Từ 2020, đánh giá kết quả bảo vệ môi trường bằng cách tính điểm
Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường phải khả thi, đơn giản và dễ áp dụng |
Bộ chỉ số nhằm mục đích đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, khuyến khích nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước và người dân trong công tác bảo vệ môi trường.
26 chỉ số thành phần để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường. |
Nội dung Bộ Chỉ số được cấu trúc thành 2 nhóm, gồm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống. Trong đó, các tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường (nhóm I), bao gồm: Bảo vệ chất lượng môi trường sống; bảo vệ sức sống hệ sinh thái; bảo vệ hệ thống khí hậu; năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (nhóm II), bao gồm: Chất lượng môi trường không khí xung quanh; chất lượng môi trường nước mặt; chất lượng môi trường đất; cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Trên cơ sở các tiêu chí, nhóm tiêu chí này, Bộ chỉ số đã xác định 26 chỉ số thành phần để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và 01 chỉ số thành phần để đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống; đồng thời đưa ra khái niệm, phương pháp tính đối với từng chỉ số thành phần này.
Việc đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần của Bộ Chỉ số. Điểm đánh giá của các chỉ số thành phần được sử dụng để tính Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của của các địa phương. Mỗi chỉ số thành phần có số điểm tối đa là 100 điểm.
Việc thực hiện các chỉ số nhóm I do UBND cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá; chỉ số nhóm II sẽ được thực hiện thông qua điều tra xã hội học. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của các địa phương và đánh giá thông qua điều tra xã hội học, Bộ TN&MT sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành để tổ chức thẩm định, đánh giá. Kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương sẽ được công bố vào dịp Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm sau để đánh giá và được công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT, của Tổng cục Môi trường và của các địa phương.
Bộ Chỉ số này được áp dụng định kỳ hàng năm và áp dụng chính thức từ năm 2020. Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai hướng dẫn, tập huấn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; đồng thời, quy định trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện.