt, việc tái chế và tái sử dụng chất thải nhựa giúp giảm sự tiêu thụ nguyên liệu mới, giảm lượng rác thải và tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, mô hình này còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực tái chế và tái sử dụng, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Lưu Duyên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động