Thành phố Thủ Đức: Dùng thiết bị bay không người lái để ngăn nạn xả rác

23/08/2023 18:00 Quản lý nguồn thải
Chiều 23/8, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Thành phố tổ chức hội nghị chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2023 – 2025.
Thành phố Thủ Đức: Dùng thiết bị bay không người lái để ngăn nạn xả rác
Ảnh minh họa

Phát biểu tại cuộc họp, Ông Nguyễn Kỳ Phùng - phó chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức - cho biết, với mật độ dân cư đông, Thành phố Thủ Đức đối mặt với các thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, lấn chiếm lòng lề đường. Trên địa bàn có hơn 200 điểm rác phát sinh, tái phát sinh, chủ yếu ở các khu vực đất trống, khu dân cư… Đây là vấn đề nan giải, chủ yếu đến từ ý thức chưa đầy đủ của một bộ phận người dân, mặt khác cũng do chưa có chính sách khen thưởng cho việc phát giác, tố giác đối với hành vi đổ, xả rác không đúng quy định

Từ thực trạng trên, TP. Thủ Đức đã thực hiện nhiều giải pháp như tổ chức ký cam kết giải quyết dứt điểm các điểm rác phát sinh, đảm bảo các điểm ô nhiễm được giải quyết triệt để; số hoá những điểm phát sinh về rác để lãnh đạo 34 phường trên địa bàn có thể theo dõi theo thời gian thực và đến thời điểm này việc xử lý các điểm rác phát sinh đã được giải quyết triệt để. Cùng với đó, tổ chức bay drone, flycam để giám sát, quản lý các điểm rác là một trong những giải pháp quản lý rác thải được Thành phố Thủ Đức áp dụng trước tình trạng rác thải phát sinh tại khu đất trống trong các dự án chậm triển khai.

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến đề nghị mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố duy trì triển khai và phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, triển khai sử dụng hình ảnh lấy từ hệ thống camera giám sát để xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, từ nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Chia sẻ một số hoạt động sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh về các giải pháp đảm bảo thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường, Thạc sĩ Đào Vũ Hoàng Nam, Phó phòng Công tác chính trị, sinh viên, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tập thể các đơn vị, sinh viên nhà trường đã triển khai các mô hình như “Save bottle - plant trees” với việc đặt các lồng sắt gom rác thải nhựa tại nhiều khu vực trong trường để mọi người chủ động phân loại rác, tái chế, xây dựng ý thức để rác đúng nơi quy định; đồng thời sử dụng nguồn kinh phí từ bán ve chai thực hiện công trình “Vườn cây thanh niên” góp phần tạo thêm mảng xanh trong trường. Mô hình “đổi họa lấy hoa”, cũng đem đến những hiệu quả tích cực. Sinh viên chỉ cần mang 10 chai nhựa đến sẽ được đổi lấy 1 chậu sen đá. Hằng năm, hoạt động đã thu về hơn 600 chai nhựa, từ đó, tạo nên thói quen thu gom chai nhựa đã qua sử dụng xung quanh khu vực sinh sống và học tập, hạn chế việc thải bỏ rác thải nhựa ra kênh rạch.

Giang Nam
Xin chờ trong giây lát...

Phân loại chất thải sinh hoạt: Khó khăn từ thực tiễn

Phiên bản di động