Bình Phước:

Nguy cơ mất cân bằng môi trường từ xây dựng, hoạt động của khu nghỉ dưỡng sinh thái không phép ven bờ Sông Bé

09/09/2024 14:13 Tác động môi trường
"Khu nghỉ dưỡng sinh thái Trân Châu" có quy mô lớn với các công trình được xây dựng kiên cố trên đất nông nghiệp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, thế nhưng nó vẫn tồn tại và ngày càng được mở rộng. Những tác động đến môi trường từ xây dựng và hoạt động hằng ngày của dự án liệu có được đánh giá, bên cạnh đó, việc sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp cũng bị dự án này "xâm lấn", và chắc chắn rằng, sẽ không bao giờ khôi phục được đất nông nghiệp như tình trạng ban đầu.
Bình Phước: Nguy cơ mất cân bằng môi trường do xây dựng hạ tầng một “dự án” không phép tại bờ Sông Bé
“Khu nghỉ dưỡng sinh thái Trân Châu” xây dựng tại khu vực Cầu Nha Bích dọc bờ Sông Bé thuộc xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn của UBND thị xã Chơn Thành, Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Trân Châu của Công ty TNHH nghỉ dưỡng sinh thái Trân Châu (Bên bờ Sông Bé tại Ấp 4, xã Minh Lập) do ông Đặng Ngọc Tuân là chủ sử dụng đất với tổng diện tích 30.230,7m2 đất trồng cây lâu năm. “Dự án” này đã khởi công xây dựng nhiều hạng mục công trình: Tường rào, đường nội bộ, đường bê tông, nhà gỗ, sân vườn... nằm ngay hành lang bờ Sông Bé mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Ngày 11/7/2023, UBND thị xã Chơn Thành ban hành Quyết định số 110/QĐ-UBND xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đặng Ngọc Tuân đối với hành vi vi phạm “làm đường nhựa (kết cấu nhựa nóng, dày 5cm) chiều dài 750m, chiều rộng 4m với diện tích 3.000m2 xung quanh các thửa đất và dựng 01 nhà gỗ (kết cấu: nền gạch, mái ngói) chiều dài 27m, chiều rộng 12m với diện tích là 324m2 năm 2022 trên đất trồng cây lâu năm mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép, với tổng diện tích là 3.324m2 (0,3324 héc ta)”. Hình thức xử phạt chính là phạt tiền với số tiền 22.500.000 đồng, kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả: buộc ông Đặng Ngọc Tuân phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Việc tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất xây dựng có thể gây nhiều tác động đến môi trường, quá trình xây dựng phát sinh chất thải như vật liệu thừa và nhựa không được xử lý đúng cách, dẫn đến ô nhiễm đất, làm thay đổi dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước, làm mất cân bằng độ bền của bờ sông; hơn nữa, bụi và khí thải từ thi công có thể gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Một dự án với quy mô khá lớn với nhiều hạng mục công trình kiên cố được xây dựng ngay trên đất nông nghiệp, dự án vẫn tồn tại và được mở rộng khi có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm vẫn chưa được thực thi.

Tác động đến môi trường và môi sinh nơi đây là rõ nét, để đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, Tạp chí Công nghiệp môi trường đề nghị UBND thị xã Chơn Thành cần quyết liệt hơn trong hoạt động giám sát, thực thi các quyết định đã ban hành, và cần thiết hơn nữa, hãy trả lại cho tự nhiên, cho Sông Bé những phần đất, hệ sinh thái vốn thuộc về chính nó.

Thanh Hà
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động