Thiết lập cơ sở quản lý, sử dụng tiền hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải

02/06/2023 14:15 Chính sách - Pháp luật
Nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý, sử dụng đóng góp tài chính hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải.

Dự thảo Thông tư được xây dựng với mục đích nhằm quản lý, sử dụng nguồn tài chính đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu một cách minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích; bổ sung nguồn tài chính quan trọng bên cạnh ngân sách địa phương để góp phần giải quyết vấn đề hỗ trợ thu gom, tái chế, xử lý chất thải sinh từ đó mở ra nhiều cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Dự thảo Thông tư đưa ra các quy định chung về phạm vi, đối tượng áp dụng và các quy định cụ thể về quản lý và sử dụng tiền đóng góp để hỗ trợ tái chế; quản lý, sử dụng tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải.

Nhiều cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được mở ra khi Thông tư được thông qua
Nhiều cơ hội, động lực cho các doanh nghiệp tái chế, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt được mở ra khi dự thảo Thông tư được thông qua

Trong quản lý, sử dụng tiền đóng góp hỗ trợ tái chế, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về đối tương, điều kiện được hỗ trợ; phương thức hỗ trợ tái chế; nộp, tiếp nhận đề nghị hỗ trợ tái chế; thẩm định, biểu quyết thông qua đề nghị hỗ trợ tái chế; phê duyệt kết quả thẩm định, các đề nghị hỗ trợ tái chế và công khai danh sách các đề nghị hỗ trợ tái chế; hợp đồng hỗ trợ tái chế; giải ngân hỗ trợ tái chế.

Trong đó, đối tượng được hỗ trợ tái chế là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trực tiếp tái chế sản phẩm, bao bì quy định tại cột 3 Phụ lục XXII kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Đối tượng được hỗ trợ tái chế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hỗ trợ như: Được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật; Có chức năng, năng lực tái chế sản phẩm, bao bì đáp ứng quy cách tái chế bắt buộc quy định tại Cột 5 Phụ lục XXII kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP; Đáp ứng, tuân thủ yêu cầu, quy chuẩn, quy định của pháp luật bảo vệ môi trường; Hồ sơ đề nghị tái chế đáp ứng các tiêu chí, ưu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố....

Việc hỗ trợ tái chế là hình thức hỗ trợ không hoàn lại chi phí tái chế sản phẩm, bao bì cho các cơ sở tái chế đáp ứng quy định. Hỗ trợ tái chế được thực hiện thông qua hợp đồng hỗ trợ tái chế; việc giải ngân số tiền hỗ trợ tái chế được thực hiện theo hợp đồng hỗ trợ tái chế đã ký kết.

Hằng năm, trước ngày 30/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phải công bố công khai tiêu chí, ưu tiên, mức hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì của năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng chỉ rõ Cơ sở tái chế phải nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hồ sơ đề nghị hỗ trợ tái chế cho năm tiếp theo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10 hằng năm; trường hợp gửi qua đường bưu chính thì tính theo dấu bưu điện.

Hội đồng EPR quốc gia thẩm định, biểu quyết thông qua hồ sơ đề nghị hỗ trợ tái chế sau khi kết thúc thời hạn tiếp nhận quy định.

Đối với tiền đóng góp tài chính hỗ trợ xử lý chất thải, dự thảo Thông tư tách biệt giữa tiền hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật và tiền hỗ trợ ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Trong đó, đối tượng được hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật là cơ quan, tổ chức được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền hoặc giao trực tiếp quản lý dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt/bao bì thuốc bảo vệ thực vật, gồm: Dự án đầu tư xây dựng hệ thống lưu giữ, trung chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; hệ thống các công trình, thiết bị công cộng phục vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quy mô từ cấp liên xã trở lên;

Hoặc, dự án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ hộ gia đình, cá nhân có quy mô từ cấp liên xã trở lên; Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt các điểm lưu giữ, bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tự phát và các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường có quy mô từ cấp liên xã trở lên (không bao gồm đầu tư, xây dựng công trình, cơ sở xử lý chất thải); Dự án thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật có quy mô từ cấp liên xã trở lên (không bao gồm đầu tư, xây dựng công trình, cơ sở xử lý chất thải).

Trong khi đó, đối tượng được hỗ trợ ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt là chủ đầu tư dự án ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Đối tượng được hỗ trợ ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện hỗ trợ như: Dự án ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt được phê duyệt kể từ ngày 01/01/2022; Dự án ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng và tuân thủ các yêu cầu, quy chuẩn, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Hồ sơ đề nghị hỗ trợ ứng dụng sáng chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng các tiêu chí, ưu tiên do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố…

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động