Quảng Ninh: Tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường tại Vịnh Hạ Long
Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng, quyết liệt chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển nói chung và Vịnh Hạ Long nói riêng, trong đó đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản chỉ đạo, như: Chỉ thị 18-CT/TU ngày 01/9/2017 về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030... Cùng với đó là nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác thu gom, xử lý phao xốp, rác thải trôi nổi; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm môi trường; giám sát chặt chẽ việc thu hồi phao xốp, lồng bè thải bỏ... Đồng thời nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại các điểm tham quan; triển khai ngăn chặn rác thải từ trên bờ; phối hợp với các địa phương lân cận bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long.
Để công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long đạt hiệu quả cao, tỉnh cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; giám sát chất lượng môi trường, việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, từng bước kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh từ nguồn thải ven bờ, khu vực giáp ranh; triển khai dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” để xử lý nước thải tại điểm tham quan.
Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, triệt để đưa Vịnh Hạ Long thành điểm đến không rác thải nhựa |
Đặc biệt, tỉnh đã sớm triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” thông qua việc tuyên truyền, nhắc nhở du khách để lại các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trước khi tham quan Vịnh Hạ Long, đồng thời giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch, chủ tàu du lịch thực hiện nghiêm quy định không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.
Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long chung tay hành động “Vì một Hạ Long xanh”. Ảnh: Hoàng Quỳnh |
Việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ môi trường được Quảng Ninh tích cực triển khai, điển hình như áp dụng công nghệ xử lý nước thải Jokaso tại đảo Ti Tốp, đảo Đầu Gỗ, Vung Viêng, Ba Hang; sử dụng thiết bị camera giám sát hành trình lắp đặt tại các điểm tham quan trên vịnh Hạ Long kịp thời phát hiện hành vi xâm hại tới cảnh quan di sản, ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý các tài nguyên thiên nhiên và môi trường vịnh Hạ Long. Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên trao đổi và duy trì mối quan hệ với UNESCO, mạng lưới di sản biển thế giới, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN), hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới, Văn phòng UNESCO Hà Nội, Văn phòng IUCN Việt Nam... trao đổi, đề xuất hỗ trợ kinh nghiệm, tài chính, kỹ thuật phục vụ quản lý di sản, bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị di sản.
Rác trên Vịnh Hạ Long được thu gom, xử lý thường xuyên |
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các lực lượng liên quan triển khai tháng cao điểm thu gom, xử lý rác thải trên vịnh, đồng thời thường xuyên duy trì các hoạt động giám sát định kỳ chất lượng môi trường, giám sát các hoạt động kinh tế - xã hội trên và ven bờ Vịnh Hạ Long, kịp thời tham mưu báo cáo và đề nghị các đơn vị liên quan xử lý các yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ban cũng thực hiện 19 đợt giám sát công tác bảo vệ môi trường. Hiện nay, lượng phao xốp, rác trên Vịnh Hạ Long đã cơ bản được thu gom sạch, đảm bảo môi trường và cảnh quan vùng biển. Cùng với đó, đơn vị cũng đã ký kết quy chế phối hợp với huyện Cát Bà (thành phố Hải Phòng), định kỳ tổ chức ra quân làm sạch môi trường vịnh, nhất là ở các khu vực giáp ranh. Đồng thời, tăng cường xử lý vi phạm môi trường ở giáp ranh hai bên.
Thành phố Hạ Long cũng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện thu gom vật tư, phao xốp trôi nổi trên biển. Trong đó các phường, xã và đơn vị liên quan ra quân thực hiện thu gom rác ven bờ từ khu vực phường Hà Khánh đến phường Hà Phong, khu vực ven bờ từ phường Hùng Thắng đến phường Đại Yên, các kênh, mương thoát nước ra vịnh; giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường ven bờ vịnh; xây dựng bổ sung tuyến thu gom rác thải ven bờ và rác thải mương hở trôi dạt trên vịnh Hạ Long khu vực bãi tắm Hòn Gai, phường Hồng Hà đến khu vực hạ lưu suối Lộ Phong giáp địa phương phường Quang Hanh, từ bến cá phường Cao Xanh đến mương K67...
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục thay thế phao xốp bằng vật liệu thân thiện, đồng thời, có các giải pháp giảm thiểu phát thải ngay tại địa phương. Đồng thời tăng cường thiết bị, phương tiện và nhân lực thu gom, xử lý rác thải; phối hợp tổ chức các đợt ra quân thu gom rác; nâng cao nhận thức trách nhiệm cho cộng đồng, tổ chức và cá nhân; kiểm soát tốt các điểm rác thải trên bờ không để phát tán; tuyên truyền cho các cá nhân có hoạt động trên vịnh có ý thức bảo vệ môi trường nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, sinh thái vịnh Hạ Long. Để tập trung thống nhất đầu mối thực hiện nhiệm vụ thu gom, xử lý rác thải trên vịnh, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu phân giao nhiệm vụ thu gom vận chuyển rác tại Vịnh Hạ Long cho các cơ quan có chức năng, đảm bảo việc thu gom rác được thực hiện đồng bộ, tận dụng tối đa nhân lực, thiết bị thu gom của mỗi đơn vị, nâng cao hiệu quả kiểm soát rác từ nguồn ven bờ, xử lý kịp thời vi phạm trên biển.
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Tin khác
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.