Sớm ký kết Thỏa thuận Paris về tín chỉ các bon Việt Nam - Singapore
Ngày 17/11/2023, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp Bộ trưởng Cao cấp kiếm Bộ trưởng Điều phối An ninh quốc gia Singapore Tiêu Chí Hiền. Trên cơ sở các nội dung đề nghị của ngài Bộ trưởng liên quan đến Thỏa thuận Paris về tín chỉ các bon giữa hai nước.
Thủ tướng Chính phủ và ngài Bộ trưởng Cao cấp kiếm Bộ trưởng Điều phối An ninh quốc gia Singapore Tiêu Chí Hiền thống nhất sớm ký kết Thỏa thuận thí điểm thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris về tín chỉ các bon giữa Việt Nam và Singapore |
Ngày 30/11/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 9416/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Yêu cầu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bên liên quan khẩn trương trao đổi, thống nhất với phía Singapore để sớm ký kết Thỏa thuận thí điểm thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris về tín chỉ các bon giữa hai nước; đồng thời nghiên cứu việc thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai trong trường hợp cần thiết.
Thoả thuận Paris được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12 năm 2015 là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả các Bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Trách nhiệm cam kết này được phản ảnh qua Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của mỗi Bên. Thoả thuận Paris đã được gần 180 Bên tham gia Công ước khí hậu ký vào tháng 4 năm 2016 tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc. Hiện Thỏa thuận Paris đã được hơn 90 quốc gia, bao gồm Việt Nam, phê chuẩn hoặc phê duyệt và chính thức có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016.
Điều 6, Thỏa thuận Paris: 1. Các Bên nhận thấy rằng một số Bên lựa chọn theo đuổi hợp tác tự nguyện trong việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định để có tham vọng cao hơn trong các hành động giảm nhẹ và thích ứng của mình và thúc đẩy phát triển bền vững và tính toàn vẹn môi trường. 2. Các Bên khi tham gia phương thức hợp tác tự nguyện có sử dụng trao đổi quốc tế các kết quả giảm nhẹ trong đóng góp do quốc gia tự quyết định phải thúc đẩy phát triển bền vững và đảm bảo minh bạch và toàn vẹn môi trường, kể cả trong quản trị, và phải áp dụng cách tính chính xác để tránh tính trùng, nhất quán với hướng dẫn đã được thông qua tại Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận này. 3. Việc sử dụng trao đổi quốc tế các kết quả giảm nhẹ để đạt được đóng góp do quốc gia tự quyết định theo Thỏa thuận này phải là tự nguyện và phải được các Bên tham gia Thỏa thuận này cho phép. 4. Một cơ chế đóng góp giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững được thiết lập dưới sự cho phép và theo hướng dẫn của Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận này để sử dụng trên cơ sở tự nguyện. Cơ chế này sẽ do một cơ quan được Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận này chỉ định giám sát và sẽ nhằm tới: (a) Thúc đẩy giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững; (b) Hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các thực thể công và tư được một Bên cho phép tham gia giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; (c) Đóng góp vào giảm mức phát thải tại Bên chủ trì là nước sẽ nhận được lợi ích từ các hoạt động giảm nhẹ là kết quả giảm phát thải có thể được một Bên khác sử dụng để thực hiện cam kết do quốc gia tự quyết định của mình; và (d) Đóng góp chung vào giảm nhẹ phát thải toàn cầu. 5. Giảm phát thải từ cơ chế nêu tại khoản 4 Điều này sẽ không được tính như đóng góp do quốc gia tự quyết định của Bên chủ trì nếu như mức giảm phát thải này đã được một Bên khác sử dụng trong đóng góp do quốc gia tự quyết định của Bên này. 6. Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận này phải đảm bảo rằng một phần kết quả từ các hoạt động theo cơ chế nêu tại khoản 4 Điều này được sử dụng để chi trả các chi phí hành chính và hỗ trợ chi trả các hoạt động thích ứng tại các Bên quốc gia đang phát triển dễ tổn thương với tác động xấu của biến đổi khí hậu. 7. Hội nghị các Bên tham gia Thỏa thuận này phải thông qua các quy tắc, phương thức và thủ tục cho cơ chế nêu tại khoản 4 Điều này tại phiên họp đầu tiên. 8. Các Bên nhận thấy tầm quan trọng của việc có các tiếp cận phi thị trường tổng hợp, toàn diện và cân bằng để hỗ trợ các quốc gia thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mình trong bối cảnh phát triển bền vững và xóa nghèo, theo cách hiệu quả và được điều phối, bao gồm nhưng không hạn chế trong giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực một cách phù hợp. Các tiếp cận này phải nhằm: (a) Thúc đẩy tham vọng trong thích ứng và giảm nhẹ; (b) Tăng cường sự tham gia của khu vực công và tư trong việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định; và (c) Tăng cường cơ hội điều phối liên thông giữa các cơ quan, thực thể liên quan. 9. Một khuôn khổ cho các tiếp cận phi thị trường để phát triển bền vững được xác định để thúc đẩy các tiếp cận nêu tại khoản 8 của Điều này. |
Tin mới
Sáng kiến làm mát xanh III: Thúc đẩy chuyển đổi chất làm lạnh theo hướng làm mát bền vững tại Việt Nam
Phú Thiện(Gia Lai): Người phụ nữ Jrai với ước mơ truyền nghề may thổ cẩm cho thế hệ trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Cảnh sát môi trường
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.