Thanh Hóa: Nhiều cơ sở sản xuất giấy, bột giấy không có báo cáo đánh giá tác động môi trường

12/04/2019 21:08 Chính sách - Pháp luật
Sở Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy trên địa bàn theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung báo cáo nêu rõ, Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tre luồng lớn nhất cả nước với hơn 71.375 ha; trong đó, có hơn 29.982 ha trồng thâm canh trên địa bàn các huyện: Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân, Câm Thủy…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 126 cơ sở chế biến lâm sản; trong đó, có 47 cơ sở chế biến từ cây luồng, 79 cơ sở từ cây nứa, vầu. Theo số liệu thống kê, có 28 cơ sở sản xuất giấy, bột giấy (06 cơ sở sản xuất giấy Krat từ giấy phế liệu mua trong nước và nhập khẩu, trong đó, 02/6 cơ sở mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đang thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, 21 cơ sở sản xuất giấy vàng mã, bột giấy từ nguồn nguyên liệu nguyên sinh như tre, nứa, luồng, 01 cơ sở sản xuất với hai loại hình trên. Các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy sử dụng nhiều nước (chủ yêu là nước mặt sông Mã, sông Âm...), hoá chất sử dụng (xút, lưu huỳnh, phẩm màu, phèn nhôm, polyme và javen), mỗi cơ sở có trung bình 2-4 dây chuyên xeo giấy, 3-5 nồi cầu, 5-10 bể ngâm ủ bột giấy.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm từ phế liệu thải bỏ, cây luồng cũng phát sinh nhiều tổn tại, bất cập.


Một xưởng sản xuất bột giấy ở huyện Như Xuân xây dựng trái phép trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp
Cụ thể, hoạt động sản xuất giấy, bột giấy của 17 cơ sở (đặc biệt là các cơ sở sản xuất giấy vàng mã, ngâm ủ bột giấy) diễn ra trong thời gian dài trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép sản xuất loại hình này, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định.
Có 12 cơ sở mặt bằng sản xuất trật hẹp, lấn chiếm đất hành lang sông, 17 cơ sở sử dụng đất không đúng mục đích (đất ở, đất lâm nghiệp, đất đất rừng sản xuất), trái quy định.
Một số cơ sở hệ thống xử lý nước thải chỉ mang tính chất đối phó, hình thức đa số không đáp ứng được yêu cầu; Một số cơ sở lắp đặt van, khóa, đường ống để bơm, xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, gây bức xúc trong quân chúng nhân dân.
Trong quá trình hoạt động tại một số cơ sở còn gặp khó khăn về vốn dẫn đến thiếu sự đầu tư, thiếu hồ sơ về bảo vệ môi trường, đất đai theo quy định.
Trên cơ sở những tồn tại hạn chế, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đình chỉ hoạt động của các cơ sở sản xuất giấy và bột giấy vi phạm pháp luật về môi trường; các cơ sở sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai.
Không chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án sản xuất bột giấy, giấy vàng mã tại các khu vực đầu nguồn các hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh; Ban hành quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và công chức tham mưu, thừa hành trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Trước đó, ngày 22/3/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 3257/UBND - THKH giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với pác đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải trên địa bàn các huyện ở thượng nguồn sông chính, kiểm tra tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất giấy, bột giấy trên địa bàn tỉnh; trong đó, làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư các nhà máy, cơ sở sản xuất, việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thiên Vân

 
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động