Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

17/05/2023 15:15 Địa phương
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030 là nhiệm vụ hàng đầu được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ưu tiên, quán triệt thực hiện triệt để trong thời gian tới.

Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện

Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh chỉ rõ: “Đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu". Cụ thể hóa Nghị quyết, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030".

Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường

Quảng Ninh phấn đấu triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh

Nghị quyết xác định bảo vệ môi trường là nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân; vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản phát triển bền vững; góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh trong giai đoạn sắp đến.

Tỉnh sớm ban hành các chủ trương, định hướng về công tác bảo vệ môi trường có tính chất chuyên sâu để chỉ đạo và tổ chức thực hiện, triển khai lồng ghép các biện pháp công tác bảo vệ môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm thực hiện và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn về môi trường không khí, nước và kiểm soát chất lượng đất, quản lý chất thải rắn, quản lý đa dạng sinh học và các vấn đề biến đổi khí hậu... Tỉnh đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự suy thoái của tài nguyên thiên nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực quản lý môi trường của tỉnh. Đồng thời quyết liệt thực hiện các giải pháp để đảm bảo đúng lộ trình đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh không cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ đá và thực hiện lộ trình đóng cửa mỏ, không gia hạn các mỏ đá vôi nằm dọc theo các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, khu vực cảnh quan ven Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bảo vệ môi trường, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng môi trường là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Đưa công tác bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hàng năm. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa, Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Do đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Mỗi cán bộ, đảng viên cần làm tốt công tác bảo vệ môi trường gắn với việc tham gia hoạt động dọn dẹp vệ sinh môi trường khu vực công cộng, chăm sóc cây xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi làm việc, nơi cư trú. Hàng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở đảng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả tổ chức thực hiện...

Các cấp ủy, chính quyền các địa phương cần kiểm tra thực tế công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý định kỳ theo tháng, theo quý; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, sản xuất, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.

Triển khai từ Nghị quyết đến thực tế

Cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều mô hình, cách làm phù hợp mang lại hiệu quả cao. Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) quán triệt, quyết liệt trong chỉ đạo nhằm giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường đến các đơn vị thành viên. Các đơn vị thành viên đã nghiêm túc thực hiện qua việc triển khai nghiên cứu các mô hình phù hợp, thay thế các trang thiết bị tiên tiến để nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, phòng ngừa sự cố môi trường; cải tạo cảnh quan, xây dựng vườn hoa, cây xanh tại văn phòng, phân xưởng trên khai trường mỏ, tại mặt bằng công nghiệp, khuôn viên nhà máy... nhiều giải pháp phục hồi môi trường, phát triển sản xuất "xanh" đã được triển khai sâu rộng trong thời gian qua.

Quảng Ninh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường là chìa khóa để Quảng Ninh bứt phá thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư và phát triển du lịch

Không chỉ với các đơn vị thuộc ngành Than, thành phố Cẩm Phả - trung tâm sản xuất công nghiệp của tỉnh, Đảng bộ thành phố cũng đã chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể nhằm hạn chế nguy cơ về tình trạng ô nhiễm do nước thải, chất thải rắn, không khí và suy giảm đa dạng sinh học. Đối với các công trường khai thác than địa bàn thành phố quản lý, thường xuyên kiểm soát, giám sát và xử lý kịp thời các sai phạm liên quan đến môi trường. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện hoàn nguyên các bãi thải sau khai thác và có các phương án vệ sinh, giảm bụi, tiếng ồn với các khu dân cư xung quanh. Thành phố chỉ đạo các cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục duy trì hiệu quả các phòng trào, mô hình: Ngày chủ nhật xanh dọn vệ sinh môi trường biển; đội ngư dân xung kích vớt rác bảo vệ môi trường biển; ngày chủ nhật xanh...và thường xuyên đổi mới, sang tạo trong các phong trào nhằm thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân chung tay bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Thành phố yêu cầu các công ty môi trường thường xuyên thu gom rác thải, không để tập kết rác kéo dài quá 1 giờ trên mặt đường, vận chuyển nhanh chóng, dọn vệ sinh sạch sẽ. Qua đó góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đưa ra từ đầu nhiệm kỳ, như: Duy trì tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải rắn được đưa vào nơi quy hoạch tập trung đạt 100%...

Đối với các địa phương trên địa bàn có cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, quyết liệt chỉ đạo thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư. Thành phố đang quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đưa 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường; 100% KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Đến nay tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 96,2%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý; 98% dân cư đô thị được sử dụng nước sạch, 99,6% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, Quảng Ninh đang dần khẳng định vị thế là một tỉnh đứng đầu trong cả nước về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thành công không chỉ dừng lại ở bước đầu Quảng Ninh cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo quy định pháp luật về môi trường; xây dựng và ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, áp dụng công nghệ sạch và thân thiện với môi trường, ưu đãi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm không sử dụng ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường; đảm bảo mức chi cho hoạt động sự nghiệp môi trường, tăng dần tỷ lệ phân bổ kinh phí cho hoạt động sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác bảo vệ môi trường; tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, nhất là nguồn vốn ODA, nguồn vốn xã hội hóa của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, thu gom, tái chế và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cung ứng sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường, sản phẩm tái chế, sản xuất năng lượng từ chất thải; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về bảo vệ môi trường; khuyến khích thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm tư vấn khoa học công nghệ môi trường, nông lâm nghiệp và các trung tâm đào tạo, tổ chức mạng lưới khuyến lâm, khuyến nông ở cơ sở cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu... Để làm được điều đó không chỉ cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng mà còn sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, các địa phương và nhân dân trên toàn tỉnh./.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động