Khánh thành Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

12/09/2024 08:07 Hạ tầng môi trường
Nhằm đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải của thành phố Hồ Chí Minh, sáng 30/8/2024, Dự án Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng chính thức khánh thành, nâng công suất xử lý nước thải lên 469.000m3/ngày đêm. Đây là Dự án Nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Ngày 30/8/2024, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khánh thành công trình mở rộng mạng lưới thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh (thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2).

Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư là 11.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 9.850 tỷ đồng, chiếm 87% tổng mức đầu tư; nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách Thành phố là 1.450 tỷ đồng, chiếm 13% tổng mức đầu tư.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có quy mô 42ha, nằm trên một cù lao biệt lập, có quy mô lớn nhất cả nước với công suất xử lý nước thải 469.000m3/ngày đêm.

Toàn cảnh nhà máy nước thải Bình Hưng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Toàn cảnh nhà máy nước thải Bình Hưng. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.

Công trình được thi công xây dựng nhằm thu gom, xử lý nước thải cho lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, một lưu vực thoát nước của trung tâm thành phố với tổng diện tích khoảng 5.000ha, dân số khoảng 3,6 triệu người.

Dự án mở rộng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng có quy mô và khối lượng thi công, các hạng mục công trình rất lớn, qua địa bàn 8 quận huyện với tổng diện tích lưu vực hơn 2.500ha, dân số khoảng 1,8 triệu người.

Qua nội dung báo cáo của chủ đầu tư, đến nay các hạng mục của Dự án nâng công suất xử lý nước thải đã được hoàn thành và chính thức khánh thành.

Để có được thành công đó, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan ban ngành liên quan trong thời gian qua là vô cùng hiệu quả cùng với đó là sự giúp đỡ tổ chức JICA Nhật Bản đã hỗ trợ vốn, hợp tác với thành phố trong nhiều dự án trước đây và tiêu biểu là dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2.

Thành phố Hồ Chí Minh hy vọng sẽ hợp tác lâu dài, gắn kết bền chặt hơn nữa với Chính phủ Nhật Bản, thông qua tổ chức JICA để triển khai hiệu quả hơn nữa nhiều dự án bảo vệ môi trường nói chung và thu gom, xử lý nước thải nói riêng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng
Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng

Sau buổi Lễ khánh thành, thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các thủ tục, cách thức vận hành nhà máy, chuyển sang giai đoạn vận hành ổn định. Song hành với đó, phải cùng với tư vấn, nhà thầu thi công bảo hành các hạng mục của dự án. Đặc biệt, tổ chức đánh giá dự án (thuộc loại dự án ODA). Đẩy nhanh công tác thủ tục liên quan, tiến đến việc đẩy nhanh triển khai dự án giai đoạn 3, khởi công vào năm 2026.

Sau gần 20 năm triển khai, Dự án cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 1 và giai đoạn 2, từ một cù lao sình lầy, lau sậy đã trở thành một khu xử lý nước thải hiện đại, với công suất xử lý nước thải 469.000m3/ngày đêm (lớn nhất cả nước tính đến thời điểm hiện nay). Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng không chỉ hoàn thiện chức năng chính trong xử lý nước thải mà còn được quy hoạch, xây dựng thành một "điểm đến xanh" với hàng chục héc ta cây xanh, phòng thí nghiệm, hệ thống quan trắc để trở thành một điểm học tập, tham quan, giáo dục môi trường cho người dân thành phố.

Phạm Kiên
Xin chờ trong giây lát...

Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Phiên bản di động