Phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu trong của huyện hướng đến xây dựng huyện Hải Hà xanh - sạch - đẹp |
Phát triển kinh tế bền vững
Ngay từ đầu năm 2024, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả phát triển kinh tế đối với từng khu vực kinh tế của địa phương.
Đối với khu vực công nghiệp - xây dựng, huyện thường xuyên nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đối với những công trình khởi công đã được giao vốn, đặc biệt là các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung cao độ, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm, các dự án mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.
Đối với khu vực du lịch - dịch vụ, huyện tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện chủ động nắm bắt các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại Cửa khẩu Bắc Phong Sinh để kịp thời có các giải pháp tháo gỡ, đảm bảo thông quan an toàn, nhanh chóng cho doanh nghiệp. Riêng đối với khu vực nông - lâm - thủy sản, huyện đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và thúc đẩy chuyển đổi phương thức sản xuất, thương mại trong ngành nông nghiệp.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 đã đề ra, huyện đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công. Trong đó, rà soát nắm chắc tất cả các nguồn thu, xây dựng phương án đồng bộ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời…; quản lý chặt chẽ các khoản thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tuyệt đối không để lãng phí, tiêu cực, trục lợi, thất thoát ngân sách nhà nước trong quản lý đất đai. Đồng thời thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2024; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tập trung nguồn lực vào các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trong đó huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại; triển khai xây dựng các Đề án: Hạ tầng giao thông nông thôn; nước sạch nông thôn; nâng cấp các trường học đạt chuẩn; xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa thôn, bản, khu phố; hoàn thành Đề án nâng cấp chất lượng đồng bộ đô thị thị trấn Quảng Hà.
Song song với đó, huyện tập trung nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng y tế; tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, xây dựng văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh.
Huyện Hải Hà đã và đang tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với chuyển đổi số toàn diện. Nhiệm vụ này được xác định là đột phá chiến lược, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường
Với quan điểm lấy bảo vệ môi trường (BVMT) sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, huyện nâng cao vai trò của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn trong công tác quản lý bảo vệ môi trường. Huyện phân công rõ trách nhiệm các phòng ban chuyên môn, UBND các xã thị trấn và lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT; chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.
Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường tới nhân dân, các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, để mọi người có ý thức rõ ràng, đầy đủ về trách nhiệm đối với nhiệm vụ tăng trưởng xanh bền vững. Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy thực hiện giám sát và phản biện xã hội trong công tác bảo vệ môi trường; tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình bảo vệ môi trường, thu hút 3.326 thành viên tham gia, như: “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Dùng làn đi chợ”, “Biến rác thành tiền”, “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Đoạn đường do phụ nữ quản lý”... Hội phụ nữ các cơ sở tích cực tuyên truyền vận động các hộ thực hiện phân loại rác thải tại gia đình; phong trào “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon; không thải chất thải ra môi trường”; mô hình “Biến rác thành tiền”...
Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,88%, trong đó tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước tập trung đạt 56,62%, tỷ lệ sử dụng từ công trình cấp nước nhỏ lẻ đạt 43,26%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN 01-1:2018/BYT đạt 72,85%, tăng 5,5% so với cuối năm 2023, vượt 2,85% so với kế hoạch năm 2024; thực hiện tốt việc thu gom xử lý rác thải, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn tại thị trấn Quảng Hà và xã đảo Cái Chiên đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý đạt 100%.
Xây dựng tuyến đường nông thôn kiểu mẫu tại các đơn vị trong Huyện |
Đối với KCN Cảng biển Hải Hà, huyện yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư thứ cấp đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động dự án. Riêng về nước thải, chủ đầu tư hạ tầng KCN đã đầu tư trạm quan trắc tự động để quan trắc các thông số môi trường đặc trưng, như: Lưu lượng đầu ra, pH, nhiệt độ, COD, TSS, amoni, độ màu... kết nối trực tiếp với hệ thống quản lý của ngành chức năng. Các đơn vị trong KCN chỉ đi vào hoạt động chính thức khi đã có công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải được nghiệm thu, đáp ứng các quy chuẩn môi trường hiện hành, được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động xả thải. Căn cứ những quy định này, các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải phát sinh tại đây.
Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Cảng biển Hải Hà |
Huyện tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Từ năm 2018 đến nay huyện đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 21 trường hợp; phối hợp với các sở, ban ngành lập biên bản trình UBND tỉnh xử lý 5 trường hợp...
Tin mới
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.