Nhận chìm vật chất nạo vét không phải là đổ thải xuống biển

23/11/2018 21:04 Tác động môi trường
Trước hết cần khẳng định, hoạt động nhận chìm vật chất nạo vét ở biển không phải là hoạt động đổ chất thải từ quá trình sản xuất, sinh hoạt ra biển. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều quốc gia trên thế giới có hoạt động nhận chìm vật chất nạo vét ở biển. Dù vậy, nguyên tắc quan trọng nhất trong việc nhận chìm vẫn phải phải đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Nhận chìm vật chất nạo vét không phải là đổ thải xuống biển


Hình minh họa

Vì sao có thể nhận chìm chất nạo vét?
Vật chất nạo vét được phát sinh từ 2 nguồn chính là xây dựng mới cảng và các tuyến luồng hàng hải và nạo vét duy tu cảng và tuyến luồng hàng hải. Vật chất nạo vét thường là bùn, cát, đá… đáy sông, đáy biển.
Với vật chất nạo vét từ đáy sông, thường là cát nước ngọt dễ tận dụng làm vật liệu xây dựng và trên thực tế, nhu cầu đối với loại vật liệu xây dựng này là cao. Vì thế chủ dự án thường không nhận chìm.
Việc tận dụng loại vật chất nạo vét từ biển gồm cát, bùn, đá… đáy biển thì thường có 3 giải pháp chính: San lấp, xuất khẩu hoặc nhận chìm ở biển. Hiện Chính phủ Việt Nam chủ trương không xuất khẩu vật chất nạo vét (cát mặn) ra nước ngoài nên 2 giải pháp khả thi là san lấp và nhận chìm.
Trên thực tế, việc tận dụng vật chất nạo vét từ biển để san lấp mặt bằng cũng có thể gây ra các tác động môi trường đáng kể, đặc biệt là gây nhiễm mặn đất và nước dưới đất. Do vậy loại vật chất này chỉ nên được sử dụng để san lấp mặt bằng lấn biển.Với các dự án không tìm được vị trí phù hợp để san lấp mặt bằng lấn biển, và trong khi chủ trương chung của Chính phủ không cho phép xuất khẩu vật chất nạo vét ra nước ngoài, thì giải pháp nhận chìm vật chất nạo vét ở biển được coi là khả thi nhất.
Thực chất, nhận chìm vật chất nạo vét là việc vận chuyển và đổ vật chất nạo vét ở đáy biển (bùn, cát và các loại vật chất khác) từ vị trí này sang vị trí khác ở biển, không phải là đổ chất thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người ra biển.
Luật biển quốc tế, Công ước London luôn quan niệm các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và khuyến cáo các nước cố gắng xem xét tái sử dụng tài nguyên này. Tuy nhiên, không phải vật, chất nào cũng được nhận chìm xuống biển cũng như không phải khu vực nào trên biển cũng cho phép nhận chìm. Vật, chất cần được đánh giá kỹ lưỡng và cấp giấy phép trước khi nhận chìm. Việc đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động này dựa trên việc đánh giá thành phần, tính chất của vật chất nhận chìm; Đánh giá việc phát tán vật chất trong quá trình nhận chìm và xác định phạm vi bị ảnh hưởng bởi hoạt động nhận chìm; Đánh giá tác động của việc nhận chìm đến chất lượng nước biển; đa dạng sinh học; tiềm năng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.
Khi đổ vật chất nạo vét ra biển chủ đầu tư phải khảo sát thăm dò vị trí đủ độ sâu tốt nhất là >50m và hệ sinh thái ở đây kém đa dạng sinh học nhất và nằm ngoài vùng bảo tồn, không có các loài quý hiếm cần bảo vệ… và trong quá trình thực hiện người ta phải quan trắc thực tế trên thực địa ảnh hưởng.
Nhận chìm là một phương pháp được thế giới công nhận
Cách đây hơn 40 năm, nhận chìm đã được thực hiện ở nhiều vùng biển trên thế giới. Theo Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), từ năm 1973 đến năm 2010 có 44 quốc gia đã cho phép nhận chìm khoảng 30 tỷ tấn vật chất từ hoạt động nạo vét xuống biển. Tổng khối lượng vật chất từ hoạt động nạo vét nhận chìm xuống biển trong thời gian nêu trên có xu hướng tăng dần, từ 100 triệu tấn/năm (năm 1972) đã tăng lên 800 triệu tấn/năm (năm 2010). Trong năm 2012, Trung Quốc đã cho phép nhận chìm xuống biển khoảng 246 triệu tấn vật, chất từ hoạt động nạo vét (trong đó có khoảng 59,5 triệu tấn xuống Biển Đông); Hoa Kỳ khoảng 55 triệu tấn; Hà Lan khoảng 25 triệu tấn; Anh khoảng 13 triệu tấn. Cũng theo IMO, khối lượng chất nạo vét được cấp phép nhận chìm ở biển chiếm 80-90% khối lượng vật, chất được phép nhận chìm ở biển.
Báo cáo đánh giá đại dương thế giới lần 1 do Liên Hợp quốc ban hành năm 2016 cũng cho thấy, năm 2012 các nước trên thế giới đã nhận chìm khoảng 800 đến 1 tỷ tấn vật chất nạo vét (tính theo khối lượng khô).
Việt Nam bước đầu xây dựng thể chế quản lý việc nhận chìm vật chất
Ở Việt Nam, chỉ khi Luật Biển Việt Nam (2012 Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo (2015) được ban hành, việc nhận chìm vật chất xuống biển mới được luật hóa và chính thức được xem là một phương pháp giải quyết các chất nạo vét mà pháp luật công nhận.
Tiếp đó, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề nhận chìm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, để được thực hiện việc nhận chìm vật chất ở biển, Chủ dự án phải thực hiện 03 thủ tục, bao gồm. Một là, dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (trong đó có phần nhận chìm). Hai là dự án được cấp phép nhận chìm. Ba là, dự án được giao khu vực biển. Trong đó vấn đề quan trọng nhất và tiên quyết là phải xác định được vị trí nhận chìm ngoài khơi theo thỏa thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Bộ TN&MT khuyến khích sử dụng chất nạo vét để san lấp
Trên quan điểm phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc tận dụng vật chất nạo vét ở biển cho mục đích san lấp mặt bằng lấn biển là phù hợp với cả 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến khích các dự án có vật chất nạo vét tận dụng tối đa cho các mục đích này. Tuy nhiên, khi không có phương án khả thi về việc tận dụng vật chất nạo vét thì phải tính đến phương án nhận chìm. Nhận chìm phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Vật chất nhận chìm phải có thành phần cơ lý, hóa học của vật chất nạo vét phải phù hợp; không chứa các thành phần nguy hại; không chứa chất phóng xạ. Vị trí nhận chìm và các khu vực bị ảnh hưởng không có các hệ sinh thái nhạy cảm (như san hô, cỏ biển), đa dạng sinh học thấp.
Việc tính toán mô hình lan truyền, phát tán vật chất trong quá trình nhận chìm phải thực sự tin cậy, có căn cứ khoa học trên cơ sở điều kiện thủy động lực học và các điều kiện cụ thể khác của vị trí nhận chìm.
Công nghệ nhận chìm phải tiên tiến, hiện đại, đảm bảo vật chất nhận chìm không phát tán xa; trường hợp cần thiết phải có lưới chuyên dụng theo hướng phát tán chính để ngăn ngừa việc phát tán vật chất nhận chìm.
Các bên liên quan phải thực thi nghiêm túc việc giám sát các tàu vận chuyển và nhận chìm vật chất; giám sát chặt chẽ chất lượng nước biển và động vật đáy của khu vực xung quanh vị trí nhận chìm trong thời gian diễn ra hoạt động nhận chìm.

 Monre
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động