Thanh Hóa: Làm tốt công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm tỷ lệ phải thu gom, xử lý
Trên cơ sở báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố, ước tính tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2023 khoảng 447.988 tấn (tương đương 2.474 tấn/ngày), khối lượng rác thu gom và xử lý là 406.624 tấn (tương đương 2.246 tấn/ngày, đạt 90,8%); trong đó, khối lượng CTRSH được xử lý bằng công nghệ đốt là 116.114 tấn (đạt 28,6%), khối lượng CTRSH được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 261.592 tấn, (đạt 64,3%), khối lượng CTRSH được tái chế, xử lý khác là 26.777 tấn (đạt 6,6%); phần CTRSH chưa thu gom tập trung được UBND các huyện hướng dẫn người dân tự thu gom, xử lý bằng các biện pháp đốt hoặc chôn lấp tại chỗ. So sánh với chỉ tiêu kế hoạch được giao theo Quyết định số 5050/QĐ-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh (tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 91,5%, tỷ lệ đốt đạt 29,6%, tỷ lệ chôn lấp 67%), kết quả thực hiện trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thu gom, xử lý thấp hơn 0,7%, tỷ lệ đốt thấp hơn 1%, tỷ lệ chôn lấp giảm 2,7%.
Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt 06 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa giảm hơn so với năm 2023 |
Qua thống kê có 18 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 90% đến dưới 100% (TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, TX Bỉm Sơn, TX Nghi Sơn, các huyện: Thọ Xuân, Đông Sơn, Nông Cống, Triệu Sơn, Hà Trung, Yên Định, Thiệu Hoá, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga Sơn, Như Xuân, Như Thanh); có 07 địa phương có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 70 - 90% (huyện: Hậu Lộc, Thạch Thành, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như Thanh, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn), có 02 huyện có tỷ lệ thu gom, xử lý đạt từ 60% đến dưới 70%.
Tỷ lệ được thu gom, xử lý giảm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân do UBND các huyện đang triển khai các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chỉ đạo của UBDN tỉnh tại Công văn số 17655/UBND-NN ngày 21/11/2023 nên khối lượng CTRSH được thu gom về các khu xử lý tập trung của huyện giảm xuống. Bên cạnh đó, khối lượng CTRSH được tái chế, xử lý khác tăng lên, đạt 6,6% (năm 2023 đạt 4,7%) nên cũng giảm lượng CTRSH được xử lý đốt.
Để làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn và các quy định theo Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 02/3/2022 của UBND tỉnh quy định chi tiết quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn kỹ thuật về phân loại CTRSH tại Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT ngày 02/11/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại rác thải, giảm tỷ lệ chôn lấp.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về quản lý chất thải rắn theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 50674/UBND-NN ngày 12/4/2024; Tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị vận hành bãi rác tập trung, nhà máy xử lý CTRSH trên địa bàn yêu cầu vận hành đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; hướng dẫn cơ sở hoàn thiện các hồ sơ trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý CTRSH theo Nghị quyết 236/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh.
Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội cấp huyện, cấp xã trong việc phát triển các phong trào quần chúng tham gia BVMT, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phân loại rác tại nguồn, thực hiện các mô hình tự quản về môi trường ở từng cộng đồng dân cư và giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn.