Vĩnh Phúc: Nỗ lực xanh hóa doanh nghiệp và các khu công nghiệp

30/05/2023 12:30 Tăng trưởng xanh
Trong nỗ lực trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục ưu tiên mục tiêu xanh hóa doanh nghiệp và các khu công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường.
Xanh hóa doanh nghiệp và các khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Xanh hóa doanh nghiệp và các khu công nghiệp góp phần phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, những năm qua, Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư phát triển các khu công nghiệp, đặc biệt là hướng đến xây dựng các khu công nghiệp xanh, thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải, khí thải, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần hình thành sản xuất xanh, tăng trưởng xanh bền vững.

Với sự đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực rất lớn của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự quyết tâm, đồng lòng từ phía doanh nghiệp, nhân dân góp phần đã tạo ra bước chuyển lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để có được kết quả đó, việc quán triệt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế gắn mới bảo vệ môi trường và hướng đến xây dựng các khu công nghiệp xanh và doanh nghiệp xanh đã và đang được thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến địa phương.

Xanh hóa doanh nghiệp nhìn từ Công ty Ô tô Toyota Việt Nam

Với phương châm phát triển doanh nghiệp phải gắn liền với bảo vệ môi trường và đóng góp cho xã hội, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam với 26 năm kinh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu về xây dựng doanh nghiệp xanh. Công ty đã chủ động đầu tư, ứng dụng các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất; triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại nhà máy, đại lý; sản xuất những mẫu xe mới có mức khí xả thấp với thông điệp “Vì một xã hội không phát thải khí CO2”. Công ty cũng thực hiện chu trình xanh khép kín trên toàn bộ hệ thống, từ nhà máy, nhà cung cấp tới các đại lý nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường đất, nước và không khí. Năm 2020, công ty đã cắt giảm phát thải gần 6.300 tấn khí CO2, giảm 23 tấn chất thải và gần 25.500 m3 nước thải ra môi trường thông qua việc thực hiện chu trình xanh khép kín trên toàn bộ hệ thống. Năm 2022, toàn bộ hệ thống Toyota Việt Nam đạt chứng chỉ môi trường ISO 14001 và cắt giảm khoảng 3.800 tấn khí CO2.

Công ty Ô tô Toyota Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường
Công ty Ô tô Toyota Việt Nam luôn quan tâm đến các hoạt động bảo vệ môi trường

Hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp xanh, Công ty đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần bảo vệ môi trường như lưu trữ, thu hồi và xử lý pin hybrid thải bỏ đúng quy định; sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời, xây dựng sân chơi cho trẻ em từ lốp xe tái chế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh - vì một Việt Nam xanh; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng nước thải tự động và kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường; hỗ trợ nhà cung cấp đạt chứng chỉ ISO 14001 trong vòng 1 năm sau khi hợp tác nhằm duy trì tôn chỉ “chuỗi cung ứng xanh”. Hiện 100% đại lý Toyota đều thực hiện hoạt động giảm phát thải khí CO2 như thay đèn huỳnh quang bằng đèn LED, dán nhãn nhắc nhở tiết kiệm điện tại các vị trí có công tắc...

Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất xanh, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty ngày càng phát triển, thị trường xuất khẩu rộng mở. Năm 2022, công ty đạt gần 69 triệu USD từ xuất khẩu linh kiện, phụ tùng, đóng góp trên 1.240 triệu USD vào ngân sách Nhà nước, tăng xấp xỉ 25% so với 2021 và được vinh danh là 1 trong 50 doanh nghiệp FDI tiêu biểu thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhận Giải thưởng Rồng Vàng do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức.

Xanh hóa khu công nghiệp, chủ trương đang dần đi vào hiện thực

Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo ngành chức năng, đơn vị đầu tư hạ tầng khu công nghiệp coi trọng việc nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp, ưu tiên trồng và bảo vệ cây xanh gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề nước thải, rác thải qua đó tạo sức hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc sau 7 năm đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động, đang là điểm dừng chân của 35 dự án FDI, 6 dự án DDI, tỷ lệ lấp đầy đạt 97%, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động là một ví dụ điển hình cho việc đưa chủ trương xanh hóa đi vào thực hiện. Thực hiện tốt chủ trương phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện đại, với hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 3.000 m3/ngày đêm; các công trình lưu giữ, xử lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại; hệ thống quan trắc tự động. Đặc biệt, hệ thống cây xanh được trồng dọc, phủ xanh các tuyến đường và trong khuôn viên từng doanh nghiệp.

Xanh hóa Khu công nghiệp hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư và tăng giá trị sản xuất
Xanh hóa Khu công nghiệp hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư và tăng giá trị sản xuất

Mặc dù tỉnh quy định dự án hạ tầng khu công nghiệp tối thiểu phải dành tối thiểu 10% cho diện tích cây xanh, mặt nước và đường đi nhưng tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, diện tích này đã được đưa lên gấp đôi. Bên cạnh việc trồng những loại cây cao, tán rộng thảm cỏ, các loại hoa còn đầu tư, xây dựng 3 tuyến kênh dài hơn 3,6km để thoát nước mưa, chống úng ngập và là nơi trữ nước phục vụ việc chăm sóc tưới cây, cân bằng môi trường sinh thái, tạo không gian Xanh - Sạch - Đẹp.

Còn tại khu công nghiệp Khai Quang, gần 90 dự án đầu tư vào đây đều yên tâm sản xuất kinh doanh do hạ tầng được đầu tư đồng bộ; hệ thống đường, cây xanh, hệ thống xử lý nước thải, rãnh thoát nước mưa được xây dựng rộng khắp, có kết nối và đấu nối ra nơi xử lý, sau đó mới cho thoát ra môi trường. Nước thải công nghiệp khi thải ra môi trường đạt cấp độ A theo tiêu chuẩn QCVN 40: 2011. Bên cạnh đó, hệ thống đèn chiếu sáng, nút đèn tín hiệu giao thông được đầu tư hợp lý theo hướng tiết kiệm điện, bảo đảm ánh sáng ban đêm, tăng vẻ đẹp cho công xưởng, nhà máy.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trong trong khu công nghiệp Khai Quang, Công ty TNHH Haesung Vina đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn phòng sạch, trang bị đầy đủ hệ thống điều hòa, chiếu sáng, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, kho bãi lưu trữ chất thải đạt chuẩn.

Trung bình mỗi tháng, Haesung Vina sử dụng khoảng 15.000 m3 nước sạch. Trong quá trình vận hành hệ thống lọc nước RO, nhận thấy lượng nước thải quá lớn, chiếm khoảng 50% lượng nước đầu vào, công ty đã đầu tư xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống bơm để tái sử dụng cho tưới cây, vệ sinh kho bãi, khu vực nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, tăng cường tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện với môi trường, thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng các bóng đèn led, lắp đặt biến tần cho hệ thống máy nén khí, xây dựng các quy trình bảo dưỡng máy móc định kỳ; lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên diện tích mái nhà xưởng để phục vụ cho sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm, công ty tiết kiệm được khoảng 500 nghìn KW điện, góp phần giảm thiểu chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính.

Những nỗ lực trong xanh hóa doanh nghiệp và các khu công nghiệp của Vĩnh Phúc đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực giảm phát thải khí CO2 trong sản xuất, góp phần hiện thực cam kết giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn cần nhiều hơn nữa cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững, thúc đẩy tiêu dùng, nâng cao sử dụng sản phẩm xanh...trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Chương trình Diễn đàn kinh tế xanh vì một quốc gia phát triển bền vững

Phiên bản di động