Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường để tăng sức hút đầu tư cho các khu công nghiệp

05/12/2024 08:16 Hạ tầng môi trường
Nhằm tăng sức hút với các nhà đầu tư chiến lược vào các khu công nghiệp (KCN), tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường (BVMT); đầu tư nguồn lực, hạ tầng hướng tới trở thành KCN xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường để từ đó tạo ra sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp (DN).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục phát triển KCN gồm Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Sơn Lôi, Thăng Long, Tam Dương I, Tam Dương II, Sông Lô I, Sông Lô II, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Nam Bình Xuyên, Lập Thạch I, Lập Thạch II, Phúc Yên, Chấn Hưng, Đồng Sóc, với tổng diện tích hơn 5.480 ha.

9 KCN đã đi vào hoạt động với 447 dự án đầu tư thứ cấp, gồm 97 dự án đầu tư trong nước và 350 dự án FDI. Các KCN đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT chi tiết toàn khu.

Các dự án đầu tư trong KCN thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng môi trường tại các KCN, các nhà đầu tư hạ tầng, các DN thứ cấp cần tuân thủ thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án BVMT chi tiết đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong các DN được thu gom lưu trữ và thuê đơn vị đủ năng lực vận chuyển xử lý. Nước thải, khí thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả thải, tuyệt đối không tự xả chất thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường.

Vĩnh Phúc: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường để tăng sức hút đầu tư cho các khu công nghiệp
Toàn cảnh Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tìm hiểu thực tế tại KCN Bình Xuyên, hạ tầng kỹ thuật BVMT gồm hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung (hệ thống thu gom nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung, hệ thống thoát nước thải), khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động, các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác được đầu tư ngay từ ban đầu theo thiết kế đồng bộ và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng và quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Công suất trạm xử lý nước thải khoảng 800 m3 - 1.000 m3/ngày/đêm, đạt khoảng 40% công suất thiết kế, nước thải đầu ra đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quá trình xử lý nước thải công nghiệp. Tỷ lệ cây xanh đạt 11% trên tổng diện tích toàn KCN.

Chia sẻ về vai trò quan trọng của công tác BVMT, đại diện Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng An Thịnh Vĩnh Phúc - nhà đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên cho biết: Hiện 95% số DN thứ cấp đầu tư vào KCN Bình Xuyên là các DN FDI, trong đó có các công ty lớn đang hoạt động như Công ty Piaggio Việt Nam (Italia), Công ty Kohsei Multipack, Sunsteel (Nhật Bản), Công ty Hannam (Hàn Quốc), Công ty De Heus (Hà Lan), Công ty Prime Group (Thái Lan)…, vì vậy chất lượng môi trường luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Việc đảm bảo chất lượng môi trường theo đúng cam kết với các nhà đầu tư thứ cấp tạo nên uy tín cho nhà đầu tư hạ tầng KCN, tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển và tin tưởng mở rộng sản xuất, thuê mặt bằng lâu dài.

KCN Thăng Long Vĩnh Phúc - một trong những KCN mới, có tốc độ phát triển nhanh nhất tỉnh có khuôn viên KCN được bố trí khoa học với hệ thống cây xanh thân thiện, tường rào mềm bằng các thảm cỏ tạo cảnh quan bắt mắt. Hệ thống kênh dẫn nước mặt chạy dọc KCN, 2 bên kênh các loại cây đô thị tỏa bóng mát. Sự thân thiện với môi trường là một trong những yếu tố giúp KCN Thăng Long Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư Nhật Bản và các nước phát triển.

Theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Để thu hút thêm nhiều DN chiến lược, yếu tố môi trường tại các KCN cần được đảm bảo.

Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN tỉnh tích cực lấy mẫu, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kiểm soát chặt chẽ quá trình xử lý nước thải tại các KCN. Phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng công an tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các KCN.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như các DN thứ cấp, giúp các DN ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề BVMT trong và ngoài KCN, tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác BVMT các KCN.

Thường xuyên tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác BVMT, đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong KCN.

Đối với các dự án đang trong thời gian đầu tư hạ tầng, Ban sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chuyên ngành kiểm tra quản lý về công tác BVMT giám sát thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải; tham gia đóng góp ý kiến, phản biện Báo cáo đánh giá tác động Môi trường tỉnh của các dự án trong KCN theo quy định.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 28 KCN với diện tích là 4.815 ha. Ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KCN có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm phát triển thành công các KCN trên địa bàn cả nước; thực hiện đầu tư phát triển các KCN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy hoạch đã được phê duyệt; phát triển các KCN mới gắn chặt với yêu cầu bảo vệ môi trường, hạ tầng xã hội (bao gồm nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa, thể thao, chương trình phúc lợi phục vụ người lao động), hạ tầng đến hàng rào KCN (gồm: giao thông, điện, nước, viễn thông…). Các KCN phải đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng xử lý nước thải mới được phép đi vào hoạt động.

Thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở định vị tầm nhìn, phương hướng, cách thức xây dựng hệ thống giải pháp khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Đồng thời chuyển dịch dần mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế từ chiều rộng đến chiều sâu, từ hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp hướng tới hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn theo hướng chủ động, tích cực, trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Minh Phú
Xin chờ trong giây lát...

Tổng kết chương trình Công nghiệp hỗ trợ năm 2024 của TP. Hà Nội: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội tăng cả về số lượng, quy mô, chất lượng

Phiên bản di động