Tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu:

Nâng cao năng lực, hỗ trợ tốt hơn cho hệ thống QTDND

14/11/2020 14:32 Tăng trưởng xanh
Sau 3 năm tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có thể khẳng định đến nay Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã hoàn thành cơ bản tiến trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo “Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020” mà Thống đốc NHNN Việt Nam đã phê duyệt. Qua đó, đã giúp Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam nâng cao năng lực để thực hiện tốt vai trò Ngân hàng của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), góp phần hỗ trợ hệ thống QTDND phát triển an toàn, hiệu quả.
Nâng cao vị thế cho Qũy tín dụng nhân dân qua cung ứng dịch vụ

Triển khai thực hiện Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xây dựng Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 (Đề án) và đã được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 03/QĐ-NHNN ngày 08/01/2018. Ngay sau đó, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 194/2018/KH-NHHT ngày 07/02/2018 Kế hoạch triển khai các giải pháp cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, trong đó, thành lập Ban chỉ đạo và các Đoàn công tác tại Trụ sở chính và Chi nhánh, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị để quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện trong toàn hệ thống Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Đến nay, sau 3 năm triển khai thực hiện, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Bộ máy tổ chức của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam được tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ điều hòa vốn, hỗ trợ hoạt động cho hệ thống QTDND. Hệ thống các quy chế, quy định nội bộ phục vụ cho công tác quản trị, điều hành thường xuyên được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện. Đặc biệt, đã chỉnh sửa, ban hành các quy định, quy trình nghiệp vụ phục vụ việc triển khai các chức trách, nhiệm vụ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với QTDND thành viên, như: Quy chế điều hòa vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đối với QTDND; Quy định về việc cho vay hợp vốn của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và QTDND; Giám sát từ xa và quy trình cho vay, kiểm tra sử dụng vốn vay của QTDND; Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; nghiên cứu xây dựng, thiết kế, in ấn, phát hành mẫu sổ tiết kiệm trắng và xây dựng, ban hành Quy định về cung cấp sổ tiết kiệm trắng cho QTDND theo quy định…

Trong 9 tháng đầu năm, tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam thu hồi được là 117,5 tỷ đồng (bao gồm nợ cơ cấu, nợ xấu nội bảng, nợ đã xử lý rủi ro, nợ đã bán cho VAMC). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến 30/09/2020 là 1,67%. Kết quả này của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sau 3 năm chủ động, tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp Chi nhánh đến Trụ sở chính, có thể khẳng định, đến nay Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã hoàn thành cơ bản tiến trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu theo “Đề án cơ cấu lại Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020” mà Thống đốc NHNN Việt Nam đã phê duyệt.
nang cao nang luc ho tro tot hon cho he thong qtdnd
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.

Thời gian qua Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã chú trọng mở rộng mạng lưới hoạt động, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, địa bàn kinh tế nhiều khó khăn. Được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN, năm 2018 Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam có thêm 05 Chi nhánh đi vào hoạt động; Năm 2019, khai trương hoạt động 04 Phòng giao dịch; Hiện đang tiếp tục triển khai thủ tục thành lập thêm 05 Phòng giao dịch.

Tính đến 30/9/2020, toàn hệ thống đã có 32 Chi nhánh, 67 Phòng giao dịch với tổng nguồn vốn hơn 42.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 21.000 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều hòa vốn cho gần 1.200 QTDND tại 57/63 tỉnh, thành phố với tổng nguồn vốn hơn 130.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 94.000 tỷ đồng, phục vụ khoảng 1,6 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cũng rất chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, nhất là nâng cao chất lượng tín dụng nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính. Thông qua việc triển khai đồng bộ một loạt các giải pháp nâng cao chất lượng cho vay, hạn chế rủi ro và ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh kết hợp với tăng cường chủ động xử lý nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro, nợ bán cho VAMC. Trong đó, việc làm đầu tiên quan trọng nhất là hoàn thiện các cơ chế chính sách trong hoạt động tín dụng đối với các QTDND và các khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân đảm bảo đúng quy định; thiết lập được các chốt kiểm soát chéo để ngăn ngừa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng cho vay và tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ nghiệp vụ. Đồng thời, tích cực triển khai hàng loạt các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, thực hiện nghiêm túc các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý rủi ro đối với những khoản nợ xấu khó có khả năng thu hồi... Với sự triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống, nợ xấu của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam đã được kiểm soát ở mức an toàn và trong giai đoạn 2018-2020, tỷ lệ nợ xấu được duy trì dưới 2% so với tổng dư nợ.

NGÂN HÀNG HỢP TÁC XÃ VIỆT NAM tiền thân là QTDND Trung ương được thành lập ngày 05/08/1995 và năm 2013 được chuyển đổi sang thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam theo giấy phép số 166/GP-NHNN ngày 04/06/2013 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là “Ngân hàng” của tất cả các QTDND, thành lập theo quy định của Luật các TCTD nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND, ngoài ra Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam còn cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hiện có Trụ sở chính tại Tầng 4 – Tòa nhà N04 – Hoàng Đạo Thúy – P. Trung Hoà – Q. Cầu Giấy – Hà Nội với 32 Chi nhánh, 70 Phòng giao dịch. Hiện cả nước có gần 1.200 QTDND thành viên ở các xã, phường, là các pháp nhân độc lập trong một hệ thống liên kết, được NHNN cấp phép, quản lý và thanh tra, giám sát chặt chẽ.
D. Phấn
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động