Thiết kế sinh thái hướng đến mục tiêu tuần hoàn
Tiêu chuẩn về thiết kế sinh thái
Khái niệm “thiết kế sinh thái” (Ecodesign) được đưa ra nghiên cứu, thảo luận chính thức tại Hội nghị quốc tế Thiết kế sinh thái lần đầu tiên vào năm 1989 tại California. Sau đó, Cơ quan Môi trường châu Âu - EEA đã xây dựng một tiêu chuẩn áp dụng tại châu Âu hướng tới việc giảm thiểu tối đa sự tác động tiêu cực về môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm.
Hiện các quốc gia đã áp dụng thành công mô hình thiết kế sinh thái như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc trong việc tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, thực hiện chương trình quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa, yêu cầu tất cả các sản phẩm điện tử phải có khả năng sửa chữa, tái tạo, giảm tiêu thụ năng lượng…
Ứng dụng thiết kế sinh thái cũng được áp dụng trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững. Có thể kể đến các công ty đa quốc gia trên toàn cầu sử dụng mô hình này như Apple, Google và Unilever. Các công ty đã và đang cam kết thực hiện mục tiêu đạt "Zero Waste" (không chất thải) trong chuỗi cung ứng, tích cực áp dụng các nguyên tắc thiết kế sinh thái.
Kinh nghiệm áp dụng thiết kế sinh thái bao bì từ quốc tế có thể thấy, như tại Châu Âu, từ năm 1992 đến nay, Chứng nhận và nhãn hiệu sinh thái (EU Ecolabel) được áp dụng trên toàn bộ Liên minh Châu Âu (EU) với mục đích, giúp người tiêu dùng lựa chọn được các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Trong năm 2023, đã có 2743 chứng nhận/ 95.758 sản phẩm và cấp mới 159 chứng nhận nhãn hiệu sinh thái.
Tương tự, tại các nước Châu Á như Nhật Bản, việc thực hiện chính sách và quy định nghiêm ngặt về thiết kế sinh thái bao bì được diễn ra từ năm 1995, trong đó quy định trách nhiệm của nhà sản xuất và người tiêu dùng về tái chế bao bì; yêu cầu phân loại, thu gom riêng các loại bao bì như chai lọ, hộp giấy, nhựa, kim loại; áp dụng hệ thống ký quỹ để khuyến khích người tiêu dùng trả lại bao bì đã qua sử dụng… góp phần tăng cường tái chế và giảm thiểu rác thải bao bì.
Đến năm 2020, Nhật Bản đề ra tầm nhìn phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tối ưu hoá sử dụng tài nguyên và giảm thiểu chất thải, nhằm đạt được các mục tiêu cụ thể về tái chế và sử dụng tài nguyên; thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và công nghệ xanh trong sản xuất và tiêu dùng bao bì; đồng thời khuyến khích hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế tuần hoàn.
Tại Trung Quốc, năm 2016, quốc gia này đã xây dựng một hệ thống sản phẩm “xanh” thống nhất để phù hợp với Tiêu chuẩn Quốc gia - Nguyên tắc và yêu cầu chung của thiết kế sinh tháo đối với sản phẩm. Ngoài ra còn có các nước như Ấn Độ, Pakistan trong việc hỗ trợ cho công trình xanh; Thái Lan miễn giảm thuế doanh nghiệp cho sản phẩm phân hủy sinh học; Mông Cổ thực hiện hỗ trợ cho sản phẩm thân thiện với môi trường và bắt buộc phải đóng phí, thuế với túi nhựa, túi nilon của nhiều quốc gia khác...
Thiết kế sinh thái được áp dụng trong sản xuất bao bì các sản phẩm |
Những nỗ lực của Việt Nam
Từ những kinh nghiệm thực tiễn trên, Việt Nam đã xây dựng được chính sách về thiết kế sinh thái trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, quy định về kinh tế tuần hoàn, sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường và nhãn sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) và ban hành các Nghị định quy định chi tiết về Hồ sơ đề nghị và thủ tục chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030,…
Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện ứng dụng thiết kế sinh thái bao bì, có thể kể đến, doanh nghiệp Nestle Việt Nam đã cam kết đến năm 2025, trên 95% bao bì của Nestle sẽ được thiết kế để tái chế; giảm thiểu 1/3 lượng nhựa nguyên sinh trong bao bì thông qua việc hỗ trợ phát triển hệ thống thu gom, phân loại và tái chế hiệu quả.
Nestle thực hiện theo các nguyên tắc như: Tính đến hiệu suất sản phẩm, nhằm loại bỏ các bao bì gây vấn đề, thay thế trên 95% diện tích pallet, giảm màng bọc nhựa, cải thiện hiệu suất môi trường của bao bì B2B; tăng giá trị tái chế cho các loại bao bì được tái chế theo quy mô trong hệ thống tái chế hiện tại và sẽ được tái chế theo quy mô trong các hệ thống tái chế tương lai.
Đồng thời, tuân thủ tiêu chuẩn ngành về thiết kế để tái chế tại thị trường sản phẩm được bán, ví dụ 4evergreen cho EU, CEFLEX cho bao bì mềm và APR tại Mỹ; tuân thủ các yêu cầu của thị trường tiếp nhận đối với việc cung cấp liên thị trường; thực hiện thu gom phân loại và tái chế ở thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, để tăng tính hiệu quả của tiêu dùng bền vững và hành động vì một tương lai không rác thải, Nestle Việt Nam cũng đẩy mạnh việc gắn kết và thúc đẩy truyền thông rộng rãi với người tiêu dùng về phương thức xử lý bao bì có trách nhiệm…
Tin mới
Kế hoạch chuyển đổi công nghệ lạnh xanh và môi chất lạnh tự nhiên đối với phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Nghiên cứu thị trường và tình hình sử dụng thiết bị và môi chất lạnh của phân ngành lạnh gia dụng và bán lẻ trong chuỗi lạnh thực phẩm tại Việt Nam
Vinh danh nhiều tổ chức, cá nhân trong Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024
Sáng ngày 08/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Hà Nội, Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chương trình “ Diễn đàn Kinh tế xanh vì một Quốc gia phát triển bền vững năm 2024 ”, đây là sự kiện được Hiệp hội tổ chức mang tính thường niên trên phạm vi toàn quốc.