Sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh mương vùng đồng bằng sông Hồng

07/05/2019 20:14 Tác động môi trường
Vùng đồng bằng sông Hồng hiện có 55 hệ thống thủy nông lớn và vừa, với 500 cống, hơn 50 nghìn kênh trục chính, 35 hồ chứa lớn và nhiều hồ chứa nhỏ có tổng diện tích tưới thiết kế khoảng 85 nghìn ha, kết hợp cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm hệ thống kênh mương đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và cuộc sống người dân, trong khi các cấp, các ngành chức năng chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh mương vùng đồng bằng sông Hồng


Kênh Thạch Khôi (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đang bị ô nhiễm nghiêm trọng


Những dòng kênh chết
Ði thực tế một số tuyến kênh những ngày cuối tháng 4/2019, chúng tôi nhận thấy, tình trạng ô nhiễm đang ở mức báo động. Dọc theo tuyến kênh Thạch Khôi (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), dòng nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Mọi người gọi đây là dòng kênh chết, hầu như không còn loài cá, tôm nào sống được, rác thải, đồ dùng sinh hoạt bỏ đi vứt đầy trên bờ cũng như dưới dòng kênh. Các hộ dân sống ven kênh cho biết, ngày hôm trước vừa có mưa cho nên kênh mới đỡ mùi, chứ trong những ngày nắng nóng, mùi bốc lên rất khó chịu. Theo người dân, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do việc xả thải của các lò mổ chung quanh cũng như của cụm công nghiệp lân cận. Khi được hỏi, sao không kiến nghị để xử lý thì mọi người đều nói: Không biết phải kiến nghị lên đâu nữa, bởi chính quyền phường, thành phố đều đã biết rõ tình trạng này rồi nhưng đến giờ vẫn chưa có biện pháp giải quyết.
Trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, không khó để bắt gặp những dòng sông chết như tuyến kênh Thạch Khôi. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên Bùi Văn Sao cho biết, hiện nay, lượng lớn nước từ sông Cầu Bây, Gia Lâm (Hà Nội) đang bị ô nhiễm nặng, chảy qua cống Xuân Thụy đổ vào đầu nguồn sông Bắc Hưng Hải, rồi nước thải từ các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh, xả ra làm hệ thống kênh mương ô nhiễm ngày càng nặng.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Công ty Bắc Hưng Hải) Trịnh Thế Trường cho biết, hiện nay, trong toàn bộ lượng nước xả thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thì nước xả công nghiệp chiếm gần 20%, sinh hoạt chiếm hơn 59%, chăn nuôi là 15%, khu sản xuất tập trung là gần 6%... Do nguồn nước xả thải tập trung toàn bộ vào hệ thống kênh nhánh rồi đổ ra kênh Bắc Hưng Hải, cho nên tình trạng ô nhiễm nơi đây đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Mặc dù Luật Thủy lợi ra đời đã hạn chế được nguồn xả chưa qua xử lý của các khu, cụm công nghiệp, nhưng lượng xả thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm. Hiện nay, việc các khu dân cư xả nước thải chưa qua xử lý, vứt rác thải, xác gia súc, gia cầm, đồ dùng gia đình xuống kênh mương... diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu, hầu như các năm gần đây đều xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất vụ đông xuân. Ðể bảo đảm đủ nước tưới, Công ty Bắc Hưng Hải phải thực hiện các biện pháp trữ nước, tích cực lấy nước ngược từ hạ du. Chính vì vậy, nguồn nước trong công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải như một ao tù, chất thải ứ đọng nhiều, làm cho mức độ ô nhiễm ngày càng tăng.
Cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ
Luật Thủy lợi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã cơ bản gỡ được nút thắt cho quản lý chất lượng nước trong hệ thống kênh mương. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương Nguyễn Văn Bột, Luật Thủy lợi đã chọn đúng chủ thể quản lý là giao việc cấp phép xả nước thải cho ngành nông nghiệp, dẫn đến chất lượng nguồn nước xả được bảo đảm. Lý giải về việc tại sao hiện tượng ô nhiễm kênh mương vẫn đang diễn ra, đồng chí Nguyễn Văn Bột cho biết, các ngành chức năng mới chỉ quản lý được chất lượng nguồn nước xả từ các khu, cụm công nghiệp, còn nguồn xả thải sinh hoạt của khu dân cư và làng nghề (quy mô hộ) chưa có văn bản nào quy định xử lý và kiểm tra, đồng thời rất khó quản lý bởi quy mô nhỏ, lẻ.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Thủy lợi Hải Dương Phạm Văn Ðiền nhìn nhận, với chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn, giải pháp chủ yếu thời gian tới vẫn là tuyên truyền về tình trạng ô nhiễm của hệ thống thủy lợi, nâng cao ý thức người dân; tăng cường phối hợp các địa phương nhằm ngăn chặn, giảm tình trạng xả thải gây ô nhiễm ra các kênh mương. Ðồng thời, giải pháp tình thế hiện nay vẫn là trông chờ nước ở hệ thống sông chính lên cao để lấy, đưa vào hệ thống kênh mương pha loãng nước ô nhiễm, phục vụ sản xuất. Ngay trong vụ đông xuân 2019, từ đầu năm đến nay, Công ty Bắc Hưng Hải đã tổ chức thay nước bốn đợt, giảm ô nhiễm đáng kể.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm trong các hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng vẫn chưa có giải pháp nào khắc phục triệt để. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu hiện nay là xả thải từ các khu dân cư, nhưng các cấp, ngành chức năng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. Là một trong những địa phương nhận thức rõ nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, tỉnh Hưng Yên đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt như: Ban hành quy định các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải; triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình; lắp đặt hệ thống nhận dữ liệu quan trắc tự động, thiết bị giám sát lấy mẫu tự động nước thải sau xử lý của các đơn vị có lưu lượng nước thải lớn; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo vệ môi trường, xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường, trong đó, tập trung vào các đối tượng có nguồn nước thải nguy cơ gây ô nhiễm, phát sinh lưu lượng nước thải lớn... Tuy nhiên, do nhiều lý do như chưa có sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng…, cho nên việc triển khai các giải pháp này chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ðể khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm trên các sông, kênh của hệ thống thủy lợi vùng đồng bằng sông Hồng, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành chức năng như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhất là các địa phương liên quan, để giải quyết từ gốc nguyên nhân gây ô nhiễm đó là nguồn xả thải sinh hoạt từ các khu dân cư và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

 Theo Báo Nhân dân
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động