Đà Nẵng: Phấn đấu hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xử lý chất thải rắn

12/09/2024 08:09 Phát triển ngành CNMT
Đó là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm bảo vệ môi trường của thành phố Đà Nẵng được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2023 về phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 lượng rác trung bình Đà Nẵng phải giải quyết hàng ngày là 2.076 tấn. Để giải quyết bài toán xử lý rác thải theo yêu cầu của tại Chỉ thị số 41/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn, Đà Nẵng đang hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn, định hướng đến năm 2050. Đây là một trong những nỗ lực của Đà Nẵng nhằm bảo vệ môi trường và phát triển đô thị bền vững.

Với mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành Thành phố đáng sống, bảo vệ môi trường làm trọng điểm, duy trì đa dạng sinh học, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, đảm bảo tỷ lệ sử dụng đất hợp lý, tận dụng tối đa ưu điểm, lợi thế của từng vùng, ưu tiên lựa chọn công nghệ giảm phát thải các bon nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hội nghị COP 26, thành phố Đà Nẵng đã đặt ra nhiều mục tiêu về bảo vệ môi trường, trong đó phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường đạt trên 97%. Bên cạnh đó thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%, tỷ lệ chất thải nguy hại thu gom được xử lý theo quy định đạt 100%.

Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn
Đà Nẵng đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn

Để triển khai mục tiêu này, thành phố Đà Nẵng đã đưa ra các phương án để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, chất thải rắn tiếp tục đầu tư tiến tới hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị (điểm tập kết rác, trạm trung chuyển rác, trạm phân loại rác, khu liên hợp xử lý rác...) với công nghệ tiên tiến. Đến năm 2030, hoàn thiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn với các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tổng công suất từ 1.800-2.000tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh; đầu tư các nhà máy xử lý chất thải nguy hại, bùn thải, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn công nghiệp...; kêu gọi đầu tư nhà máy tái chế rác thải đô thị. Quy mô, công nghệ từng nhà máy do thành phố quyết định căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và phù hợp với pháp luật, quy định hiện hành.

Theo Quy hoạch, sau năm 2030, Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn phía Tây thành phố quy mô 200 ha bao gồm các công năng, hạng mục công trình đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của thành phố và mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn; nghiên cứu đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày ở giai đoạn phù hợp tùy thuộc vào lượng chất thải rắn phát sinh thực tế.

Để thực hiện Quy hoạch về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn sinh hoạt, thành phố Đà Nẵng sẽ đầu tư mới hoặc chuyển đổi công nghệ của các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang công nghệ xử lý chất thải có kết hợp với thu hồi năng lượng, ưu tiên áp dụng công nghệ có hiệu quả tối ưu về tiêu chí chất lượng môi trường, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, khuyến khích, phát triển sử dụng năng lượng mới đem lại hiệu quả cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, đến nay, hơn 93% số hộ gia đình và 91,83% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt có khả năng tái sử dụng và tái chế đạt từ 15 - 20%. Đà Nẵng cũng đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 2/4 trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt với công nghệ hiện đại. Những nỗ lực này đang góp phần quan trọng vào việc cải thiện tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố, đảm bảo mỹ quan đô thị và giảm thiểu ô nhiễm.

Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch đầu tư 2 nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại thay thế dần công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, đó là nhà máy xử lý rác thải công suất 650 tấn/ngày đêm (theo giấy chứng nhận đầu tư đã cấp dự kiến đi vào hoạt động vào quý III/2026) và nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố 1.000 tấn/ngày đêm. Sau khi 2 nhà máy xử lý chất thải này đi vào hoạt động sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải của Thành phố. Cùng với việc đầu tư hạ tầng xử lý rác thải, thành phố đang nhân rộng các mô hình giảm thiểu rác tại chỗ.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động