Thái Bình tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường

20/03/2023 09:17 Chính sách - Pháp luật
Thái Bình là địa phương có ngành công nghiệp trên đà phát triển, nơi tập trung nhiều làng nghề, có tốc độ đô thị hóa mạch mẽ... từ đó đặt ra bài toán khó về môi trường cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, để từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT).

Những năm qua, tỉnh Thái Bình đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác BVMT. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường, Sở TN-MT Thái Bình đã tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan cùng UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về BVMT đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ về môi trường như giờ trái đất, tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, ngày môi trường thế giới, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...

Thái Bình tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường
Nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Quỳnh Côi (Thái Bình).

Cùng với đó, ngành môi trường địa phương còn đẩy mạnh ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia các hoạt động thiết thực về BVMT, không vứt rác bừa bãi; ra quân tổng vệ sinh môi trường, tráng lấp các bãi rác thải tự phát... Duy trì hoạt động quản lý số liệu quan trắc tự động, quan trắc đối chứng số liệu hiển thị tại các trạm quan trắc tự động cơ sở. Sở đã chủ trì rà soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải nguy hại lập đăng ký cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp, làng nghề...Bên cạnh những kết quả đã đạt được, địa phương vẫn còn tồn tại một số bất cập trong công tác BVMT.

Đơn cử như hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện hành nghề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn nguy hại nên gây khó khăn cho chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong việc tiếp cận được đơn vị vận chuyển, xử lý có đủ điều kiện. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển xử lý với các đơn vị ngoại tỉnh. Do vậy, công tác quản lý chất thải nguy hại gặp nhiều khó khăn, việc thống kê, quản lý và báo cáo công tác quản lý chất thải nguy hại của các cơ sở còn hạn chế. Nhiều cơ sở thu gom không triệt để, chất thải nguy hại còn để ngoài trời, không có biện pháp che chắn hoặc lưu giữ cùng với chất thải sinh hoạt hay chất thải sản xuất thông thường.

Trong quá trình hoạt động sản xuất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thường xuyên phát sinh khí thải, mỗi ngành sản xuất phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí đặc trưng theo từng loại hình công nghệ, khó xác định hết tất cả các loại khí thải gây ô nhiễm nhưng chủ yếu vẫn là ô nhiễm bởi bụi trong sản xuất xi măng, thép, gốm sứ... và các loại khí thải SO2, CO, NOx.

Đối với công tác BVMT khu vực nông thôn cũng có nhiều cải thiện, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp được nâng lên. 100% các xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt và hoạt động hiệu quả, với tần suất thu gom 2 - 3 lần/tuần. Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 104 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp. Tuy nhiên, hiện 13 lò đốt đã dừng hoạt động, các lò đốt còn lại vẫn hoạt động nhưng xuống cấp, thường xuyên hư hỏng. Cùng với đó, các bãi chôn lấp cũng đã sử dụng gần hết diện tích quy hoạch.

Theo bà Vũ Thị Hồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải thì, hiện trên địa bàn huyện có 26 xã, thị trấn đầu tư xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt kết hợp với chôn lấp, cơ bản giải quyết được tình trạng ô nhiễm do rác thải sinh hoạt phát sinh, tiết kiệm được quỹ đất chôn lấp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước; các xã còn lại áp dụng mô hình chôn lấp rác tổng hợp và ủ vi sinh. Tuy nhiên, sau 7 - 9 năm đi vào vận hành, nhiều lò đốt rác đã xuống cấp, hư hỏng; tỷ lệ đốt rác đạt thấp.

Còn tại UBND xã Tân Lễ (Hưng Hà), mặc dù ý thức của người dân trong công tác BVMT ngày được nâng lên, rác thải không còn vứt bừa bãi ra đường, xuống sông nhưng việc xử lý rác thải chưa được triệt để. Hiện xã quy hoạch khu chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung với diện tích 1ha. Đã lấp đầy 2/3 diện tích, dự kiến đến năm 2025 sẽ lấp đầy. Khi đó bài toán về xử lý rác thải sẽ rất khó nếu không có giải pháp sớm.

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại nông thôn, tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ hiện đại và đang tập trung triển khai thực hiện; tổ chức đoàn khảo sát, trao đổi kinh nghiệm xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt tại một số địa phương.

Đồng thời, địa phương cùng các ban ngành chức năng đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong công tác thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên vùng, liên huyện, toàn tỉnh nhằm chung tay tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh công tác BVMT tại địa phương.

Đông Hải
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động