Thái Bình: Phát triển ngành Công nghiệp môi trường còn nhiều khó khăn

17/07/2023 13:52 Phát triển Công nghiệp môi trường
Phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại các thành phố lớn, có điều kiện kinh tế - xã hội vẫn luôn là bài toán khó, chưa kể đến các địa phương vốn dĩ không có thế mạnh về phát triển công nghiệp như Thái Bình.
Cần nhiều hơn các nỗ lực, giải pháp để phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Cần nhiều hơn các nỗ lực, giải pháp để phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Phát triển ngành Công nghiệp môi trường vẫn còn là bài toán trăn trở với các cấp, ngành, địa phương

Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành của doanh nghiệp và người dân được nâng cao. Đã lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển địa phương và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Bình. Các dự án đầu tư mới đều được thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận Kế hoạch Bảo vệ môi trường theo quy định. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các quy hoạch phát triển đô thị, khu cụm công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải rắn…nhìn chung đều gắn liền với quy hoạch bảo vệ môi trường.

Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp đã nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường; kiên quyết đình chỉ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các ban, ngành, đoàn thể chủ động thực hiện tuyên truyền, vận động tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Thái Bình đến năm 2025. Theo đó, Thái Bình phấn đấu đến năm 2025: 100% các quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động của các ngành, các cấp phải lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%, với cụm công nghiệp tỷ lệ này phải đạt 80% trở lên. Để giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra, UBND tỉnh Thái Bình đã triển khai nhiều giải pháp hiệu quả trong xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách, các quy định của tỉnh về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải, cải thiện chất lượng môi trường. Cùng với đó, bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý môi trường. Đẩy mạnh việc chuyển đổi, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu, tái sử dụng chất thải. Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Xét ở góc độ nào đó, Thái Bình đã cơ bản làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, nội dung phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại Thái Bình vẫn còn là bài toán trăn trở với các cấp, ngành, địa phương.

Điều đó thể hiện ngay trong việc hoàn hiện chính sách, pháp luật, tổ chức về công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tính đến thời điểm hiện nay, các nội dung liên quan đến chính sách phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại tỉnh còn chưa thực sự được quan tâm đúng nghĩa. Đa phần cơ chế, chính sách được lồng ghép trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển địa phương.

Việc chưa xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể phát triển ngành Công nghiệp môi trường phần nào ảnh hưởng đến số lượng các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu như chưa có doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang “nghe ngóng” tình hình trước khi tìm kiếm cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc tăng cường nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực hợp tác quốc tế cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Không chỉ riêng nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế gặp khó khăn mà ngay cả nguồn vốn đầu tư công cho phát triển ngành Công nghiệp môi trường đến nay cũng đang ở mức thấp. Mọi nguồn lực phát triển chủ yếu dồn vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ moi trường tại địa phương, chưa thực sự có nguồn kinh phí độc lập cho phát triển công nghiệp môi trường.

Việc thực hiện xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường nhất là các khu xử lý chất thải tập trung bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu và đặc thù chất thải, ô nhiễm môi trường của tỉnh tính đến nay cũng đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận thức được trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường nhưng việc đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn theo quy định, thực hiện quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo đúng quy định của pháp luật vẫn còn cầm chừng. Lý do đơn giản nhất đó là hệ lụy từ đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp mới trở lại phục hồi sản xuất nên việc đầu tư đa phần vào sản xuất, số lượng vốn còn tồn dư ít, không đủ để thay thế các công nghệ xử lý chất thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại cũ đã lạc hậu…

Ngành Công nghiệp môi trường là ngành nghề còn khá mới mẻ ở Thái Bình, số lượng doanh nghiệp sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường còn hạn chế nên việc phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường của tỉnh Thái Bình tính đến thời điểm hiện nay cũng chưa phát huy được hết tiềm năng, giá trị cũng như đóng góp vào thành công chung trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhìn chung, các hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng ở mức gia công cơ khí và lắp ráp sản xuất đơn lẻ, chưa có các sản phẩm hoàn thiện phục nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.

Phát triển dịch vụ môi trường vẫn đang ở mức thấp

Phát triển dịch vụ môi trường là các nội dung đã được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bao gồm các lĩnh vực: dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải; dịch vụ quan trắc, phân tích môi trường, đánh giá tác động môi trường; dịch vụ cải tạo, phục hồi môi trường, hệ sinh thái các khu vực bị ô nhiễm, suy thoái; dịch vụ tư vấn, chuyển giao công nghệ sản xuất thân thiện môi trường, công nghệ môi trường; công nghệ tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tư vấn, đào tạo, cung cấp thông tin về môi trường; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng; dịch vụ giám định về môi trường đối với hàng hóa, máy móc, thiết bị, công nghệ; giám định thiệt hại về môi trường, đa dạng sinh học; giám định các chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người; các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, Thái Bình cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 05/02/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về phê duyệt giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác Thái Bình; Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30/9/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 01/2021/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Việc ban hành các Quyết định, Chỉ thị thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Thái bình trong việc phát triển dịch vụ môi trường. Tuy nhiên, các lĩnh vực được đề cập đến tại các Quyết định, Chỉ thị chưa thực sự bao trùm các lĩnh vực tại khoản 3 Điều 144 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về dịch vụ môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch chi tiết 46 cụm công nghiệp, trong đó 100% cụm công nghiệp có hệ thống thu gom nước mưa, chỉ có 8 cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đang hoạt động, 2 cụm công nghiệp đang xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung. Mới chỉ có 8/46 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường, đạt tỷ lệ 17,4%. Đây không chỉ là sức ép đối với công tác quản lý môi trường nói chung mà cũng là sức ép lớn đối với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường cũng như hoàn thiện cơ chế về giá dịch vụ trong thời gian tới của tỉnh Thái Bình.

Cần nhiều hơn cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm tháo gỡ các khó khăn trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Cần nhiều hơn các cơ chế, chính sách thúc đẩy dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình nhằm tháo gỡ các khó khăn trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường

Trong bối cảnh chung của phát triển ngành Công nghiệp môi trường, có thể nhận thấy những nỗ lực đáng ghi nhận của tỉnh Thái Bình, mặc dù đây là địa phương đặc thù chủ yếu tập trung phát triển nông nghiệp, các nội dung liên quan đến công nghiệp nói chung và công nghiệp môi trường nói riêng còn ở mức tương đối hạn chế.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, tập huấn các nội dung có liên quan đến phát triển ngành công nghiệp môi trường cho đội ngũ cán bộ để nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, tổ chức về công nghiệp môi trường sẽ là các nhiệm vụ cơ bản, mang tính quyết định tới sự thành công của phát triển ngành Công nghiệp môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đây. Có được thành công đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2030 đòi hỏi sự chung tay của nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên cơ sở quyết tâm của toàn thể chính quyền tỉnh Thái Bình. Hy vọng thời gian tới, Thái Bình sẽ là một địa phương đi đầu cả nước trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường bên cạnh mũi nhọn chủ lực phát triển kinh tế khác như nông - lâm nghiệp, dệt may - da giày…

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động