Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn

16/09/2024 08:21 Quản lý nguồn thải
Ngày 31/7/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 11050/UBND-NN gửi các sở ban ngành, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố, xã trên địa bàn để chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn.

Theo thống kê khối lượng rác thải nhựa phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 114.225 tấn/năm (tương đương 312,9 tấn/ngày), dự kiến khối lượng chất thải nhựa phát sinh đến năm 2025 khoảng 125.648 tấn/năm, đến năm 2030 khoảng 151.000 tấn/năm. Khối rác thải nhựa được thu gom, tái chế khoảng 30.890 tấn/năm (chiếm 27%), xử lý bằng phương pháp đốt 26%, xử lý bằng phương pháp chôn lấp chiếm 65%, còn lại 9% chưa được thu gom, xử lý.

Thanh Hóa: Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn
UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn

Dưới sự nỗ lực, cố gắng của Chính quyền địa phương và người dân, công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Nhận thức của nhân dân về tác hại của rác thải nhựa được nâng lên; đã tổ chức được nhiều mô hình thu gom, phân loại giảm thiểu rác thải nhựa; một số chợ, khu thương mại, hộ kinh doanh đã sử dụng túi giấy, ống hút giấy thay cho túi nhựa, ống hút nhựa. Hầu hết các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường thị trấn đã thực hiện sử dụng chai thủy tinh, cốc thủy tinh tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, sự kiện và phòng làm việc thay thế cho các chai nước đóng sẵn.

Tuy nhiên, công tác quản lý chất thải nhựa còn nhiều tồn tại, hạn chế về việc phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa mới thực hiện được đối với các loại nhựa thải có giá trị tái chế cao như: vỏ chai nhựa đựng nước khoáng, dầu ăn, các chậu nhựa, xô nhựa hỏng..., các loại nhựa có giá trị tái chế thấp hoặc không tái chế được (như: túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ mì tôm, vỉ thuốc...,) với khối lượng khoảng 83.336 tấn/năm, chiếm khoảng 9% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đang để lẫn và xử lý cùng rác thải sinh hoạt, bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt do không có đơn vị thu mua tái chế, việc sử dụng túi ni lông khi đi mua hàng vẫn còn phổ biến.

Qua khảo sát thực tế nhìn chung những người được khảo sát đều ủng hộ việc sử dụng các giải pháp thay thế cho các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, nhưng trên thực tế do sự tiện lợi, giá thành và độ phổ biến thì việc thay thế toàn bộ các sản phẩm nhựa dùng 1 lần vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để công tác quản lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh đạt được các mục tiêu đề ra theo Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 30/8/2021 của UBND tỉnh; trên cơ sở báo cáo và đề xuất tại Công văn số 6674/STNMTBVMT ngày 25/7/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể đến từng Sở, UBND huyện, thị xã, thành phố, các xã trên địa bàn tỉnh và yêu các các đơn vị nghiêm túc triển khai, thực hiện./.

PV
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động