Quốc hội đồng hành với Chính phủ để kiện toàn Luật Đất đai và BVMT

13/06/2019 15:12 Tăng trưởng xanh
Đó là khẳng định của ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại cuộc Hội thảo Tham vấn ý kiến Đại biểu Quốc hội về một số định hướng lớn cần sửa đổi bổ sung trong dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai.

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Quốc hội đã quyết định cần phải sửa đổi, bổ sung 02 dự án Luật quan trọng là Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2020. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp cùng với các Bộ ngành tổng kết, đánh giá việc thi hành và khẩn trương tiến hành việc sửa đổi các dự án Luật.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu tại Hội thảo tham vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, hai dự án Luật này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới. Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn có sự tham gia, hỗ trợ của các Ủy ban, các Đại biểu Quốc hội ngay quá trình xác định các chính sách cần sửa đổi.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn nhận được những ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội từ thực tiễn tại địa phương về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường để Bộ tập trung sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hai bộ Luật sao cho đáp ứng được với thực tiễn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như nguyện vọng của nhân dân” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà cầu thị nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn từ nay cho đến khi trình 02 dự án Luật lên Quốc hội sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến, sáng kiến đóng góp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để khi Luật trình ra Quốc hội sẽ có được sự đồng thuận và thống nhất cao nhất.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo


Quản lý chặt chẽ, tháo gỡ các rào cản về chính sách; giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai
Đối với dự thảo Luật Đất đai, quan điểm sửa đổi tập trung vào 3 mục tiêu lớn xuyên suốt là (1) quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn đất đai cho phát triển kinh tế; (2) tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; (3) giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.
Việc sửa đổi Luật lần này là hoàn thiện các công cụ quy hoạch và kinh tế, tài chính đất đai để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo Đảng về việc đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; giải quyết các chồng chéo, xung đột giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật có liên quan, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật.
Để giải quyết các mục tiêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; (3) Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (4) Về thu hồi đất; (5) Về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; (6) Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; (7) Về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, officetel,…); (8) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp,….
Trong đó, Bộ tập trung vào 3 nội dung là “linh hồn” cho công tác quản lý đất đai đó là: Thứ nhất, đổi mới nội dung, phương pháp lập quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, yêu cầu phát triển, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất, khai khác tối đa không gian ngầm và chiều cao; xác định được quỹ đất cho các nhu cầu của từng ngành lĩnh vực, khoanh định các khu vực chuyển dịch để phát triển kết cấu hạ tầng như xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống đô thị; xác định ranh giới sử dụng đất cần bảo vệ nghiêm ngặt như đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, di sản thiên nhiên thế giới, khu vực bảo vệ bảo tồn, quản lý quy hoạch đến từng thửa đất; quản lý, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch bằng công nghệ ảnh viễn thám.
Thứ hai, đổi mới phương pháp định giá đất tiếp cận với quy định và thông lệ quốc tế; bổ sung các quy định về đăng ký giá đất, giao dịch về bất động sản thông qua sàn giao dịch để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất thị trường; mở rộng thành phần hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo khách quan, minh bạch; thực hiện việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; mở rộng hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm để nuôi dưỡng nguồn thu.
Thứ ba, đổi mới công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; xác định đúng, đủ giá trị đất đai, tài sản, thu nhập cho người có đất bị thu hồi, điều tiết giá trị tăng thêm từ chuyển mục đích, quy hoạch cho người có đất bị thu hồi. Hoàn thiện các quy định về tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Phát biểu tại Hội thảo, trên cơ sở dự kiến những định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, đại biểu Phạm Văn Hòa – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quan điểm về phạm vi điều chỉnh chỉ nên sửa một số điều thời gian qua rất bất cập, chẳng hạn như: định giá đất, thu hồi đất, bồi thường tái định cư…Đồng thời, cần có quy định về mức hạn điền đối với đất nông nghiệp; mức hạn điều này phải phù hợp với từng khu vực cụ thể. Mặt khác, đất đai là tư liệu sản xuất, cũng chính là hàng hóa, do vậy phải “thuận mua vừa bán”, khi đó mới thuận lợi trong thu hồi đất. Đại biểu Hòa cũng gợi ý, đối với những trường hợp nhà đầu tư mua đất, thỏa thuận với người dân thì cho phép người ta trao đổi mua bán; còn khi nhà nước thu hồi đất giao cho nhà đầu tư thì thực hiện cho thuê đất.
Quan điểm của Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó đoàn ĐBQH Gia Lai cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu ngày càng nhanh, mạnh mẽ tác động rất lớn tới nước ta cũng như thế giới. Chỉ có rừng mới đảm bảo, khắc phục biến đổi khí hậu bền vững và chắc chắn nhất. Do vậy, vấn đề chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang các mục đích khác cần được quan tâm.
Quan tâm đến vấn đề phạm vi điều chỉnh và hài hòa lợi ích khi điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi: “Vì sao vừa qua đất đai sử dụng chưa hiệu quả, bị gò bó chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội?” Đại biểu đề nghị phải rà soát lại vấn đề nào thuộc về chính sách, tổ chức thực hiện dể xác định phạm vi điều chỉnh. Đồng thời, phải có quan điểm phân cấp mạnh mẽ, tăng cường trách nhiệm xử lý doanh nghiệp.
Còn Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Phó trưởng đoàn ĐBQH Hòa Bình nêu vấn đề: “Cần nghiên cứu xử lý vấn đề vướng mắc do lịch sử để lại; nghiên cứu phân cấp thẩm quyền trong quản lý đất đai giữa Trung ương và địa phương. Cùng với đó, phải quy định rõ ràng, chặt chẽ chế độ quản lý đối với đất công trình quốc gia: đất công trình thủy điện, hồ thủy lợi…; cơ chế góp quyền sử dụng đất như phần vốn”
Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường ứng phó với BĐKH
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường lần này dự kiến sẽ tập trung xem xét, hoàn thiện 08 nhóm chính sách lớn gồm: (1) Tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư để ăng cường tính chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; (2) Hoàn thiện quy định về đánh giá tác động môi trường để phát huy hiệu quả, hiệu lực của công cụ đánh giá tác động môi trường, chủ động trong việc phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm; (3) Đơn giản hóa các quy định về thủ tục hành chính đối với các loại hình sản xuất kinh doanh, công nghệ thân thiện với môi trường. (4) Hoàn thiện các quy định về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải để rác thải trờ thành tài nguyên, nguyên liệu cho sản xuất; (5) Hoàn thiện các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường trước mắt là nhóm các nước dẫn đầu trong khối ASEAN để phù hợp với bối cảnh nền kinh tế có độ mở cao, trao đổi đầu tư, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước ngày càng lớn; (6) Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước và việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; (7) Hoàn thiện các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường phù hợp với cơ chế thị trường; khuyến khích thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; (8) Hoàn thiện các quy định về ứng phó với Biến đổi khí hậu (BĐKH), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước, thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với BĐKH.

Bà Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo


Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, đối với chính sách lớn trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bà Nguyễn Thanh Thủy – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hậu Giang bày tỏ quan điểm: “Đây cũng là vấn đề cấp thiết hiện nay cần sửa đổi. Trong đó, đối với nhóm chính sách về đánh giá tác động môi trường, đề nghị khi đánh giá không chỉ đánh giá tác động của riêng dự án đó mà mà phải đánh giá toàn diện nếu như dự án triển khai toàn bộ khu vực đó và khu vực ảnh hưởng thì ảnh hưởng như thế nào.
Nhóm chính sách về cấp giấy phép môi trường một mặt cải tiến các quy trình thủ tục nhưng đồng thời phải đảm bảo không buông lỏng việc cấp phép; với những dự án lớn có tầm ảnh hưởng, Bộ cần quản lý chặt chẽ”.

Toàn cảnh Hội thảo


Qua các ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, ghi nhận các ý kiến đã định hướng rất rõ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường những vấn đề sửa đổi, phạm vi sửa đổi. “Rất nhiều vấn đề được đặt ra là làm sao sửa đổi để phù hợp với yêu cầu của phát triển bền vững đất nước. Đó là những gợi ý xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn, những tồn tại hiện nay, xuất phát từ cơ chế chính sách, chủ trương cũng như công tác phối hợp, tổ chức triển khai… Từ đó, xác định đâu là nguyên nhân cơ bản, đâu là vấn đề cốt lõi mà chúng ta phải xem xét nghiêm túc để định hình những chính sách quan trọng”.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, với nhiều ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội tại Hội nghị lần này, cho thấy tầm quan trọng của 02 dự án Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai trong đời sống nhân dân và trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh rằng, Quốc hội đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng cũng như Chính phủ nói chung để hoàn thiện Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường đáp ứng được với thực tiễn phát triển của đất nước.
Khương Trung – Tuyết Chinh
Xin chờ trong giây lát...

Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024

Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.

Phiên bản di động