Nông dân Hải Dương góp phần bảo vệ môi trường

23/10/2023 09:23 Địa phương
Công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh Hải Dương luôn được hội viên và các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực thực hiện, một số mô hình về bảo vệ môi trường đang lan tỏa mạnh mẽ, xóm làng, khu phố không ngừng sáng - xanh - sạch đẹp.
Nông dân Hải Dương góp phần bảo vệ môi trường
Cán bộ tập huấn cho hội viên về thu gom, phân loại, xử lý rác thành phân

Chú trọng xây dựng các mô hình điểm

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề bảo vệ môi trường, từ năm 2020, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã chỉ đạo lựa chọn, xây dựng 13 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” tại 13 xã, phường, thị trấn. Mỗi mô hình đều có quyết định thành lập, có quy chế và kế hoạch hoạt động cụ thể theo tháng, quý, năm; tổ chức hội nghị triển khai ra mắt mô hình; triển khai ký cam kết với các hộ tham gia thực hiện. Khi đi vào thực hiện, bên cạnh việc tuyên truyền về vai trò của môi trường và tính tất yếu phải bảo vệ môi trường, lợi ích của việc phân loại, xử lý rác tại nhà, Hội còn hướng dẫn các hộ dân cách nhận biết rác hữu cơ, vô cơ, rác tái chế,…; hướng dẫn các hộ thực hiện đúng quy trình xử lý rác thành phân bón, tận dụng nước (nước rỉ) tưới cho cây,.. Ngoài ra, HND tỉnh còn hỗ trợ các mô hình với tổng số 660 thùng composit (dung tích từ 120 – 160 lít/thùng); cấp 1.320 kg men vi sinh dùng để ủ rác hữu cơ, 320 đôi găng tay cao su, 270 chiếc xẻng mini,… Hiên nay, các cấp Hội đã xây dựng 39 mô hình “Nông dân thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình” tại 39 cơ sở Hội.

Mô hình “cánh dồng không rác thải” là một mô hình có hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ môi trường cũng được HND tỉnh Hải Dương tích cực triển khai. Hiện nay, toàn tỉnh đã có 81 mô hinh “cánh đồng không rác thải” được triển khai tại 81 thôn trong tỉnh. Trên những cánh đồng triển khai mô hình đều được xây dựng các bể chứa rác thải bao bì thuốc trừ sâu bằng bê tông rất kiên cố; tại cánh đồng thực hiện mô hình còn dựng biển nhằm tuyên truyền, nhắc nhở mọi người thực hiện tốt hơn. Trong mỗi đợt phun thuốc trừ sâu hay bón phân chăm sóc cây trồng, các hội viên nông dân đều thực hiện nghiêm việc để bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định; ngoài ra, các hội viên còn định kỳ thực hiện việc thu gom rác bị vương vãi trên cánh đồng.

Tích cực lan tỏa các mô hình

Chí Linh (Hải Dương) là một thành phố non trẻ nên vấn đề phát triển kinh tế, vấn đề bảo vệ môi trường luôn được cả Hệ thống chính trị trên địa bàn quan tâm thực hiện. Trong đó, HND thành phố thường xuyên phát động các hội viên nông dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường; tích cực tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ phố vào các chủ nhật của tuần thứ hai và tuần thứ tư hàng tháng. Mô hình “cánh đồng không rác thải” đã được HND thành phố triển khai mạnh mẽ xuống các cơ sở Hội. Tới nay, toàn thành phố đang duy trì 19 mô hình cánh đồng không rác thải. Ghé thăm một cánh đồng tại phường Chí Minh, chúng tôi nhìn thấy hoạt động thu gom rác thải định kỳ của nông dân trên địa bàn đang diễn ra, các hội viên cần mẫn thu gom những túi, chai thuốc bảo vệ thực vật còn rơi trên cánh đồng để vào nơi quy định. Quả thực, cánh đồng khá sạch, phóng tầm mắt, thấy cánh đồng chỉ có 02 màu (màu của cỏ và màu của cây trồng), nhìn cánh đồng sạch, đẹp tựa những bức tranh.

Nông dân Hải Dương góp phần bảo vệ môi trường
Mô hình "Cánh đồng không rác thải" (Phường Chí Minh, TP Chí Linh, Hải Dương)

Hội Nông dân huyện Gia Lộc có 18 cơ sở Hội với 35.000 hội viên sinh hoạt tại 107 chi hội, những năm qua, HND Gia lộc luôn là lá cờ đầu trong công tác Hội và phong trào nông dân của tỉnh Hải Dương. Công tác bảo vệ môi trường cũng được hội viên và các cấp Hội tích cực triển khai, nhiều mô hình là điểm sáng để các địa phương trong và ngoài huyện tới học tập, trao đổi. Một trong những mô hình đáng biểu dương chính là mô hình “Nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình”. Từ năm 2020, HND huyện đã tiếp nhận Chương trình “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” của HND tỉnh với 40 hộ thực hiện tại Khu dân cư Ngà (thị trấn Gia Lộc); tiếp nhận của TW Hội Nông dân Việt Nam với 180 hộ được triển khai tại xã Đoàn Thượng. Đến nay, có 18/18 xã, thị trấn thực hiện mô hình điểm về “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình” với trên 5.000 hộ tham gia; Chương trình đã hỗ trợ trên 10.000 thùng chứa dùng để xử lý rác, trên 3.000 kg men chế phẩm. Ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cơ sở Hội chủ động báo cáo với cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân đẩy mạnh việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình, nhờ đó sức lan tỏa của mô hình đã phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo sơ bộ, toàn huyện hiện có khoảng 26% hộ gia đình thực hiện, một số cơ sở Hội triển khai tiêu biểu như: xã Quang Minh, Thống Nhất, Phạm Trấn, Tân Tiến …

Nông dân Hải Dương góp phần bảo vệ môi trường
Người dân huyện Gia Lộc phân loại, xử lý rác hữu cơ tại gia đình

Bên cạnh đó, HND huyện còn chỉ đạo 18/18 xã, thị trấn xây dựng mô hình “Cánh đồng không rác thải” với 25 mô hình, dự kiến hết năm 2023 đạt 30 mô hình, khoảng 850 thành viên. Ngoài ra, HND huyện còn xây dựng 04 mô hình điểm về "Nông dân thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định và nói không với đốt rơm rạ sau thu hoạch” với 130 thành viên tham gia.

Cần thêm những giải pháp

Để công tác bảo vệ môi trường được lan tỏa mạnh mẽ, đi vào nề nếp, bên cạnh sự cố gắng của hội viên, các cấp HND trong tỉnh, thiết nghĩ, Hải Dương cần sớm thúc đẩy thêm một số giải pháp như:

Một là: Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền các chỉ tiêu mà Đại hội Hội Nông dân tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã đề ra, giúp hội viên, các cấp hội thấu hiểu để thực hiện.

Hai là: Chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở cần quan tâm thêm trong việc triển khai các mô hình phân loại rác và xử lý tại hộ gia đình; đồng thời hỗ trợ công cụ, dụng cụ để việc thực hiện mô hình được triển khai sâu rộng hơn.

Ba là: Công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa. nhất là việc triển khai trong khối nhà trường (ở các buổi ngoại khóa) để các chủ nhân trong tương lai sớm hình thành nề nếp, thói quen, ý thức,…

Bốn là: Nêu cao vai trò của người làm nhiệm vụ thu gom, rác đã phân loại phải xây dựng kế hoạch thu gom riêng; tránh lãng phí công phân loại, ý thức chấp hành, tinh thần tốt đẹp của người dân.

….

Nếu tiếp tục phát huy tốt những thành quả đã đạt được, tin rằng, thời gian tới, các mô hình trong công tác bảo vệ môi trường của HND tỉnh Hải Dương sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đưa chất lượng cuộc sống xanh – sạch của người dân trong tình không ngừng nâng cao.

Đình Hợi
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động