Thu ngân sách Vĩnh Phúc cao nhất từ trước đến nay
Ngày 30/11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ mười lăm thông qua một số nội dung quan trọng về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; điều hành thu chi ngân sách; kế hoạch đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023 và xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.”
Quang cảnh hội nghị. |
Triển khai các nhiệm vụ năm 2022, Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đưa kinh tế-xã hội phục hồi ấn tượng, tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến cả 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt từ 9,2-9,8%, là mức cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách ước đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021 và cao nhất từ trước nay, trong đó thu nội địa đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 6,2%.
Công tác xúc tiến đầu tư có nhiều đổi mới, toàn tỉnh thu hút được 450 triệu USD vốn FDI, 12.500 tỷ đồng vốn DDI, thành lập mới 1.300 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 13.600 tỷ đồng, tăng 13%. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, với 8,2 triệu lượt khách đến du lịch, tổng doanh thu gần 3.300 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần về số lượt khách và tăng 2 lần về doanh thu so với năm 2021. Toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho gần 20.000 lao động; thu nhập bình quân đầu người đạt 129 triệu đồng/năm, dự kiến là 1 trong 10 địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước.
Dự thảo Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về “xây dựng, phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đặt mục tiêu: Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, gắn kết hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị văn hóa hiện đại, hướng đến chân, thiện, mỹ, tạo vị thế, hình ảnh đẹp về đất và người Vĩnh Phúc. Đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, phát huy các đặc điểm nổi trội là “tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới”.
Trong phần thảo luận về báo cáo kết quả thực kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023, các đại biểu nhất trí cao với báo cáo đánh giá và những kết quả cụ thể Vĩnh Phúc đạt được. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đến đời sống nhân dân, đưa nước sạch về khu vực nông thôn để các địa phương sớm đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch để các địa phương làm căn cứ xây dựng, triển khai các dự án, công trình.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt từ 9,2-9,8%, là mức cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách ước đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021 và cao nhất từ trước nay. |
Tăng cường xử lý vi phạm về đất đai, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này. Quan tâm bổ sung nguồn lực cho các địa phương đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, xác định giá đất để triển khai các dự án đầu tư công, hạn chế chuyển nguồn đầu tư công; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tiếp cận có trọng tâm, trọng điểm và các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Đối với dự thảo nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, các đại biểu đánh giá cao và mong muốn nghị quyết sớm được ban hành để các địa phương, ngành thể chế hóa bằng các nghị quyết, đề án cụ thể. Đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa cơ sở. Có giải pháp phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ trong đồng bào dân tộc thiểu số; huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, nhân dân cho các hoạt động văn hóa…
Đánh giá cao sự đổi mới trong cách thức tổ chức hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan phân tích, làm rõ những kết quả nổi bật Vĩnh Phúc đạt được trong năm 2022, nhất là về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, phát triển công nghiệp, phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm, thu hút khách du lịch…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung làm tốt công tác dự báo, nắm bắt tình hình kinh tế quốc tế, khu vực và các chính sách điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, theo sát các diễn biến các khó khăn, vướng mắc của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để tham mưu, đề xuất kịp thời những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo. Chỉ đạo xây dựng giải pháp, kế hoạch để khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém đã chỉ ra ngay từ những tháng đầu năm 2023.
Cơ bản nhất trí với các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu về lĩnh vực tài chính ngân sách, ngành Thuế cần đẩy mạnh công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, nuôi dưỡng các nguồn thu mới; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống thất thu, đôn đốc thu hồi, giảm tỉ lệ nợ đọng thuế. Điều hành chi ngân sách nhà nước bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ, hiệu quả…
THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN - QUẢNG CÁO