Sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp
Qua gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020), việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới qua các năm đã mang lại nhiều sự cải thiện rõ nét về môi trường ở các vùng nông thôn. Thông qua việc thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường là một trong các điều kiện để các xã cải biến công tác môi trường, bắt đầu từ xây dựng hệ thống hạ tầng để giải quyết triệt để vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn như làm rãnh thoát nước trong khu dân cư; xây dựng nơi xử lý và chứa rác, chất thải, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung đúng tiêu chuẩn phù hợp với quy hoạch để dần đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; Tăng cường kiểm soát việc sử dụng hóa chất nông nghiệp; đẩy mạnh công tác thu gom, xử lý bao bì thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi; triển khai các biện pháp cụ thể xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn khu vực nông thôn và hoạt động chăn nuôi tập trung.
Tính đến hết tháng 7 năm 2019, cả nước đã có 4.475 xã (50,26%) đạt chuẩn nông thôi mới (NTM), tăng 637 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; Có 84/664 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 21 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã; cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Để tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và định hướng giai đoạn sau năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc về “Đánh giá việc triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và định hướng giai đoạn sau năm 2020”.
Hội nghị dự kiến tổ chức ngày 10/12/2019 tại Thành phố Hưng Yên, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; đại biểu các trường đại học, cơ quan nghiên cứu và lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương.
Hội nghị sẽ được nghe và thảo luận các báo cáo: Những kết quả tiêu biểu trong thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 và đề xuất định hướng cho giai cho giai đoạn sau năm 2020; Vai trò, ý nghĩa của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn vừa qua, những hoạt động hỗ trợ từ phía cơ quan điều phối, đề xuất kiến nghị tăng cương công tác BVMT trong xây dựng NTM giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 và giai đoạn sau năm 2020; vai trò “giám sát, phản biện xã hội” của Mặ trận tổ quốc trong thực hiện tiêu chí môi trường…
Đặc biệt, tại Hội nghị các đại biểu sẽ đánh giá những tồn tại, khó khăn trong thực hiện Bộ tiêu chí môi trường trong thời gian qua và thảo luận việc sửa đổi hoàn thiện Bộ tiêu chí môi trường đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Tại Hội nghị cũng sẽ tổ chức Lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong công tác BVMT xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2019.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng: Qua gần 10 năm triển khai, thực hiện, Bộ tiêu chí môi trường đã phát huy được hiệu quả, giúp cho việc xây dựng nông thôn mới có chuyển biến tích cực; tuy nhiên Bộ tiêu chí này cũng còn nhiều bất cập, hạn chế cần được sửa đổi, bổ sung. “Đề xuất Bộ tiêu chí môi trường mới cần lưu ý đến tính vùng miền, cần lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện, khi triển khai thực sự đi vào cuộc sống, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, giúp xóa khoảng cách nông thôn - đô thị”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh cuộc họp
Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho Hội nghị, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các đơn vị tham gia công tác chuẩn bị cần phối hợp chặt chẽ, rà soát kế hoạch và phân công công việc cụ thể; làm tốt công tác nội dung và công tác khen thưởng cho các tổ, cá nhân. Đặc biệt cần quan tâm công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Hội nghị để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, thay đổi hành vi, huy động sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng nông thôn mới cũng như công tác bảo vệ môi trường./.