Phát triển ngành Công nghiệp môi trường và những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam

12/07/2023 00:00 Phát triển ngành CNMT
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng liên tục, tạo áp lực lớn lên môi trường thì công nghiệp môi trường là ngành được quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Ngành Công nghiệp môi trường cũng có nhiều đóng góp vào thành công chung cho nền kinh tế của đất nước.

Để phát triển công nghiệp môi trường theo Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, Chính phủ đã ban hành danh mục công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở để Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố, thảm họa môi trường. Bên cạnh đó, việc phát triển ngành Công nghiệp môi trường cũng tạo cơ sở, cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực ngân sách hỗ trợ các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường trong thời gian tới.

Phát triển ngành Công nghiệp môi trường và những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam
Phát triển ngành Công nghiệp môi trường sẽ đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định hơn

Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào triển khai, ngành Công nghiệp môi trườngđã định hình rõ ràng hơn trong hệ thống các ngành kinh tế của Việt Nam. Ngành Công nghiệp môi trường trước hết là một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường; dịch vụ công nghiệp môi trường (thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải; quan trắc, phân tích…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường.

Có thể nhận thấy, ngay từ khi được Luật hoá, cũng như được khuyến khích của Chính phủ thông qua Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, ngành Công nghiệp môi trường đã tiếp cận đến tất cả các địa phương trong cả nước và được biết đến nhiều hơn trong các lĩnh vực về công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp nhằm giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đã nhìn nhận đươc lợi ích trong nghiên cứu, sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn, thiết bị xử lý khí thải v.v... Các địa phương cũng đã hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất công nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường thông qua chương trình khuyến công.

Bên cạnh đó, dịch vụ công nghiệp môi trường cũng đã gần như được các địa phương chú trọng hơn. Giai đoạn vừa qua, dịch vụ môi trường đa phần được biết đến qua các hợp đồng dịch vụ thuê, mướn xử lý chất thải, nước thải. Các dịch vụ phát triển cơ sở hạ tầng (các nhà máy tái chế, nhà máy chế biến, xử lý chất thải) còn ở mức hạn chế. Tuy nhiên, giá trị mà dịch vụ công nghiệp môi trường đem lại cho nền kinh tế là hết sức to lớn. Thay vì bỏ nguồn kinh phí vô cùng lớn để đầu tư bảo vệ môi trường, các địa phương đã chủ động kêu gọi đầu tư, nhận các hỗ trợ thông qua các dự án môi trường cũng như tổ chức lại các doanh nghiệp dịch vụ môi trường. Đây cũng là một hoạt động đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế cho địa phương, đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế đất nước.

Các hoạt động dịch vụ như: Quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; Cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; Tư vấn, chuyển giao công nghệ (công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo); Tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin (về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng); Giám định về môi trường (đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ); Giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người đã dần định hình và có những bước phát triển đáng ghi nhận.

Song song với đó, việc sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường cũng đã được quan tâm và đem lại hiệu quả to lớn, đóng góp vào kinh tế của đất nước. Các nhà máy nhiệt điện than, hóa chất và phân bón đã cơ bản đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua Đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón được Bộ Công Thương ban hành tại Quyết định 2056/QĐ-BCT ngày 14 tháng 6 năm 2018 quy định mẫu; Quyết định số 1818/QĐ-BCT ngày 20 tháng 7 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng làm cơ sở triển khai thống nhất, đồng bộ các giải pháp giúp các nhà máy tháo gỡ vướng mắc, tăng cường tiêu thụ tro, xỉ. Chính từ các nỗ lực đến từ phía Chính phủ đã thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghiệp môi trường cũng như tạo ra các sản phẩm hàng hoá thân thiện với môi trường, mang lại cho doanh nghiệp nhiều phương án chọn lựa hơn, phù hợp với kinh tế của mỗi doanh nghiệp.

Bên cạnh việc tạo ra các giá trị về kinh tế, phát triển ngành Công nghiệp môi trường cũng tạo đà phát triển cho các ngành kinh tế khác như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, giao thông… Ngoài ra, nó còn mang lại lợi ích to lớn trong chuyển dịch nhân lực các ngành nghề, giúp giải bài toán “thừa – thiếu” về nhân lực trong xã hội hiện nay.

Công cuộc phát triển ngành Công nghiệp môi trường còn khá dài, nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực của toàn ngành, một thời gian không xa nữa cái tên “Công nghiệp môi trường” không chỉ dừng lại ở mức được biết đến, mà sẽ trở thành một ngành công nghiệp mạnh, đóng góp chính vào kinh tế nước nhà.

Nguyễn Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động